Đảm bảo minh bạch, công khai trong đấu giá đường 2016

16:16' - 07/09/2016
BNEWS Bộ Công Thương đã làm việc hết sức nghiêm túc để thực hiện việc đấu giá đường năm 2016 đảm bảo nguyên tắc minh bạch, công khai, bình đẳng.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tại phiên đấu giá. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Tại Phiên đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 85.000 tấn đường năm 2016 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 7/9 tại Hà Nội, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định: Mặc dù đây là lần đầu tiên thí điểm và tổ chức đấu giá mặt hàng đường nhưng Bộ Công Thương đã làm việc hết sức nghiêm túc để thực hiện việc đấu giá đường năm 2016 đảm bảo nguyên tắc minh bạch, công khai, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thương nhân tham gia đấu giá.

Bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong số 85.000 tấn đường được đấu giá lần này có 40.000 tấn đường thô (mã HS 1701) và 45.000 tấn đường tinh luyện (mã HS 1701).

Cùng đó, đối tượng tham gia đấu giá gồm: Thứ nhất là thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện. Thương nhân sản xuất đường chỉ được đăng ký đấu giá quyền sử dụng chủng loại đường thô.

hai, các thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất. Thương nhân sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất chỉ được đăng ký đấu giá quyền sử dụng chủng loại đường tinh luyện.

Mức giá khởi điểm với cả hai loại đường là 1 triệu đồng/tấn. Bước giá là 10.000 đồng/tấn. Số tiền đặt trước được tính bằng (giá khởi điểm) x (số lượng đường đăng ký mua quyền sử dụng hạn ngạch) x 10%.

Cũng theo bà Phan Thị Diệu Hà, đã có 25 hồ sơ tham gia đấu giá nhưng chỉ có 22 hồ sơ hợp lệ, trong đó đường thô có 8 hồ sơ và đường tinh luyện có 14 hồ sơ.

Theo đó, kết quả của phiên đấu giá đối với mặt hàng đường thô có 3 công ty trúng đấu giá, cụ thể: Công ty cổ phần Đường Biên Hòa trúng 14.444 tấn; Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh trúng 14.444 tấn. Công ty Đường Khánh Hòa trúng 11.110 tấn.

Riêng với mặt hàng Đường tinh Luyện, có 8 đơn vị trúng đấu giá, bao gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn URC Việt Nam trúng 4.000 tấn; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Puratos Grandplace Việt Nam trúng 2.000 tấn.

Ngoài ra, công ty Perfetti Van Melle trúng 6.000 tấn; Công ty Nước giải khát Coca Cola Việt Nam trúng 4.000 tấn; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nestle Việt Nam trúng 9.000 tấn, Công ty cổ phần sữa Vinamilk trúng 16.000 tấn; Công ty cổ phần Dược phẩm Sanofi Synthelabo Việt Nam trúng 1.000 tấn và Công ty Chi nhánh Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên (nhà máy cafe Sài Gòn) trúng 3.000 tấn.

Hội đồng đấu giá thí điểm cho biết, sau khi công bố kết quả, trong vòng 5 ngày, đơn vị trúng thầu sẽ phải chuyển tiền đã đấu giá thành công và sau 7 ngày công ty nào không trúng sẽ được hoàn lại tiền đặt cọc tham gia đấu giá.

Theo đánh giá từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam thì việc Bộ Công Thương quyết định đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường là thể hiện sự ghi nhận những kiến nghị trước đây của Hiệp hội.

Hơn thế, việc đấu giá sẽ tạo sự công bằng cho tất cả các công ty, thương nhân đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan đến mặt hàng đường. Qua đó cũng sẽ giúp giảm dần tình trạng “xin - cho” qua hình thức phân bổ hạn ngạch cho doanh nghiệp như những năm qua./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục