Đang nợ xấu ngân hàng có được mua trả góp điện thoại, xe máy, mua nhà?

11:20' - 16/08/2024
BNEWS Khả năng mua trả góp khi có nợ xấu phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nợ xấu và chính sách của từng ngân hàng hoặc tổ chức tài chính.

Nợ xấu là gì?

Nợ xấu là một thuật ngữ tài chính chỉ các khoản nợ mà người vay không thể trả đúng hạn theo như đã cam kết trong hợp đồng tín dụng. 

Nợ xấu thường được phân loại dựa trên thời gian quá hạn và khả năng thu hồi. Cụ thể, các khoản nợ quá hạn trên 90 ngày thường được coi là nợ xấu.

Phân loại các nhóm nợ xấu

Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư 02/2013/TT-NHNN, nợ xấu được phân loại cụ thể trên CIC - Tổ chức tín dụng quốc gia Việt Nam. Hệ thống CIC đánh giá lịch sử nợ theo 5 nhóm:

- Nhóm 1: Nợ đủ tiêu chuẩn

 

Nhóm nợ này bao gồm nợ trong hạn và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi đúng hạn; nợ quá hạn dưới 10 ngày và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi đã quá hạn và thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi còn lại đúng thời hạn.

- Nhóm 2: Nợ cần chú ý

Nợ nhóm 2 bao gồm nợ quá hạn từ 10 ngày đến 90 ngày và nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu.

- Nhóm 3: Nợ dưới tiêu chuẩn

Nợ dưới tiêu chuẩn bao gồm các khoản nợ: nợ quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày; nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn dưới 30 ngày theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu; nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai; nợ được miễn hoặc giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo hợp đồng tín dụng.

- Nhóm 4: Nợ nghi ngờ

Nhóm nợ này bao gồm: nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày; nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 30 ngày đến dưới 90 ngày theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu; nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn dưới 30 ngày theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai.

- Nhóm 5: Nợ có khả năng mất vốn

Nhóm nợ này dựa trên các tiêu chí: nợ quá hạn trên 360 ngày; nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 90 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu; nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn từ 30 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai.

Nợ xấu ngân hàng có được mua trả góp?

Mua trả góp là hình thức mua hàng hóa hoặc dịch vụ mà bạn không cần phải trả toàn bộ số tiền ngay lập tức mà được chia nhỏ thành nhiều khoản thanh toán nhỏ hơn trong một khoảng thời gian nhất định. Mỗi lần thanh toán này được gọi là một kỳ trả góp.

Ví dụ: Bạn muốn mua một chiếc điện thoại có giá 10 triệu đồng. Thay vì trả một lần 10 triệu, bạn có thể chọn mua trả góp với lãi suất 0% trong 12 tháng. Như vậy, mỗi tháng bạn chỉ cần trả khoảng 833.000 đồng.

Hình thức mua trả góp ngày càng phổ biến bởi có thể đáp ứng được các nhu cầu của khách hàng như mua điện thoại, xe máy, ti vi, mua nhà...

Mua trả góp cũng giống như bạn đang vay tại ngân hàng hay các tổ chức tài chính. Theo đó, trường hợp khách hàng đang bị nợ xấu thì ngân hàng và công ty tài chính sẽ xem xét mua trả góp căn cứ vào nhóm nợ khách hàng đang mắc phải. Có trường hợp có thể tiếp tục vay trả góp thuận lợi, cũng có những trường hợp ngân hàng sẽ từ chối cho vay.

[Làm sao để xóa nợ xấu ngân hàng trên CIC?]

Khả năng mua trả góp khi có nợ xấu phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nợ xấu và chính sách của từng ngân hàng hoặc tổ chức tài chính.

Đối với khách hàng thuộc nhóm nợ 1 và 2: Đây là những nhóm nợ có mức độ nhẹ, người vay vẫn có khả năng thanh toán nợ. Trong một số trường hợp, các ngân hàng sẽ xem xét cho vay mua trả góp đối với những khách hàng thuộc nhóm này. Tuy nhiên, điều kiện vay sẽ khắt khe hơn so với khách hàng không có nợ xấu. Ngoài ra, khách hàng thuộc nhóm nợ này vẫn có thể thực hiện thủ tục mua trả góp tại các công ty tài chính.

Đối với khách hàng thuộc nhóm nợ 3, 4 và 5: Đây là những nhóm nợ xấu nghiêm trọng, khả năng thu hồi rất thấp. Khách hàng thuộc các nhóm nợ này thường bị từ chối cho vay mua trả góp. Để có thể tiếp tục vay mua trả góp, khách hàng cần phải trả hết gốc và lãi và sau khi được xóa nợ xấu.

Mỗi ngân hàng hoặc tổ chức tài chính sẽ có những chính sách riêng về cho vay đối với khách hàng có nợ xấu. Có những ngân hàng chấp nhận cho vay đối với khách hàng có nợ xấu ở mức độ nhẹ, nhưng cũng có những ngân hàng từ chối hoàn toàn.

Làm thế nào để tránh nợ xấu?

Để tránh rơi vào tình trạng nợ xấu, bạn nên:

- Lập kế hoạch tài chính: Lập kế hoạch chi tiêu hợp lý, ưu tiên trả các khoản nợ trước khi tiêu dùng.

- Tìm hiểu kỹ trước khi vay: Hiểu rõ các điều khoản trong hợp đồng tín dụng để tránh những rủi ro không đáng có.

- Xây dựng quỹ dự phòng: Chuẩn bị một khoản tiền để đối phó với những rủi ro bất ngờ.

Trả nợ đúng hạn: Luôn thanh toán các khoản nợ đúng hạn để tránh bị liệt vào danh sách nợ xấu.

Như vậy, việc mua trả góp khi có nợ xấu là có thể, nhưng khả năng thành công sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Để tăng cơ hội được chấp thuận khoản vay, bạn cần có một kế hoạch tài chính rõ ràng, trả hết các khoản nợ cũ và tìm hiểu kỹ các chính sách của ngân hàng trước khi quyết định vay.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục