Đại biểu Quốc hội hiến kế khắc phục tình trạng trốn thuế, chuyển giá

14:30' - 12/11/2018
BNEWS Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng Luật Quản lý thuế (sửa đổi) phải khắc phục được tình trạng trốn thuế, nợ đọng thế, chuyển giá...
Sáng 12/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Nhiều đại biểu cho rằng, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) phải khắc phục được tình trạng trốn thuế, nợ đọng thế, chuyển giá... Bên hàng lang Quốc hội, phóng viên TTXVN đã ghi lại ý kiến của các đại biểu quốc hội về vấn đề này.

*Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội): Khắc phục tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế, chuyển giá

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng cần khắc phục tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế và chuyển giá. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN
Mặc dù, hiện đã có Luật Quản lý thuế rồi, nhưng tình trạng thất thu thế, nợ đọng thuế... vẫn xảy ra. Từ đó, dẫn đến việc bất bình đẳng giữa cá nhân, tập thể nộp thuế đầy đủ và những trường hợp trốn thuế. Đây là việc nguy hiểm trong cạnh tranh không bình đẳng. Do đó, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) phải hướng tới việc loại bỏ tình trạng trốn thuế, lậu thuế, đảm bảo quyền và nghĩa vụ bình đẳng giữa những người và đối tượng kinh doanh.

Bên cạnh đó, là trách nhiệm của cán bộ thuế. Rõ ràng, người quản lý thuế và cán bộ thực thi phải có trách nhiệm trong việc quản lý và hoàn thành nhiệm vụ. Do đó, cần phải điều chỉnh phạm vi đối tượng chính là người thực thi, quản lý thuế.

Liên quan đến vấn đề chuyển giá, đây là vấn đề lớn nhất hiện nay và lâu dài. Trong thời gian qua, chúng ta đã thiệt hại rất nhiều về vấn đề này. Việc chuyển giá không chỉ xuất hiện ở các công ty nước ngoài mà ngay cả các doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp nước ngoài thì luôn trong tình trạng lỗ thường xuyên, nhưng vẫn mở rộng đầu tư. Do đó, Luật Quản lý thuế phải làm sao hạn chế được tối đa tình trạng chuyển giá.

Cuối cùng, hiện nay Cuộc cách mạng 4.0 kết nối vạn vật, vậy tại sao việc quản lý thuế lại không thực hiện ngay theo hướng này mà vẫn áp dụng thủ công. Ví dụ như việc kê khai thuế, hoá đơn... Theo tôi, nếu các vấn đề trên được giải quyết triệt để thì Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sẽ hoàn thành được mục tiêu.

Và tại Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này đã có nói về các vấn đề đó, tuy nhiên trên thực tế thì lại chưa đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. Ví dụ, liên quan đến vấn đề hoá đơn điện tử nhưng việc này không phải là bắt buộc, không phải là yếu tố phổ biến. Việc này là do cá nhân tổ chức có đủ điều kiện thực hiện; như vậy đơn vị nào minh bạch, đủ điều kiện sẽ thực hiện. Còn đơn vị nào không minh bạch họ sẽ không thực hiện. Tôi cho rằng, việc thực hiện hóa đơn điện tử là phải bắt buộc. Trong dự thảo luật lần này chưa hướng tới việc đó.

Bên cạnh đó, trách nhiệm của người nộp thuế, kê khai thuế mà không thực hiện. Trách nhiệm của cán bộ thuế là như thế nào khi để xảy ra tình trạng đó. Dự thảo luật cũng chưa nói đến trách nhiệm của cán bộ quản lý thuế.

Dự thảo luật cũng chưa thể hiện được rõ các công cụ để chống chuyển giá. Do đó, cần phải làm rõ hơn về các quy định đầu vào, vốn...

*Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (đoàn Đồng Nai): Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường dịch vụ thuế

Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng cần tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân tham gia thị trường dịch vụ thuế. Ảnh: TTXVN
Trong thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã đặt việc nâng cao chất lượng thể chế, cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là trọng tâm ưu tiên. Do đó, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này cũng cần quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính và phân cấp triệt để cho các cấp đơn vị đạt mục tiêu đã đề ra.

Theo tôi, để cải cách thủ tục hành chính một cách hiệu quả, đề nghị cơ quan soạn thảo cần đánh giá các nguồn lực để thực hiện thuế. Qua đó, đánh giá tác động của chính sách đối với xã hội (yếu tố bên ngoài) để có sự rà soát, xem xét tính phù hợp với thực tế khi đưa ra chính sách, quy định mới.

Cần có đánh giá chính xác về yếu tố nền tảng để thực thi hiệu quả dự luật sửa đổi, đó chính là nguồn lực của ngành thuế, bao gồm số lượng và năng lực của đội ngũ công chức, cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng như tốc độ hiện đại hóa của ngành thuế. Đây là những yếu tố quan trọng quyết định việc thực thi Luật có đạt được cả lượng và chất cũng như các mục tiêu đề ra hay không.

Về vấn đề nhân lực, hiện nay biên chế trong ngành thuế đang có xu hướng giảm mạnh, do đó, tôi đề nghị đánh giá nguồn lực để thực hiện dự án Luật vì đến 31/10/2018, ngành thuế có 41.741 cán bộ công chức, trực tiếp làm quản lý thuế; có 30.726 công chức thuế đang làm chuyên môn, trực tiếp làm quản lý thuế.

Như vậy, trong tương lai số lượng cán bộ công chức sẽ tiếp tục giảm. Trong khi cả nước có khoảng 70.000 doanh nghiệp, 5,1 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể chưa kể đến số lượng mã số thuế cá nhân của dân. Dự kiến số lượng doanh nghiệp cũng có xu hướng gia tăng và theo mục tiêu trước mắt đến 2020 Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp.

Song song với đánh giá tác động của chính sách, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cũng cần xem xét đánh giá nguồn lực để thực hiện phù hợp với các nội dung trong dự thảo không gây áp lực cho người nộp thuế cũng như cán bộ công chức thuế.

Thực tế, hiện nay cơ quan quản lý thuế hàng năm mới chỉ kiểm tra, thanh tra được khoảng 20% đối với số lượng doanh nghiệp, người nộp thuế hiện hữu.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc hiện đại hóa, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật để nâng cao hiệu suất chất lượng phục vụ phù hợp với yêu cầu hội nhập cũng cần có thời gian và căn cứ vào lương ngân sách phân bổ hàng năm cũng là yếu tố cần xem xét đòi hỏi ngành thuế phải nhanh chóng hiện đại hóa, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật để nâng cao hiệu suất, chất lượng phục vụ.

Đồng thời, với yêu cầu hội nhập ngày càng cao, đòi hỏi cách thức quản lý phải phù hợp với chuẩn mực quốc tế nhằm tạo điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Tuy nhiên, việc đầu tư cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật và mức độ hiện đại hóa của cơ quan quản lý thuế còn phải căn cứ vào lượng phân bổ ngân sách hàng năm. Đồng thời, việc áp dụng công nghệ cũng cần có nguồn lực phù hợp và thời gian hoàn thiện.

Do đó, cần xem xét tốc độ hiện đại hóa và nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật của ngành thuế có đáp ứng được khối lượng công việc như trong luật định hay không?

Bên cạnh đó, trong điều kiện nền kinh tế đang phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng; khoa học công nghệ cũng ngày càng phát triển với tốc độ cao; các thành phần kinh tế, các hình thức kinh doanh, số lượng đối tượng nộp thuế sẽ phát triển một cách nhanh chóng, đa dạng, quy mô hoạt động của các doanh nghiệp ngày càng lớn và mang tính toàn cầu.

Đến nay cả nước đã có 700.000 doanh nghiệp, 5,1 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, cá nhân nộp thuế và theo Nghị quyết 35NQ-CP của Chính phủ thì mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động và thời gian tới số lượng mã số thuế cá nhân cũng sẽ tiệm cận dần với 100 triệu dân cư.

Như vậy, khối lượng công việc như quy định trong dự thảo liệu có tương ứng với số lượng cán bộ công chức cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và có làm tăng áp lực đối với cán bộ thuế, dẫn đến những sai sót khi thực thi nhiệm vụ hay không là những vấn đề cần xem xét, đánh giá một cách tổng thể.

Theo phân tích trên, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo trên cơ sở đánh giá các nguồn lực của ngành thuế, cần đánh giá tác động của chính sách đối với xã hội để có những điều chỉnh kịp thời; trong đó, có cân nhắc, điều chỉnh để khối lượng công việc tương thích với nguồn lực của ngành thuế.

Đồng thời, cần chú trọng nâng cao năng lực của đội ngũ trong ngành để phát huy tối đa hiệu quả thể chế về thuế cũng như đáp ứng được yêu cầu của quá trình hiện đại hóa và khối lượng công việc phải đảm trách trong xu hướng tinh giản về biên chế.

Bên cạnh đó, việc thiết kế các điều khoản cần đơn giản, các quy định cần cụ thể, chi tiết, dễ hiểu, tránh phát sinh thêm các điều kiện, thủ tục hành chính; đồng thời cần rà soát, cắt giảm bớt các thủ tục không cần thiết để tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế.

Trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), ngoài việc đưa các nội dung của Thông tư và Nghị định trước đây vào trong Luật, có đến 36 điều trong dự thảo chưa được cụ thể hóa mà giao cho Chính phủ quy định chi tiết, trong khi luật hiện hành chỉ có 20 điều giao Chính phủ quy định chi tiết.

Như vậy, khi thiết kế các điều khoản này, ban soạn thảo có xem xét đến việc cắt giảm các thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ về rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh và đơn giản hóa thụ tục hành chính hay không? Và các điều khoản chưa được quy định cụ thể liệu có tạo nên những hệ lụy phát sinh và những biểu hiện đi ngược với mục tiêu về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của Quốc hội và Chính phủ hay không?

Ngoài ra, cần tiếp tục rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường dịch vụ thuế; đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ chuyên nghiệp với giá cả cạnh tranh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục