Đảm bảo an toàn hồ chứa thủy lợi: Chỉ phân cấp quản lý khi đủ năng lực

18:02' - 04/04/2018
BNEWS Hiện đã bước vào mùa mưa, lũ năm 2018, nhưng cả nước vẫn còn 1.200 hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng xuống cấp hoặc thiếu khả năng xả lũ theo quy định.
Hội nghị “Quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi” vừa diễn ra cuối tháng 3/2018. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Vậy việc đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi cần được đặt ra như thế nào, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng đã có những chia sẻ với Thông tấn xã Việt Nam.
Phóng viên:Xin Thứ trưởng cho biết hiện trạng các đập, hồ chứa thủy lợi hiện nay như thế nào?
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Cả nước hiện có 6.648 hồ chứa thủy lợi với dung tích trữ khoảng 13,5 tỷ m3, phân bổ tại 45/63 địa phương; trong đó, có 702 hồ chứa lớn và 5.946 hồ chứa nhỏ. Có 3 hồ là: Cửa Đạt, Tả Trạch, Dầu Tiếng là hồ chứa quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Cả nước hiện còn 1.200 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp hoặc thiếu khả năng xả lũ; trong đó, 450 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn nhưng chưa có nguồn vốn để sửa chữa.
Mùa mưa, bão năm 2018 được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp. Vấn đề an toàn hồ chứa là một trong những vấn đề trọng tâm đã được nêu trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và khai nhiệm vụ ngay từ quý I.
Nhiều năm qua, Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt để đảm bảo nhiệm vụ an toàn đập. Chúng ta đã có Chương trình an toàn hồ chứa, cùng với đó là dự án sửa chữa và nâng cấp an toàn hồ đập vay vốn Ngân hàng thế giới gần 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ chương trình tại 35 tỉnh thành phố cả nước.
Trong khoảng 10 năm, chúng ta đã nâng cấp trên 600 hồ đập, đặc biệt đây là hồ đập lớn. Bây giờ chúng ta tiếp tục triển khai cho những hồ đập còn lại. Chương trình này đang đảm bảo sửa chữa, nâng cấp khoảng 450 hồ đập, số còn lại đang tiếp tục để thực hiện.
Phóng viên:Với tình hình trên việc quản lý, đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi trong mùa mưa bão năm nay đã được ngành đặt ra như thế nào?
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Thời điểm này đã cận kề với mùa mưa bão, đặc biệt là khu vực phía Bắc. Vấn đề an toàn đập được đặt ra kể cả trong ngắn hạn và dài hạn. Việc phục hồi, nâng cấp, sửa chữa các hồ đập vẫn đang được triển khai mặc dù có những khó khăn vướng mắc.
Nếu mà đặt ra trước mùa mưa bão phải phục hồi, nâng cấp được tất cả các hồ chứa là việc làm không khả thi. Do đó, cần tập trung chỉ đạo vào việc quản lý, vận hành, đặc biệt chú trọng vào an toàn đập và an toàn cho nhân dân vùng hạ du.
Về giải pháp kỹ thuật, cần làm một loạt các giải pháp như: nâng cao năng lực dự báo mưa, đánh giá khả năng lũ đến hồ chứa, xây dựng các kịch bản để vận hành hồ chứa.
Cùng với đó, tập trung đánh giá các hồ chứa đã được xây dựng. Với những hồ chứa có chất lượng rất thấp, đã xuống cấp thì thực hiện đúng phương châm là không tích nước. Đối với những hồ đập không có cửa van, thậm chí là phải có biện pháp cực đoan hơn là phải chủ động khơi thông đập như hạ thấp ngưỡng tràn để không tích nước.
Với những hồ đập chúng ta có thể đánh giá được khả năng tích trữ nước phải đặc biệt tăng cường quản lý vận hành, tăng cường dự báo mưa, dòng chảy để chủ động vận hành.
Giải pháp về còn người là rà soát lại đội ngũ quản lý vận hành, tìm mọi cách để nâng cao năng lực trước mùa mưa bão. Các cơ quan quản lý phải tăng cường kiểm tra, giám sát.
Với những hồ đập lớn, nằm trong quy trình vận hành liên hồ chứa phải rà soát xây dựng dựa vào hiện tượng mưa, lũ đã xảy ra để dự báo, xây dựng các kịch bản để chủ đông vận hành, đặc biệt là trong việc đảm bảo cho nhân dân trong vùng hạ du.

Phải đánh giá được vùng hạ du có thể bị ảnh hưởng như thế nào với các kịch bản khẩn cấp. Các phương án truyền tải được thông tin đến người dân cũng như hướng dẫn cho người dân được cách ứng phó là một giải pháp quan trọng cần đặc biệt chú ý.
Năm 2017, chúng ta đã có một số sự cố mất an toàn hồ đập như ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Nam, Hòa Bình… Nhưng nhờ làm tốt phương châm quan tâm nhân dân vùng hạ du nên đã kịp thời có phương án di dân và đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân.
Phóng viên: Từ những sự cố trong năm vừa qua, năm nay cần đặc biệt chú ý gì thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Tác động của biến đổi khí hậu cùng với những tác động khác cho chúng ta thấy nguy cơ mất an toàn hồ đập có thể xảy ra ở mọi nơi, kể cả những hồ đập có chất lượng tốt. Vì mưa có cường độ cực đoan trên thực tiễn đã diễn ra gần đây, nhất là ở miền núi phía Bắc và những đập có chất lượng tốt cũng có khả năng mất an toàn.
Do đó, quan trọng là phải tăng cường tất cả các giải pháp quản lý để có thể kịp thời ứng phó với các trường hợp có thể xảy ra.
Phóng viên: Hiện nay, một số địa phương vẫn gặp khó khi phân công, phân cấp trong quản lý các công trình thủy lợi. Vấn đề này cần được xác định như thế nào?
Thứ tưởng Hoàng Văn Thắng: Trong những năm qua, việc phân công, phân cấp quản lý không theo năng lực mà tương đối hành chính đã xảy ra. Từ sự phân công cho đến người quản lý mà không đảm bảo lực đã dẫn đến nguy cơ vỡ đập.
Cho nên các địa phương đã rút kinh nghiệm. Nhiều địa phương đã có chỉ đạo chuyển các hồ chứa phân cấp cho đơn vị cơ sở về cho các công ty quản lý khai thác là đơn vị có năng lực quản lý vận hành. Sau đó từng bước đào tạo lại đội ngũ khai thác ở cơ sở, đến khi nào đủ năng lực thì mới chuyển giao phân cấp về cơ sở.
Phương châm ấy cần tiếp tục thực hiện. Tức là phân quản lý phù hợp với năng lực và đủ điều kiện năng lực mới phân cấp quản lý, nếu không đủ năng lực thì không phân cấp quản lý.
Phóng viên: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Xem thêm:

>>>Hà Nội quản lý trữ nước tại các hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp

>>>Biến đổi khí hậu: Hồ chứa thủy lợi, thủy điện đều kiệt quệ nguồn nước

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục