Đảm bảo cung ứng hàng hoá và an toàn là nhiệm vụ trọng yếu

19:26' - 13/05/2021
BNEWS Tại các địa phương có dịch bệnh, hoạt động thương mại vẫn diễn ra bình thường và đều chủ động triển khai các kế hoạch chống dịch.
Tăng cường phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong các cơ sở công nghiệp và thương mại; bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu; đồng thời đặt ra một số định hướng phát triển ngành trong thời gian tới là nội dung cuộc họp khẩn do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên triệu tập ngày 13/5 tại đầu cầu Hà Nội và kết nối trực tuyến 63 tỉnh, thành.

*Chủ động ứng phó

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An - Thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho biết, với diễn biến phức tạp trong đợt dịch thứ 4 này, trọng điểm chống dịch của cả nước tập trung vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy sản xuất kinh doanh, các cơ sở sản xuất, các trung tâm thương mại, chợ truyền thống... Đây là những nơi tập trung đông lao động nhất cả nước.

Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, Việt Nam hiện có gần 400 khu công nghiệp đã thành lập, 30 khu kinh tế cửa khẩu, 20 khu kinh tế ven biển, tổng lao động trực tiếp ở các khu này là gần 4 triệu lao động. Trong khi đó, khu vực thương mại có 800 siêu thị, 168 trung tâm thương mại, gần 9 nghìn chợ với các hộ kinh doanh cá thể, 600 nghìn nhà hàng...

Riêng cụm công nghiệp, có 700 cụm và khoảng 600 nghìn lao động, là những nơi tập trung đông người nhưng vẫn bắt buộc phải hoạt động sản xuất, nếu không sẽ dẫn đến việc bị đứt gãy nền kinh tế.

Chính bởi lẽ đó, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản gửi UBND, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường phòng chống dịch, xử lý nghiêm tình trạng lơ là trong phòng chống dịch.

Tuy nhiên, thời gian qua, trên các địa bàn này đã xuất hiện các ca nhiễm và rất nhiều trường hợp F1, F2. Vì vậy, Ban quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh quán triệt, nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19.

Liên quan đến việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chia sẻ, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhưng tâm lý người dân trong mua sắm hàng hóa tương đối bình tĩnh do tin tưởng vào khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu của hệ thống phân phối, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ. Tại các địa phương có dịch bệnh, hoạt động thương mại vẫn diễn ra bình thường và đều chủ động triển khai các kế hoạch chống dịch.

 

Tại địa bàn Hà Nội, theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, Sở đã xây dựng các phương án chi tiết về việc cung ứng hàng hóa từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân Thủ đô và hỗ trợ các tỉnh, thành phố giải tỏa lượng hàng sản xuất ra. Đặc biệt, Sở Công Thương Hà Nội xác định tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo 3 cấp độ.

Ông Trần Ngọc Thực - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh cho hay, dịch bệnh đang xảy ra tại 3 khu công nghiệp trên địa bàn nên tỉnh đã thần tốc truy vết F0, F1, khoanh vùng dập dịch, nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Song song đó, tỉnh cũng chỉ đạo các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh thành lập “Tổ an toàn COVID-19” ngay tại đơn vị để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch.

Ngoài ra, Sở Công Thương Bắc Ninh đã triển khai nhiều chương trình bình ổn giá, xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa theo từng cấp độ, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân.

Đặc biệt, với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối trên địa bàn, tỉnh cũng yêu cầu ký cam kết, đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong mọi tình huống. Đến nay, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn vẫn ổn định, không có hiện tượng tăng giá thiếu hàng.

Còn theo ông Trần Quốc Huy - Giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Phúc, tỉnh đã yêu cầu Ban quản lý khu công nghiệp, cụm công nghiệp ký cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại đơn vị.

Mặt khác, Sở đã thành lập 2 đoàn thanh tra, kiểm tra do Phó Giám đốc trực tiếp đi kiểm tra tại các chợ, các doanh nghiệp, có báo cáo nhanh hàng ngày, có văn bản gửi đến để chấn chỉnh những địa bàn chưa thực hiện nghiêm hoạt động phòng, phòng chống dịch.

Riêng tại các khu công nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra, kiểm tra đột xuất và hiệu quả phòng, chống dịch tại đây được thực hiện khá tốt.

Ngoài ra, các tỉnh, thành khác như TP. Hồ Chí Minh, Cà Mau, Hải Dương, Yên Bái, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi… tình hình hàng hóa trên thị trường cơ bản ổn định; nguồn cung hàng hóa vẫn đáp ứng tốt nhu cầu người dân, giá cả ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

*Đảm bảo mục tiêu kép

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, việc tăng cường đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ trọng yếu để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ. Nếu để dịch bệnh lây lan phức tạp tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, cung ứng hàng hóa và gây hậu quả nặng nề đến kinh tế - xã hội của đất nước.

Vì vậy, theo Bộ trưởng, nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện là tăng cường kiểm tra, giám sát và đôn đốc các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, khách sạn, nhà hàng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác trên địa bàn về việc thực hiện các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch.

Bộ trưởng cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát và có biện pháp mạnh tay với các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo phòng, chống dịch; xử lý nghiêm người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân mua sắm tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ vi phạm quy định.

Ngoài ra, lãnh đạo các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, khách sạn, nhà hàng và các cơ sở kinh doanh trên địa bàn phải có cam kết bằng văn bản và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nhiệm vụ, giải pháp trong phạm vi được giao.

Trước mắt, từng địa phương quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn bằng cơ chế, chính sách để phát triển ngành công nghiệp nền tảng, nhất là công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu, hóa chất, cơ khí, chế tạo, chế biến, công nghiệp điện tử: trong đó, ưu tiên phát triển các ngành sử dụng nguyên liệu, vật liệu có lợi thế tại địa phương.

Đồng thời các địa phương cần có cơ chế trao đổi định kỳ để cung cấp thông tin về tình hình phát triển kinh tế tại địa phương, kịp thời phối hợp với Bộ Công Thương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chính sách.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thương mại trong nước theo hướng hiện đại, tăng trưởng nhanh và bền vững, phát triển các phương thức tổ chức, giao dịch văn minh, gắn với nâng cao uy tín, chất lượng hàng Việt Nam.

Cùng với đó, xây dựng và phát triển hạ tầng công nghiệp - thương mại tại địa phương đồng bộ, hiện đại; tập trung ưu tiên các loại hình hạ tầng có tính lan tỏa, chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp - thương mại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và hải đảo…

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc xây dựng các chương trình hành động, chiến lược phát triển công nghiệp và thương mại của địa phương.

Do vậy, các địa phương cần có cơ chế định kỳ hàng quý và hàng năm trao đổi, cung cấp thông tin cho Bộ Công Thương về tình hình phát triển kinh tế tại địa phương, kịp thời phối hợp với Bộ để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chính sách./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục