Đảm bảo nguồn cung hàng hoá, nhất là kênh online cho người dân

17:42' - 11/08/2020
BNEWS Đại diện Sở Công Thương Hà Nội đề nghị, hàng hóa luôn luôn được đảm bảo phục vụ việc phòng, chống dịch COVID-19, nhất là qua kênh bán hàng online.

Ngày 11/8, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Bán lẻ BRG Retail (BRG Retail) về việc chuẩn bị hàng hóa phòng, chống dịch COVID-19 của các đơn vị thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tại buổi làm việc cho thấy, về nguồn cung các mặt hàng thiết yếu không còn căng thẳng, người dân cũng không còn tâm lý tích trữ hàng hóa như đợt dịch COVID-19 diễn ra hồi tháng 3, tháng 4. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có sự chủ quan trong phòng, chống dịch.
Ông Mạnh Đình Thuận, Giám đốc Vận hành siêu thị BRG Retail cho biết, nhằm ứng phó COVID-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp đã làm việc với các nhà cung cấp để tăng khoảng 300% lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu tại 47 điểm bán hàng trên toàn hệ thống; trong đó, tập trung vào các nhóm mặt hàng nằm trong Chương trình bình ổn giá của thành phố Hà Nội.

Cụ thể, gạo là 265 tấn/tháng; thịt lợn 57 tấn/tháng; trứng 31 tấn/tháng; rau củ 907 tấn; thực phẩm chế biến 35 tấn/tháng… Tại các điểm có lượng khách hàng lớn, doanh nghiệp đưa các mặt hàng phòng, chống COVID-19 như nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang ra chỗ dễ nhìn, dễ thấy để người tiêu dùng thuận tiện lựa chọn. Ngoài hệ thống các điểm bán hàng cố định, doanh nghiệp còn phát triển hệ thống bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thương mại Hà Nội chia sẻ, trong đợt dịch trước, có thời điểm đơn hàng thiết yếu tăng 300% là do doanh nghiệp chuẩn bị đẩy đủ, làm việc với các nhà cung cấp để dự trữ hàng hóa nên đáp ứng đầy đủ cho người tiêu dùng.

Không để khan hàng, sốt giá. Đồng thời, doanh nghiệp cũng giảm bớt tình trạng nhập vào những mặt hàng không thiết yếu để lấy chỗ dự trữ hàng thiết yếu. Từ tháng 3 đến tháng 6, doanh nghiệp đã mở 25 điểm bán hàng Hapro Foods tại khu vực đông dân cư.
Với kinh nghiệm chuẩn bị hàng hóa từ đợt dịch trước. Đối với dịch COVID-19 lần này, phía doanh nghiệp cũng đã lên kế hoạch và làm việc với các nhà cung ứng, đẩy mạnh dự trữ hàng hóa. Ngoài dự trữ hàng hóa tại siêu thị, doanh nghiệp còn dự trữ hàng hóa tại 7 kho hàng. 
Trong thời gian tới, doanh nghiệp tiếp tục mở thêm các điểm bán mới. Dự kiến, ngày 18/9 sẽ mở đồng loạt 15 điểm bán mới, và đến hết tháng 12/2020 sẽ nâng số điểm bán lên 100 điểm…; đồng thời, đẩy mạnh việc kết hợp các điểm bán offline với online, triển khai thanh toán điện tử, hay miễn phí giao hàng đối với các đơn hàng giá trị trên 500.000 đồng trong vòng bán kính 5 km.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng xây dựng kế hoạch luân chuyển hàng hóa, lập các quầy bán hàng di động chủ yếu là hàng thực phẩm và tiêu dùng thiết yếu tại khu vực cách ly phục vụ người dân tại chỗ. Phía doanh nghiệp cũng kỳ vọng, thị trường được bình ổn.
Đối với công tác phòng chống dịch, ngay từ tháng 2/2020, doanh nghiệp đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch, đưa ra quy chế hoạt động, xây dựng kịch bản; trong đó, có cả kịch bản xấu nhất là điểm bán của doanh nghiệp nằm trong vùng bị phong tỏa. Đồng thời, đưa ra những quy định về phòng chống dịch đối với khách hàng, công nhân viên, nhà cung cấp như: phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, khách hàng được đo thân nhiệt,…
Tuy nhiên, trong việc phòng chống dịch COVID-19 lần này, doanh nghiệp lại gặp sự phản kháng của khách hàng khi bị yêu cầu sát khuẩn, đeo khẩu trang và đo thân nhiệt trước khi vào siêu thị.

“Chúng tôi không căng thẳng về nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, tâm lý tích trữ hàng hóa từ người dân cũng không như đợt dịch COVID-19 trước đây. Nhưng đâu đó vẫn có sự chủ quan trong công tác phòng, chống dịch”, ông Nguyễn Thái Dũng nói.
Tại buổi làm việc, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đã đánh giá cao việc chủ động chuẩn bị mặt hàng thiết yếu của doanh nghiệp, cũng như thực hiện nghiêm dự trữ hàng hóa tăng gấp 3 lần. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp để có đủ nguồn hàng dự trữ có thể đưa ra khi nhu cầu người dân tăng cao và dự trữ hàng hóa đầy đủ trong kho.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đã xây dựng kịch bản cụ thể trong phòng, chống dịch COVID-19 hướng dẫn cho nhân viên trong doanh nghiệp và khách hàng, nhà cung ứng và được triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống của doanh nghiệp.
Bà Trần Thị Phương Lan cũng đề nghị, hàng hóa luôn luôn được đảm bảo phục vụ việc phòng, chống dịch COVID-19, nhất là qua kênh bán hàng online, tránh bị lây nhiễm từ việc lây nhiễm vận chuyển hàng hóa, nhất là vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh/thành phố có dịch.

Trong đợt dịch COVID-19 trước, số tỉnh thành có số ca nhiễm thấp nhưng trong đợt dịch lần này số ca nhiễm khá nhiều. Do đó, cần thường xuyên rà soát các phương án phòng, chống dịch, để đưa các điểm mới phù hợp với tình hình dịch. Việc thu mua vận chuyển hàng hóa về kho và từ kho về hệ thống phân phối cần đẩy mạnh công tác phòng chống dịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục