Đại biểu Quốc hội kiến nghị nhiều giải pháp tăng thu ngân sách

18:17' - 29/10/2018
BNEWS Xét một cách khách quan, tính tự chủ và sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam còn nhiều hạn chế, nhất là khi nguồn thu ngân sách năm nay đã không đạt một số chỉ tiêu đề ra.
Toàn cảnh Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN

Bên lề kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV ngày 29/10, các đại biểu Quốc hội đều nhận định, Chính phủ đã cơ bản hoàn thành nhiều mục tiêu; trong đó, nổi bật là chỉ số GDP trong 9 tháng tăng cao, đạt mức 6,98% và ước cả năm vượt chỉ tiêu 6,7% do Quốc hội đề ra.

Các đại biểu cũng ghi nhận 3 dấu ấn về tài chính quốc gia mà Chính phủ đã thực hiện được trong nhiệm kỳ này là nợ công/GDP giảm nhanh (61,4% trong năm 2018); tỷ lệ bội chi/GDP thấp dần (hơn 3%) và cải cách hành chính để nâng cao năng lực cạnh tranh đã có nhiều bước tiến dài.

Cùng với đó là những dấu mốc mới rất quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, với việc ký kết, hoàn tất đàm phán và thúc đẩy phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP và EVFTA.

Tuy nhiên, xét một cách khách quan, tính tự chủ và sự ổn định của nền kinh tế còn nhiều hạn chế, nhất là khi nguồn thu ngân sách năm nay đã không đạt một số chỉ tiêu đề ra. Đây là điều cần được Chính phủ làm rõ nguyên nhân, phân tích những bất cập và tìm ra giải pháp khắc phục.

Cụ thể, theo đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa), năm 2018, tỷ lệ huy động từ thuế, phí còn thấp so với nhiều năm trước và thấp hơn so với mục tiêu Quốc hội đề ra; nợ đọng thuế lớn và có xu hướng tăng so với năm 2017; chế độ giải ngân vốn đầu tư phát triển còn chậm dẫn đến nhiều dự án đầu tư bị chậm tiến độ, khó hoàn thành gây lãng phí; việc phân bổ ngân sách cho các mục tiêu và sự nghiệp phát triển cũng chậm chễ; việc sử dụng ngân sách, đầu tư công và tài sản công còn kém hiệu quả, lãng phí, gây thất thoát… và việc quản lý của các cơ quan nhà nước còn hạn chế.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (đoàn Thái Bình) bày tỏ: “Mặc dù giai đoạn 2016-2018, nền kinh tế tăng trưởng khả quan với tốc độ trung bình ước tính khoảng 6,57%/năm, nhưng việc đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình 6,5-7%/năm trong cả giai đoạn 2016-2020, theo tôi, vẫn là thách thức rất lớn”.

Theo ông Lộc, nền kinh tế hiện có độ mở rất cao nên rất nhạy cảm với các tác động từ bên ngoài. Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thắt chặt tiền tệ, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và giữa các nền kinh tế lớn có nguy cơ tiếp tục leo thang, thì liệu Việt Nam có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên 10% mỗi năm cho 2 năm tới?

Nhìn sâu hơn, có thể thấy rằng, nguồn thu chính từ các hoạt động kinh tế, điển hình là thu từ thuế đối với khu vực doanh nghiệp, có dấu hiệu thiếu ổn định, không đạt dự toán và thậm chí sụt giảm.

Trong khi đó, tỷ lệ chi thường xuyên so với tổng chi ngân sách nhà nước vẫn luôn duy trì ở mức cao (hơn 60%) và chưa có chuyển biến theo chiều hướng tích cực trong những năm qua, dẫn đến thu ngân sách nhà nước, về cơ bản, chỉ mới đủ đáp ứng cho mục đích tiêu dùng và trả nợ.

Cân đối ngân sách vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ đất đai, tài nguyên và bán tài sản nhà nước, tức là phụ thuộc vào các khoản thu 1 lần nên không có tính bền vững. Với tình trạng ngân sách vẫn còn khó khăn như vậy, ông Lộc đề nghị nên sử dụng các khoản thu ngân sách nhà nước vượt dự toán hàng năm cho việc giảm nợ công, giảm áp lực trả nợ, chứ không chỉ dùng để tiếp tục tăng chi như hiện nay.

“Về tổng thể, sự lo lắng về cân đối ngân sách nhà nước, đến nay, đã không còn lớn như vài năm trước. Nhưng ở tầm nhìn trung và dài hạn, vẫn chưa thể yên tâm.Giải pháp căn cơ để đạt được cân đối tài chính quốc gia trong trung và dài hạn là bên cạnh những nỗ lực thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh để tăng thu, vẫn phải kiên quyết cắt giảm bộ máy về mức hợp lý, từ đó giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống còn khoảng trên/dưới 50%, theo đúng tinh thần các Nghị Quyết của Đảng và của Quốc hội”, ông Lộc nhấn mạnh.

Đồng tình với ông Lộc, đại biểu Trần Quang Chiểu (đoàn Nam Định) kiến nghị, tới đây, cần tích cực thực hiện cho được Chiến lược cải cách thuế và sớm khắc phục tình trạng nguồn lực tài chính quốc gia bị phân tán, ngân sách nhà nước được quản lý không tập trung như hiện nay. Có như vậy, mới mong, đảm bảo an toàn cho nền tài chính, cơ cấu nguồn thu vững chắc cho ngân sách nhà nước.

Đại biểu Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) cho rằng, qua thực tiễn cho thấy, việc huy động các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách và phối hợp các nguồn dư cho đầu tư phát triển là hoàn toàn khả thi, đem lại hiệu quả xã hội to lớn. Vấn đề là chính sách đặt ra làm sao chặt chẽ để không bị lợi dụng, tổ chức triển khai thực sự minh bạch để các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn.

Theo đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn thành phố Hồ Chí Minh), năm nay, bài toán tăng thu ngân sách cần phải được tính toán kỹ, sao cho phù hợp với khả năng và thực lực đóng góp ngân sách của các thành phần kinh tế để xem xét việc giao các chỉ tiêu thu ngân sách cho từng địa bàn. Chứ tính theo tốc động tăng trưởng kinh tế hay chỉ số lạm phát thì không chính xác và không sát với thực tế.

Bởi đóng góp ngân sách cần phụ thuộc vào hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và chi phí thực sự mà doanh nghiệp phải trả, nên thu nhập chịu thuế để dùng làm định vị và xác định đóng góp của ngân sách hàng năm là cần phải xem xét và tính toán lại.

Năm nay, trong dự toán năm 2019, Bộ Tài chính đã giảm chỉ tiêu thu ngân sách của thành phố Hồ Chí Minh là 12% thay vì 24% như trước đây. Tuy đã chứng tỏ sự tiếp thu những kiến nghị từ phía địa phương, nhưng chỉ tiêu đó vẫn còn là cao so với thực tế và áp lực vẫn còn rất lớn. Để đảm bảo nguồn thu bền vững và tăng trưởng ổn định, nên chăng cần quan tâm, nuôi dưỡng thay vì tạo áp lực như hiện tại./.

>>>Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ nguyên nhân thu ngân sách từ thuế, phí giảm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục