Đại biểu Quốc hội cho ý kiến về sửa đổi Luật Đầu tư công

18:45' - 16/11/2018
BNEWS Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 16/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Không nên sửa đổi các quy định chưa chắc chắn

Băn khoăn về tính ổn định của văn bản, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng Luật Đầu tư công là văn bản pháp lý quan trọng, có liên quan, tác động trực tiếp đến nguồn lực ngân sách, an ninh tài chính quốc gia nhưng đây cũng là một trong những Luật có đời sống ngắn nhất khi vừa áp dụng được 3 năm đã phải sửa đổi, bổ sung; một số quy định chưa bao quát được hết các vấn đề thực tiễn đặt ra.

 Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vũ Thị Lưu Mai. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đại biểu đề nghị lần sửa đổi này, Ban soạn thảo cần đánh giá một cách bao quát, đầy đủ các vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Cụ thể, cần khắc phục một cách triệt để những hạn chế về thể chế, chính sách để tạo lập một khuôn khổ pháp lý ổn định, có sức sống lâu bền, tránh tình trạng luật vừa ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung.

Về phạm vi sửa đổi, đại biểu cho rằng vấn đề không phải là sửa đổi toàn diện hay chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều, quan trọng là phải lựa chọn những vấn đề thực sự cần thiết, thực sự bức thiết để đưa vào sửa đổi, tuyệt đối không đưa vào dự án Luật những quy định chưa được đánh giá kỹ lưỡng nhưng cũng không cứng nhắc, nếu thấy có những quy định là vật cản cho quá trình phát triển không đưa vào phạm vi sửa đổi.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị cần phân định cụ thể những hạn chế thuộc về cơ chế, chính sách và thể chế pháp luật, những hạn chế do con người, do quá trình tổ chức thực hiện. "Bên cạnh đó, cũng cần lắng nghe ý kiến từ các địa phương, đặc biệt là từ cơ sở, lắng nghe ý kiến từ các nhà tài trợ. Đồng thời nghiên cứu, vận dụng một cách hợp lý kinh nghiệm quốc tế. Chúng ta cũng không nên duy trì mãi cái gọi là đặc thù, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay” - đại biểu nói.

Nêu quan điểm đánh giá tác động của các chính sách sửa đổi, bổ sung trong hồ sơ dự án Luật chưa kỹ lưỡng, chưa công bằng, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nêu rõ: Báo cáo đánh giá tác động cho rằng 17/18 nhóm chính sách cần sửa đổi đều chỉ có mặt tiêu cực không có mặt tích cực; còn những nội dung thay thế 17 chính sách đó chỉ có mặt tích cực không có mặt tiêu cực.

Trong khi mỗi một chính sách đều có mặt tích cực và mặt tiêu cực; quan trọng là lựa chọn chính sách có mặt tích cực nổi trội, ít tiêu cực và cũng cần nhận diện các mặt tiêu cực để có biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu.

Việc đánh giá tác động là rất quan trọng để xem chính sách hiện hành có cần phải thay đổi không và khi thay đổi, chính sách thay thế có tốt hơn không- đại biểu nói và mong Ban soạn thảo cân nhắc, đánh giá kỹ tác động trên nhiều mặt. Những chính sách chưa chắc chắn là khi sửa đổi sẽ tốt hơn thì không nên sửa đổi.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, còn nhiều quy định bất cập trong dự án Luật, như quy định quản lý ODA mâu thuẫn với Luật quản lý nợ công. Hơn nữa, Luật có hiệu lực thi hành từ tháng 1/2020 và mất hàng năm trời mới đủ văn bản hướng dẫn nên không tháo gỡ ngay được khó khăn vướng mắc, không kịp thời phục vụ việc lập kế hoạch giai đoạn sau. Vì vậy những nội dung quan trọng, đang vướng mắc cần quy định cụ thể trong Luật để thực hiện ngay khi Luật ban hành.

Thể hiện ý chí nguyện vọng của cử tri thông qua cơ quan dân cử

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND), đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) nêu ý kiến: Theo Tờ trình của Chính phủ, việc quy định HĐND các cấp quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công hiện hành gây nhiều khó khăn, nhất là về thời gian, phụ thuộc nhiều vào các Kỳ họp của HĐND, theo quy định HĐND các cấp họp một năm 2 lần, làm giảm tính kịp thời, hiệu quả của công tác quyết định chủ trương đầu tư.

Để khắc phục hạn chế này, dự án Luật bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND theo hướng Thường trực HĐND được phép thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND trong lĩnh vực đầu tư công trong thời gian giữa 2 kỳ họp và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất.

Thể hiện không đồng ý với việc bổ sung quy định này, đại biểu Nguyễn Trường Giang phân tích: Thường trực HĐND không phải là một cấp, không thể làm thay nhiệm vụ của HĐND. Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng không quy định về vấn đề này.

Bên cạnh đó, việc giao nhiệm vụ của HĐND cho Thường trực HĐND thực hiện có thể gây ra sự lạm dụng, vận dụng tùy tiện trên thực tế, không bảo đảm sự chặt chẽ trong trình tự, thủ tục đầu tư vốn đã được Luật đầu tư công phát huy tác dụng trong thời gian qua.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 78 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương "HĐND họp mỗi năm ít nhất hai kỳ” và HĐND họp bất thường”. Do vậy, HĐND hoàn toàn có thể họp nhiều hơn hai kỳ/năm hoặc họp bất thường để quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, trong đó có việc quyết định chủ trương đầu tư.

Dự án Luật dự kiến chuyển quyền quyết định đầu tư dự án nhóm B và dự án trọng điểm nhóm C thuộc cấp quản lý từ HĐND các cấp cho UBND cùng cấp. Lý do đưa ra trong báo cáo đánh giá tác động cho rằng “Việc HĐND quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, trọng điểm nhóm C cũng có nhiều bất cập, nhất là về thời gian, làm giảm tính kịp thời và mất đi cơ hội trong đầu tư phát triển”.

Đại biểu cho rằng cần xem lại nhận định trên đây. Việc quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan dân cử nhằm mục đích bảo đảm tính chặt chẽ, gắn liền với định hướng phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, thể hiện ý chí nguyện vọng của cử tri thông qua cơ quan dân cử. Với cách đặt vấn đề cứ trình cơ quan dân cử là mất thời gian, mất cơ hội cần được đánh giá đúng, do đó không nên sửa nội dung này.

Chung quan điểm, theo đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), dự án Luật có quy định nhiệm vụ quyền hạn của HĐND và Thường trực HĐND cấp tỉnh là vấn đề cần cân nhắc kỹ để tránh xung đột với Luật chính quyền địa phương.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giải trình và làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Giải trình nội dung này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ trình quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND dựa theo hai căn cứ: khoản 3, Điều 6 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định: Thường trực HĐND là cơ quan thường trực của HĐND, thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật hiện nay và các quy định của pháp luật khác có liên quan, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND.

Thường trực bao gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Chánh Văn phòng, Trưởng các Ban của Hội đồng và cũng đã được Luật định trong việc này. Thứ hai, về nguyên tắc, khi có những công trình quan trọng, đột xuất, HĐND có quyền họp đột xuất để quyết định thế nhưng không phải lúc nào cũng có thể triệu tập được Thường trực HĐND vì vậy, phần lớn các địa phương đều cho rằng nên giao thẩm quyền này cho Thường trực HĐND.

Chính phủ cho rằng chỉ có một vài công trình đột xuất, cấp bách chứ không phải thường xuyên vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị Quốc hội cân nhắc, xem xét quy định này theo Tờ trình của Chính phủ.

Công khai, minh bạch gắn với kiểm tra, giám sát trong quản lý đầu tư công

Quan tâm đến việc công khai, minh bạch trong đầu tư công, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng dự án đầu tư công sử dụng tiền công phải công khai chi tiết cho người dân được biết đầu tư làm gì? đầu tư như thế nào? việc sử dụng các yếu tố đầu tư ra sao? cũng như đưa ra các giải pháp, quy trình kỹ thuật thi công.

"Quy định hiện hành đã có điều 14 về công khai, minh bạch trong đầu tư công nhưng trong đó chỉ có các quy định chung. Còn những vấn đề người dân cần biết, quan tâm thì chưa thấy. Do đó, cần quy định công khai chi tiết, đầy đủ toàn bộ hồ sơ dự án đầu tư để người dân được biết, trừ những dự án thuộc dạng bí mật nhà nước hay công trình an ninh quốc phòng quan trọng của quốc gia" - đại biểu nhấn mạnh và thể hiện sự tin tưởng nếu thực hiện công khai như vậy, công chúng sẽ là những người biết rất rõ.

Khi đó sẽ không thể có những khuất tất trong thiết kế, thẩm tra, không có cắt xén hay gian dối trong quá trình thi công vả thực hiện dự án. Đây cũng là cơ sở quan trọng để thực hiện quyền giám sát của người dân, của cộng đồng, Mặt trận Tổ quốc khi thực hiện giám sát đầu tư công.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé phát biểu. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Chung ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, Luật cần công khai minh bạch trong quản lý đầu tư công gắn với tăng cường theo dõi giám sát, thanh tra kiểm tra sử dụng nguồn vốn đầu tư công tránh thất thoát lãng phí.

Hiện, dự án Luật chưa thể hiện rõ quan điểm này nên cần bổ sung. Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) nêu quan điểm: Quyết định chủ trương đầu tư có vai trò quan trọng phát huy hiệu quả việc đầu tư nhưng dự án Luật lại quy định các dự án khẩn cấp được thực hiện ngay và do Chính phủ quy định. Nội dung này không cụ thể, không rõ đối tượng...

Dự án khẩn cấp được thực hiện theo thủ tục rút gọn sẽ là khe hở cho tình trạng lách luật hiện nay. Tình trạng này đang phức tạp và đa dạng. Do đó, cần những tiêu chí nguyên tắc để xác định dự án như thế nào là khẩn cấp theo hướng chặt chẽ, tránh mở quá rộng đối tượng được áp dụng.

Đại biểu Nguyễn Hồng Hải (Bình Thuận) đề nghị, bổ sung việc duy tu, sửa chữa các công trình giao thông vào đối tượng đầu tư công, bởi, thực tế hiện nay nhiều công trình giao thông đang hư hỏng, biến đổi khí hậu đã làm sạt lở, ngập lụt khiến các công trình giao thông hư hỏng nặng, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn nhiều hơn, trong khi đó quỹ bảo trì đường bộ mới đáp ứng 40% nhu cầu, còn địa phương mới đáp ứng 15%. Vì vậy, việc bổ sung đối tượng các công trình giao thông vào đầu tư công là rất cần thiết.../.

>>> Bên lề Quốc hội: Chưa thống nhất nội dung điều chỉnh Luật Đầu tư công

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục