“Dấu ấn” cổ tức mùa đại hội 2025

11:47' - 27/04/2025
BNEWS Mùa đại hội cổ đông năm nay chứng kiến một loạt doanh nghiệp không chỉ thực hiện cam kết chia cổ tức sau nhiều lần trì hoãn, mà còn mạnh tay tăng tỷ lệ cổ tức, tạo dấu ấn đáng kể so với năm trước.
Ngày 25/4 tại TP. Hồ Chí Minh, Sacombank tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông năm tài chính 2024. Theo Sacombank, đây là năm đầu tiên sau 9 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu, ngân hàng lên kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông trong bối cảnh ngân hàng gặt hái được nhiều thành quả tích cực.

Cụ thể, măm 2024, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 12.720 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 10.087 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, ngân hàng còn hơn 7.013 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận hợp nhất lũy kế giữ lại năm trước, Sacombank có hơn 25.352 tỷ đồng. Nhằm nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo tỷ lệ an toàn hoạt động cũng như đáp ứng lợi ích của cổ đông, Hội đồng quản trị trình cổ đông chủ trương tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên có lựa chọn của Sacombank.

Trong mùa đại hội đồng cổ đông, cổ tức của các ngân hàng cũng là tâm điểm chú ý của giới đầu tư. Các ngân hàng chi hàng nghìn tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông trong năm 2025, tỷ lệ cổ tức từ 7% đến 25%.

Trong báo cáo mới phát hành, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho biết, với 13 cổ phiếu ngân hàng đang theo dõi, có 5 tổ chức có công bố kế hoạch trả cổ tức tiền mặt vào năm 2025.

Đáng chú ý, Ngân hàng Thương mại cổ phần Lộc Phát Việt Nam (LPBank, mã chứng khoán: LPB) chi trả cổ tức tiền mặt 25%, tương ứng hơn 7.500 tỷ đồng, đây là mức cao nhất ngành ngân hàng. Đây cũng là lần đầu tiên LPBank thực hiện chi trả cổ tức tiền mặt sau hơn 7 năm, kể từ lần gần nhất vào tháng 2/2018 với tỷ lệ 10%.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán: VPB) tiếp tục trình phương án chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 5%, tương đương 500 đồng/cổ phiếu.

Ngân hàng sẽ dùng gần 4.000 tỷ đồng để chi trả cho cổ đông vào quý II hoặc quý III/2025. Nguồn cổ tức đến từ lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm 31/12/2024, theo báo cáo tài chính năm 2024.

Với doanh nghiệp chia cổ tức bằng cổ phiếu thì bên cạnh định giá hấp dẫn, nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến triển vọng tăng trưởng lợi nhuận. Năm nay, nhiều ngân hàng dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ từ 15 - 49,5%, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây; trong đó, Vietcombank, BIDV, VietinBank, MB Bank, VPBank và Nam A Bank là những cái tên đáng chú ý với kế hoạch phát hành hàng nghìn tỷ đồng cổ phiếu thưởng cho cổ đông.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Nghiên cứu, phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư mang tính thận trọng có thể ưu tiên chọn cổ phiếu của doanh nghiệp thường chia "tiền tươi thóc thật" với lợi suất cao (lợi suất bằng tỷ lệ cổ tức/giá cổ phiếu). Trong khi đó, giá trị cổ đông các ngân hàng nhận được là mức tăng giá cổ phiếu theo thời gian.

Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp trả cổ tức cao nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam thường có dòng tiền ổn định, ít vay nợ và hoạt động trong lĩnh vực ít biến động mạnh.

Mới đây, Công ty cổ phần Vinacafé Biên Hòa (mã chứng khoán: VCF) công bố tài liệu đại hội thường niên 2025 với thông tin đáng chú ý là trình cổ đông phương án trả cổ tức năm 2024 tỷ lệ 480% bằng tiền, tương ứng với việc cổ đông sở hữu 1 cổ phần được nhận về 48.000 đồng. Thời gian chi trả trong vòng 6 tháng kể từ ngày được đại hội cổ đông thông qua. Tỷ lệ này là mức cao nhất kể từ năm 2017 của Vinacafé Biên Hòa khi các năm trước, mức cổ tức công ty chi trả từ 240-250%.

Ngày 25/4, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã chứng khoán: VNM) cũng đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông năm 2025. Tại đại hội, Vinamilk đã thông qua mức chia cổ tức năm 2024 lên tới 43,5% bằng tiền mặt, tăng 5% (tương đương 500 đồng/cổ phần) so với mức cổ tức năm 2023. Tổng giá trị cổ tức cả năm dự chi cho cổ đông lên đến hơn 9.091 tỷ đồng, tương đương 108% lợi nhuận sau thuế phân bổ cho chủ sở hữu của Công ty năm 2024. Trước đó, VNM tạm ứng cổ tức tỷ lệ 20% vào tháng 9/2024 và tháng 2 vừa qua. Số còn lại sẽ được trả trong 6 tháng kể từ ngày kết thúc phiên họp thường niên năm 2025.

Được mệnh danh là “cổ phiếu quốc dân”, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát nhận được sự quan tâm lớn của giới đầu tư. Ngày 17/4/2025, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025.

Ngay trước thềm đại hội diễn ra, Hoà Phát đã trình thay đổi phương án chi trả cổ tức năm 2024 toàn bộ bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20% thay vì 5% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu như kế hoạch ban đầu.

Doanh nghiệp đưa ra lý do điều chỉnh là từ diễn biến của chính sách thuế nhập khẩu đối ứng của chính quyền ông Donald Trump và trên cơ sở thận trọng nhằm đảm bảo nguồn vốn tiền mặt.

Chia sẻ tại đại hội, Chủ tịch Trần Đình Long mong cổ đông ủng hộ quyết định không chia cổ tức bằng tiền. Theo ông Long, nếu không có gì quá đặc biệt, từ năm 2026, Hòa Phát sẽ tiếp tục chia cổ tức tiền mặt. Kế hoạch trả cổ tức là truyền thống mà Hòa Phát muốn duy trì vì đây là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp trở thành quốc dân.

Thống kê của Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho thấy, một số doanh nghiệp đang lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt, dự kiến chi trả trong quý II/2025 như Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí-CTCP (mã chứng khoán: DPM) với mức 22%, Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (mã chứng khoán: QTP) với mức 21,9%,; Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm (mã chứng khoán: NTL) với mức 17,8%, Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM, mã chứng khoán: VEA) với mức 12,8%, Công ty cổ phần Thủy điện Cần Đơn (mã chứng khoán: SJD) với mức 12,5%, Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (mã chứng khoán: SCS) với mức 10,9%, Công ty cổ phần Bột giặt Lix (mã chứng khoán: LIX) và Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán: SAB) với mức 10,2%...

Thực tế cho thấy, đa số nhà đầu tư thích cổ tức trả bằng tiền mặt hơn bằng cổ phiếu, vì có cảm giác đó là “tiền tươi thóc thật”, chứng tỏ doanh nghiệp làm ăn có lãi, có dòng tiền; còn cổ tức cổ phiếu là “cổ tức giấy” sẽ làm pha loãng giá cũng như lượng cổ phiếu hiện có và có thể là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp đang thiếu dòng tiền. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng trong thực tế, bởi mỗi hình thức cổ tức có ưu, nhược điểm riêng và doanh nghiệp sẽ áp dụng tuỳ vào điều kiện và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.

Với hình thức trả cổ tức bằng tiền mặt, cổ đông được nhận tiền, bị đánh thuế  2 lần (thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân) nhưng việc được chia cổ tức bằng tiền tạo tâm lý tin tưởng của cổ đông đối với doanh nghiệp.

Trong khi đó, khi trả cổ tức bằng cổ phiếu, nhà đầu tư không phải chịu thuế khi nhận cổ tức được chia, nhưng do bị pha loãng, giá cổ phiếu giảm đi nên thực chất tài sản của nhà đầu tư không nhiều thêm. Nhiều cổ đông không thực sự thích hình thức trả cổ tức này.

Đối với doanh nghiệp, trả cổ tức bằng tiền mặt đồng nghĩa với việc dòng tiền lưu thông đi ra khỏi doanh nghiệp, còn trả bằng cổ phiếu, doanh nghiệp vẫn giữ nguyên vốn chủ sở hữu, dòng tiền vẫn ở trong doanh nghiệp nên có thể tiếp tục đầu tư.

Theo nhà đầu tư chứng khoán Nguyễn Việt Hưng đến từ Hà Nội, để đầu tư cổ phiếu nhận cổ tức đạt hiệu quả cao, điều đặc biệt quan trọng là cần chú ý đến nền tảng doanh nghiệp.

Những doanh nghiệp có nền tảng tài chính tốt, tăng trưởng đều, ít đầu tư mới đột biến thường chia cổ tức tiền mặt. Với doanh nghiệp tốt, nhà đầu tư không cần bận tâm về việc giá tham chiếu bị điều chỉnh, vì đó chỉ là điều chỉnh kỹ thuật, không gây thua lỗ, một thời gian sau giá cổ phiếu thường tăng lên, mang lại lợi nhuận từ chênh lệch giá cao hơn so với các cổ phiếu tương tự nhưng không chia cổ tức.

Trường hợp chia cổ tức cổ phiếu, cũng không phản ánh doanh nghiệp kém tích cực. Thực tế, nếu đó là doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư, với kỳ vọng đem lại lợi nhuận cao thì việc chia cổ tức cổ phiếu sẽ không làm giảm bớt lượng tiền của doanh nghiệp. Nhà đầu tư có cơ hội kiếm lợi nhuận cao hơn nhờ giá cổ phiếu tăng trong tương lai.

Bên cạnh hai hình thức phổ biến này, thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp lựa chọn phương án kết hợp, vừa trả cổ tức bằng tiền mặt, vừa phát hành cổ phiếu. Cách tiếp cận linh hoạt này nhằm cân bằng giữa việc giữ lại nguồn lực phát triển và đáp ứng kỳ vọng sinh lời ngắn hạn của cổ đông.

Đầu tư cổ phiếu để hưởng cổ tức khi giá giảm xuống vùng thấp được xem là chiến lược “ăn chắc mặc bền”, vì có thu nhập đều đặn từ cổ tức, đồng thời kỳ vọng hưởng lợi kép nếu giá cổ phiếu hồi phục. Thực tế cho thấy, chiến lược này được không ít nhà đầu tư áp dụng trong nhịp thị trường sụt giảm đầu tháng 4/2025 và đang mang lại hiệu quả tích cực.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục