Đặc khu kinh tế tạo tính lan toả trong phát triển kinh tế

14:35' - 10/11/2017
BNEWS Đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn cho rằng, tổ chức bộ máy chính quyền, nguồn lực đất đai và thuế là 3 yếu tố quan trọng hình thành đặc khu kinh tế.

Chiều 10/11, Quốc hội tiếp tục nghe báo cáo và thảo luận ở tổ về dự án Luật Đơn vị hành chính - Kinh tế đặc biệt. Bên lề kỳ họp thứ 4, Quốc hội XIV, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh) xung quanh vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Phóng viên: Theo ông, yếu tố nào sẽ quyết định cho việc phát triển đặc khu kinh tế ?

Đại biểu Trần Anh Tuấn: Tổ chức bộ máy chính quyền, nguồn lực đất đai và thuế là 3 yếu tố quan trọng hình thành đặc khu kinh tế. Tuy nhiên, tôi cho rằng tính lan toả từ các đặc khu kinh tế sẽ là yếu tố quyết định nhiều hơn.

Đứng trên góc độ Nhà nước thì đặc khu kinh tế sẽ tạo ra tính lan toả trong sản xuất, tạo ra nguồn lực, chuyển giao công nghệ tốt hơn. Còn nguồn thu từ đặc khu kinh tế chỉ là một phần chứ không phải là quyết định.

Đặc khu kinh tế là nơi trung chuyển hàng hoá, tạo ra tính lan toả cho sự phát triển, nơi kết nối giữa sản xuất trong nước và nước ngoài. Nếu đáp ứng được các điều kiện về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong sản xuất thì sẽ tạo được cầu lớn giữa sản xuất trong nước và nước ngoài, hấp thụ được vốn đầu tư vào đặc khu kinh tế.

Bên cạnh đó, thông qua đặc khu kinh tế, các doanh nghiệp trong nước có thể tìm kiếm đối tác nước ngoài để liên kết sản xuất và phát triển. Đồng thời, sự lan toả của đặc khu kinh tế sẽ tạo ra sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, người tiêu dùng sẽ được hưởng các lợi ích của đặc khu kinh tế như, phúc lợi tốt hơn, chất lượng hàng hoá nội địa tốt hơn....

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về tính hiệu quả mà đặc khu kinh tế mang lại cho nền kinh tế ?

Đại biểu Trần Anh Tuấn: Nếu chỉ gói gọn trong các đặc khu kinh tế thì chưa tính hết được hiệu quả, tất nhiên phải cân đối được nguồn lực của Nhà nước, ngân sách và nguồn thu hút từ bên ngoài vào. Còn nếu tính theo bài toán Nhà nước đầu tư vào thì hiện nay nguồn lực của Nhà nước không có.

Tuy nhiên, cũng phải áp dụng nhiều hình thức như dự án PPP, FDI, xã hội hoá... để đầu tư cho đặc khu kinh tế.

Vấn đề lớn đặt ra là trong thời gian đầu xây dựng đặc khu kinh tế thì hãy khoan tính về hiệu quả kinh tế. Bởi thời gian đầu không thể tính được hiệu qủa kinh tế, mà phải xét theo tính dài hạn. Và để hấp dẫn các nhà đầu tư vào đặc khu kinh tế thì phải có chính sách về thuế, đất đai, cơ sở hạ tầng hoàn thiện... thuận lợi.

Theo tôi, bài toán đặc khu kinh tế là lan toả trong phát triển kinh tế chứ không đặt nặng lên nguồn thu.

Phóng viên: Việc đầu tư vào 3 đặc khu kinh tế là tương đối lớn, trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn đang hạn hẹp thì theo ông phải làm gì để giải quyết vấn đề này ?

Đại biểu Trần Anh Tuấn: Theo tôi, chúng ta cần phải cân đối và có lộ trình phù hợp với đầu tư trung hạn và dài hạn. Cân đối ở đây là bố trí các nguồn vốn ngân sách cho các dự án nào ưu tiên và cần thiết hơn.

Do đó, có thể huy động vốn thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ nếu giải ngân được. Thực tế, hiện vẫn đang còn 70% vốn trái phiếu Chính phủ chưa giải ngân được. Trong điều hành chính sách tài khoá cần phải linh hoạt. Vậy tại sao chúng ta không phân bổ vốn cho đặc khu kinh tế khi dự án này đang cần vốn.

Tôi ủng hộ phát triển đặc khu kinh tế, bởi chúng ta không thể loay hoay mãi trong một cơ chế cứng như hiện nay được, mà phải mở, bằng cách cho các đặc khu kinh tế phát triển.

Có thể không đồng thời phát triển cùng một lúc 3 đặc khu kinh tế, mà xem cái nào cần phát triển trước thì đầu tư.

Trên thế giới, các đặc khu kinh tế đều phát triển rất tốt, vậy tại sao chúng ta không phát triển các đặc khu kinh tế ? Đồng thời, phải hình thành được các khu mậu dịch tự do, bởi ở đây phi thuế quan, người tiêu dùng hưởng lợi rất nhiều.

Phóng viên: Trong 3 đặc khu kinh tế mà Chính phủ trình Quốc hội là Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang) và Bắc Vân Phong (Khánh Hoà), theo ông, chúng ta cần ưu tiên đầu tư cho đặc khu nào ở thời điểm này ?

Đại biểu Trần Anh Tuấn: Theo tôi, cần ưu tiên đầu tư cho Đặc khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh) ở thời điểm này là hợp lý, bởi ở đây hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông !

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục