Đại biểu Quốc hội nhận định gì về trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính?

15:15' - 08/06/2022
BNEWS Sáng 8/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành.

Đánh giá phần trả lời chất vấn của người đứng đầu ngành Tài chính, bên lề kỳ họp, nhiều đại biểu cho rằng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã thẳng thắn, trả lời cụ thể từng vấn đề mà dư luận đang quan tâm.

 

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) cho rằng, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đều là những vấn đề có sự quan tâm rất lớn của đại biểu Quốc hội. 

Các ý kiến, câu hỏi đặt ra khá thẳng thắn, nhằm vào những vấn đề đang rất thời sự và được nhiều nhà đầu tư và người dân quan tâm. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng trả lời một cách cởi mở, đánh giá thực trạng về tình hình hiện tại cũng như đề xuất những phương hướng hiệu quả trong thời gian tới.

Một trong những vấn đề thời sự được các đại biểu quan tâm trong phiên chất vấn sáng nay, đó là câu chuyện về tiến độ cổ phần hóa cũng như những thông tin nhà đất liên quan đến cổ phần hóa.

Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, đây cũng là một vấn đề rất đáng quan tâm. Thời gian tới, trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cũng như trong các biện pháp trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề về cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước, trong đó có cổ phần hóa, sắp xếp thoái vốn là một trong những nội dung ưu tiên.

“Chính phủ đã ban hành Quyết định 360/QĐ -TTg về phê duyệt đề án về cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước với trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty. Đó cũng là những vấn đề mà các đại biểu đã đề cập đến trong phiên chất vấn này như xác định giá đất liên quan đến quá trình xác định giá trị doanh nghiệp, vấn đề cổ phần hóa”, đại biểu nêu ý kiến.

Đại biểu tỉnh Thái Bình tán thành với rất nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế như hiện nay đang thể hiện những bất cập, khó khăn và vô hình cản trở quá trình cổ phần hóa. Thời gian tới, cần có chính sách mới để khắc phục triệt để những vấn đề bất cập đã tồn tại trong suốt nhiều năm qua.

Đại biểu đánh giá cao việc Bộ trưởng nêu ra một số giải pháp, định hướng mới, tách bạch từng vấn đề trong quá trình cổ phần hóa như: đất đai, giá trị thương hiệu để việc cổ phần hóa minh bạch, chống thất thoát và đạt hiệu quả cao nhất.

Một vấn đề cũng rất nóng khác được các đại biểu đưa ra nghị trường để chất vấn, đó là câu chuyện về tình trạng bất ổn trong hoạt động của thị trường vốn và thị trường chứng khoán, cũng như trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. 

Theo nhiều đại biểu, ngoài những biện pháp trước mắt, đã đến lúc phải suy nghĩ và tính tới một biện pháp dài hạn với một khung thể chế, cơ chế giám sát mới nhằm minh bạch hóa thông tin, giúp cho thị trường phát triển một cách bền vững.

Để xây dựng và phát triển thị trường tài chính lành mạnh, đảm bảo an toàn, bền vững và giảm được tình trạng thao túng, làm giá, đưa thông tin xuyên tạc và thiếu kiểm chứng, không chính xác, ảnh hưởng đến thị trường, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, thời gian sắp tới, phải triển khai đồng thời ngay những giải pháp ngắn hạn và dài hạn, cần xác định mục tiêu là phát triển thị trường vốn nhưng hướng đến sự phát triển bền vững, ổn định và nâng cao tính minh bạch.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai), phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính đã nêu được những khó khăn cũng như thuận lợi trong hoạt động tài chính thời gian qua, nhưng cần phân tích những giải pháp cụ thể hơn nữa trong thời gian tới nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Đại biểu tỉnh Đồng Nai cho rằng, những nỗ lực phát triển kinh tế gắn với doanh nghiệp sẽ giúp đời sống của người lao động được cải thiện hơn và có những bước phục hồi bền vững hơn. Vừa qua, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã đề xuất với Chính phủ về việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động, nhưng một trong những vấn đề mà nhiều người lo ngại, chính là làm sao để bình ổn giá cả, tránh tình trạng “bão” giá xảy ra.

“Người lao động chưa kịp vui mừng vì sắp được tăng lương, đã phải đối mặt với tình trạng giá cả leo thang”, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý nêu ý kiến và cho rằng, cần có chính sách giảm bớt khó khăn cho người lao động trong thời điểm hiện nay. Nhiều ý kiến đại biểu đánh giá cao chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động của Chính phủ, tuy nhiên hiện việc triển khai còn chậm, khó tiếp cận.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) cho rằng, những vấn đề trọng yếu liên quan đến tài chính, ngân hàng, thị trường chứng khoán hay huy động dòng vốn để phát triển kinh tế, và đặc biệt để triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là những nội dung mà cử tri cả nước hết sức quan tâm.

Một trong những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế chính là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu. Đại biểu kỳ vọng sau phiên chất vấn, những vấn đề mang tính “nút thắt” sẽ được giải quyết dựa trên những giải pháp cụ thể mà các "Tư lệnh" ngành đã đưa ra.

Bên cạnh sự hài lòng đối với phần trả lời của các Bộ trưởng, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai đánh giá cao sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phiên chất vấn. Theo đại biểu thành phố Hà Nội, những nội dung mà dư luận quan tâm, được Chủ tịch Quốc hội nắm rất sát nên đã có những gợi mở phù hợp để các Bộ trưởng trả lời đúng và trúng, khiến các đại biểu Quốc hội rất hài lòng…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục