Đắk Lắk khuyến cáo nông hộ không mở rộng diện tích cây hồ tiêu

13:02' - 26/09/2018
BNEWS Đắk Lắk có hơn 39.000 ha hồ tiêu; trong đó 21.723 ha đã đưa vào kinh doanh cho thu hoạch, với năng suất ước đạt bình quân 33,01 tạ/ha. Đây là địa phương có diện tích cây hồ tiêu nhiều nhất Tây Nguyên.
Đắk Lắk khuyến cáo nông hộ không mở rộng diện tích cây hồ tiêu. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN

Mùa mưa năm nay, tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn các nông hộ không mở rộng diện tích cây hồ tiêu mà chỉ tập trung thâm canh diện tích hồ tiêu hiện có để góp phần phát triển cây tiêu bền vững trên địa bàn.

Hiện nay, tuy giá tiêu hạt giảm sâu, ngang với giá thành sản xuất (49.000-50.000 đồng/kg) nhưng tỉnh Đắk Lắk đã khuyến cáo các nông hộ không nên chặt bỏ vườn cây mà đầu tư chăm sóc cho cây tiêu để đạt năng suất, sản lượng cao, tránh tình trạng đầu tư chăm sóc cầm chừng ảnh hưởng đến năng suất nhiều niên vụ sau.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, hiện nay, thời tiết rất thuận lợi cho việc bón phân, chăm sóc, tỉa cành, tạo tán, nuôi dé để vườn cây cho năng suất cao. Đặc biệt, tỉnh cũng khuyến khích các địa phương vùng trọng điểm tiêu xây dựng thương hiệu hồ tiêu cho từng vùng.

Đồng thời, tăng cường hướng dẫn, tập huấn cho các nông hộ sản xuất tiêu sạch, sản xuất hồ tiêu có chứng nhận theo đúng quy trình kỹ thuật từ khâu trồng đến chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại để không những phát triển cây hồ tiêu bền vững mà còn nâng cao giá trị gia tăng của cây tiêu trên địa bàn.

Cư Kuin là địa phương có trên 5.000 ha tiêu; trong đó, có gần 50% diện tích đã đi vào kinh doanh cho thu hoạch, với năng suất trên 3,5 tấn tiêu hạt/ha. Hiện nay, huyện đã xây dựng được nhãn hiệu chứng nhận “Hồ tiêu Cư Kuin” gắn với sản phẩm là hạt tiêu đen được thị trường trong, ngoài nước ưa chuộng, tiêu thụ mạnh.

Bên cạnh đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã hướng dẫn các nông hộ chuyển đổi hàng trăm ha tiêu ở những vùng đất không thích hợp cho năng suất thấp, dễ bị ngập nước, hiệu quả kinh tế kém sang trồng các loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Thậm chí, nhiều nông hộ ở các vùng trọng điểm tiêu của tỉnh như Cư Kuin, Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Năng, Krông Búk, thị xã Buôn Hồ đã chuyển hàng trăm ha tiêu hết chu kỳ kinh doanh, bị dịch bệnh chết nhanh, chết chậm sang trồng các loại cây ăn quả lâu năm có giá trị kinh tế cao hơn so với trồng tái canh cây hồ tiêu.

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có hơn 39.000 ha hồ tiêu; trong đó, có 21.723 ha đã đưa vào kinh doanh cho thu hoạch, với năng suất ước đạt bình quân 33,01 tạ/ha. Đây cũng là địa phương có diện tích cây hồ tiêu nhiều nhất ở Tây Nguyên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục