Tìm cơ hội đầu tư trong bối cảnh chứng khoán nhiều biến động

16:06' - 26/04/2025
BNEWS Chứng khoán tháng 4 biến động mạnh phần lớn do ảnh hưởng bởi thuế quan. Thị trường giảm rất mạnh và hồi phục cũng rất nhanh, vừa là rủi ro, nhưng cũng là cơ hội lớn.
Chỉ còn 2 phiên giao dịch nữa (phiên 28/4 và 29/4) thị trường chứng khoán sẽ kết thúc tháng 4 đầy biến động và nhiều cảm xúc. Nhà đầu tư chứng khoán sẽ bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Đây là thời điểm để nhà đầu tư nhìn nhận lại các yếu tố vĩ mô thế giới, những động lực của kinh tế Việt Nam tác động đến thị trường chứng khoán, từ đó đưa ra những chiến lược đầu tư phù hợp cho riêng mình.

Sau đợt điều chỉnh mạnh kể từ phiên giao dịch ngày 9/4 - thời điểm chịu ảnh hưởng nặng nề từ thông tin liên quan đến thuế quan, thị trường chứng khoán đã chứng kiến sự phục hồi ấn tượng của một số nhóm ngành.

Nhìn lại những nhóm ngành cổ phiếu phục hồi mạnh sau thông tin liên quan đến thuế quan, hai ngành có số lượng cổ phiếu hồi phục mạnh mẽ nhất là đầu tư công và bất động sản. Đây là hai nhóm ngành nhận được sự kỳ vọng lớn từ đầu năm 2025 khi Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, đầu tư công năm 2025 xấp xỉ gần 900.000 tỷ đồng. Đầu tư công với hàng loạt dự án trọng điểm và nhiều yếu tố thuận sẽ hỗ trợ giúp phát huy vai trò “đầu kéo” - động lực cho tăng trưởng GDP đạt mục tiêu trên 8% trong năm 2025.

 
Giới phân tích nhận định: Việc tăng mạnh đầu tư công sẽ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực bất động sản. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bất động sản và đầu tư công thu hút được dòng tiền nhờ động lực từ mục tiêu tín dụng tăng trưởng 16%, cùng các nỗ lực cải cách thể chế, trong khi những yếu tố bất lợi từ thuế quan không tác động trực tiếp tới các nhóm này.

Nhóm cổ phiếu vận tải biển chịu ảnh hưởng nặng nề và là 1 trong những nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất trước thông tin về thuế quan. Tuy nhiên sau đó, nhóm vận tải biển cũng là nhóm hồi phục mạnh nhất, nhờ diễn biến tăng giá cước vận tải do Mỹ đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa trước khi các chính sách thuế mới chính thức có hiệu lực.

Dòng tiền đầu tư có xu hướng chảy vào nhóm cổ phiếu tiêu dùng, vì đây được coi là nhóm trú ẩn an toàn trong bối cảnh thị trường chịu nhiều biến động.

Phiên 25/4, nhóm cổ phiếu ngành tiêu dùng thiết yếu là nhóm có đà tăng mạnh nhất với thị trường nhờ MCH tăng 4,61%, VNM tăng 3,55%, MSN tăng 3,51% và SAB tăng 0,61%. Sau khi Mỹ côngboosoos áp thuế quan mới vào ngày 2/4, các chiến lược gia tại ngân hàng Goldman Sachs và Morgan Stanley đều đưa ra báo cáo khuyến nghị đầu tư vào cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng thiết yếu châu Á như chiến lược phòng thủ.

Cụ thể, Goldman Sachs đã nâng khuyến nghị đối với nhóm cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu châu Á lên mức "khả quan", còn JPMorgan cũng có động thái tương tự với nhóm cổ phiếu này tại Đông Nam Á.

Dòng tiền cũng tìm đến những ngành ít được quan tâm trong giai đoạn thị trường ít biến động, nhưng lại trở thành nơi trú ẩn an toàn khi rủi ro gia tăng, đó là các nhóm ngành mang tính phòng thủ cao như nhựa, điện, bệnh viện, dược, nước và bảo hiểm.

Nhóm bán lẻ cũng hồi phục mạnh trở lại, tiêu biểu là MWG và MSN liên tục tăng giá trong những phiên gần đây. Cùng đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán diễn biến rất tích cực trong tháng qua. Các mã như VIX, VND, SHS tăng qua nhiều phiên và các cổ phiếu quy mô nhỏ như SBS, APG, VIG thậm chí nhiều phiên tăng kịch trần. Động lực giúp nhóm cổ phiếu chứng khoán vững vàng đà tăng được cho là nhờ thông tin hệ thống giao dịch mới KRX chính thức vận hành 5/5/2025.

Cổ phiếu vốn hóa lớn hàng đầu thị trường là VIC liên tục tăng trần trong tháng qua, với giá trị khớp lệnh lớn, nhiều phiên trở thành lực đỡ cho thị trường chung. Cụ thể, VIC tăng từ mốc 58.000 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 31/3) lên 67.000 đồng/cổ phiếu (phiên 25/4), tương ứng mức tăng hơn 15,5%. Nếu tính từ đầu sóng tăng của cổ phiếu này, VIC đã tăng tới gần 80%.

Anh Phạm Văn Hải, nhà đầu tư chứng khoán tại Hà Nội chia sẻ, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao nên thị trường chứng khoán trong nước cũng sẽ có phản ứng rất mạnh với các thông tin kinh tế, chính trị trên thế giới. Những biến động mạnh của thị trường trong tháng 4 phần lớn do ảnh hưởng bởi biến động thuế quan. Thị trường giảm rất mạnh và hồi phục cũng rất nhanh, vừa là rủi ro, nhưng cũng là cơ hội lớn. “Cơ hội thường sinh ra từ biến động lớn nếu biết tận dụng”, anh Hải nói.

Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), bà Đỗ Minh Trang nhìn nhận: Các thông tin và chính sách đưa ra dồn dập và có thể thay đổi liên tục ở thượng tầng của các nước lớn. Bà Trang cho rằng, nhà đầu tư cá nhân không nên tham gia lướt sóng hay sử dụng margin (vay giao dịch ký quỹ) vào lúc này vì rủi ro biến động giá vẫn rất cao. Nhà đầu tư nên cân đối giảm tỷ trọng cổ phiếu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi căng thẳng thương mại.

Nếu câu chuyện thuế quan xảy ra theo chiều hướng xấu, các ngành xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, tiếp đó là bất động sản khu công nghiệp, vận tải hàng hóa, cảng biển do lưu lượng hàng xuất nhập khẩu giảm...Nhà đầu tư nên tập trung vào những nhóm ngành đi cùng với sự tăng trưởng kinh tế ở mức ổn định, ví dụ như ngành ngân hàng, vật liệu xây dựng cơ bản có thị trường tiêu thụ nội địa là chính, xây dựng hạ tầng đầu tư công, điện nước do có dòng tiền ổn định, cổ tức tốt hay nhóm ngành công nghệ.

Nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu của doanh nghiệp không có nợ vay ngoại tệ lớn, không nhập khẩu đầu vào lớn, trong khi có thị trường tiêu thụ nội địa lớn.

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho biết, nhà đầu tư cá nhân là nhóm chiếm tỷ trọng giao dịch lớn nhất và số lượng đông nhất. Họ không có nhiều kiến thức, thông tin về thị trường tài chính và doanh nghiệp cụ thể. Do đó, dễ bị chi phối bởi cảm xúc nhiều hơn lý trí. Ông Ngọc cho rằng nhà đầu tư cá nhân buộc phải nâng cao kiến thức và chiến lược đầu tư.

Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định: “Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể nói đang trải qua một trong các giai đoạn khó khăn nhất với sự bất định cao nhất, khi cuộc chơi không nằm trong tay của chúng ta mà phụ thuộc các yếu tố bên ngoài”. Tuy nhiên, không phải tất cả các ngành nghề đều chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề từ thuế quan và thực tế triển vọng tăng trưởng của Việt Nam vẫn tốt hơn so với mặt bằng toàn cầu.

Trên thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều yếu tố nội tại hỗ trợ mang tính dài hạn như kỳ vọng tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, đẩy mạnh đầu tư công, duy trì mặt bằng lãi suất thấp, sự hồi phục của doanh nghiệp… Bên cạnh đó, thị trường vẫn đang kỳ vọng lớn vào khả năng nâng hạng trong thời gian tới và sự vận hành chính thức của hệ thống KRX.

PHS đưa ra 3 kịch bản trong năm 2025. Cụ thể, ở kịch bản tích cực, VN-Index dự kiến trở lại vùng 1200 - 1250 điểm; ở kịch bản cơ sở: VN-Index dự kiến giao dịch quanh 1080 - 1180 điểm; ở kịch bản tiêu cực: VN-Index dự kiến điều chỉnh về quanh mức 900 - 950 điểm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục