Đánh giá sự phù hợp của quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long

16:56' - 16/04/2022
BNEWS Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ rà soát, đánh giá sự phù hợp của quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long với các quy hoạch cấp trên và hiệu quả triển khai quy hoạch.
Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đưa ra mục tiêu đến năm 2030, phát triển vùng ĐBSCL trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ này sẽ rà soát, đánh giá sự phù hợp của quy hoạch vùng ĐBSCL với các quy hoạch cấp trên và hiệu quả triển khai quy hoạch; đồng thời, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh quy hoạch phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn theo quy định của Luật Quy hoạch.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong bối cảnh các quy hoạch được lập đồng thời, Quy hoạch vùng ĐBSCL đã đảm bảo tính thống nhất và cụ thể hóa 5 quy hoạch cấp quốc gia đã được phê duyệt bao gồm: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia và 4 Quy hoạch ngành quốc gia về giao thông.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, quy hoạch vùng ĐBSCL là quy hoạch vùng đầu tiên được thực hiện theo Luật Quy hoạch nên lập quy hoạch là quá trình vừa làm, vừa học hỏi, điều chỉnh và rút kinh nghiệm của cả cơ quan lập quy hoạch và đơn vị tư vấn.

Trong quá trình lập quy hoạch có những khó khăn vướng mắc như quy hoạch được lập khi chưa có các quy hoạch cấp quốc gia được phê duyệt, dẫn đến chưa cụ thể hóa các định hướng lớn có tính liên vùng, có ý nghĩa quan trọng quốc gia, đặc biệt trọng một số lĩnh vực.

Cùng với đó, việc thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu gặp nhiều khó khăn dữ liệu quản lý phân tán ở các bộ, ngành, địa phương; dữ liệu chưa đồng bộ về công nghệ, quy cách; mức độ cập nhật khác nhau. Điều này dẫn đến khó khăn trong thu thập, biên tập, tích hợp dữ liệu phục vụ xây dựng mô hình phân tích, dự báo và xây dựng bản đồ.

Trong quá trình thẩm định quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức các cuộc họp kỹ thuật với các thành viên Hội đồng thẩm định để tham vấn về các nội dung chính của quy hoạch như: phương hướng phát triển ngành, lĩnh vực có lợi thế; phương hướng tổ chức không gian; phương hướng phát triển hạ tầng; phương hướng bảo vệ môi trường, khai thác sử dụng bền vững tài nguyên...

Về bài học kinh nghiệm, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, quy hoạch không gian có tính tổng hợp, tích hợp đa ngành, trong khi đó, không có nhiều chuyên gia có năng lực, kinh nghiệm tổng hợp về tất cả các ngành, cũng như hiểu biết toàn điện về thực tiễn phát triển của địa phương, vùng lãnh thổ lập quy hoạch.

Do đó, công tác tham vấn có ý nghĩa rất quan trọng. Quy hoạch lập theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành đòi hỏi cần nhiều thời gian cho việc tham vấn và cần có phương pháp tham vấn phù hợp và hiệu quả, đảm bảo thông tin được trao đổi hai chiều giữa cơ quan lập quy hoạch và cơ quan được lấy ý kiến để tăng cường tính minh bạch của quá trình lập quy hoạch.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương khuyến nghị, Chính phủ cần sớm xây dựng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch để từng bước chuẩn hóa, đồng bộ hóa thông tin, dữ liệu cần thiết cho lập quy hoạch, theo dõi, đánh giá thực hiện quy hoạch. Một bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ, cập nhật và được chuẩn hóa trên cùng một nền tảng công nghệ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch.

Cùng với đó, cần tăng cường việc xây dựng và ứng dụng phương pháp mô hình hóa, công cụ phân tích, đánh giá, đa tiêu chí, phân tích đánh giá liên ngành trên nền bản đồ GIS để nâng cao độ tin cậy, cơ sở khoa học của các phương án phát triển.

Quy hoạch vùng ĐBSCL được xây dựng trong bối cảnh phức tạp, có nhiều thách thức và cơ hội. Luật Quy hoạch, Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu là cơ sở pháp lý và kim chỉ nam và định hướng chính cho quá trình xây dựng Quy hoạch vùng…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục