Đánh giá toàn diện việc sửa quy định pháp luật với lao động làm việc cho nước ngoài tại Việt Nam

21:53' - 24/08/2023
BNEWS Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, việc sửa đổi quy định pháp luật với lao động Việt Nam làm việc cho nước ngoài tại Việt Nam là vấn đề nhạy cảm nên cần đánh giá toàn diện, thận trọng các tác động.
Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam

Văn phòng Chính phủ đã phát đi Thông báo số 347/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

 
Tại Thông báo trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kết luận: Việc bổ sung sửa đổi quy định pháp luật đối với lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam là vấn đề rất quan trọng, phức tạp, nhạy cảm liên quan đến an ninh quốc gia, chính trị đối ngoại, cần có thời gian rà soát, nghiên cứu kỹ, đánh giá toàn diện, thận trọng, đặc biệt phải lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động trực tiếp, nhất là các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế,...

Để xử lý toàn diện các vấn đề, yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu, nghiên cứu, tổng kết, đánh giá và đề xuất sửa đổi những nội dung liên quan đến lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam vào thời điểm phù hợp. 

Để tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, thống nhất với các Bộ có liên quan, trong đó, lưu ý rà soát bảo đảm đơn giản trình tự, thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, chú trọng cấp phép trực tuyến và đẩy mạnh chuyển đổi từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", đảm bảo thông thoáng, minh bạch, rõ ràng, thuận lợi; tăng cường phân cấp, thể chế trách nhiệm, chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm pháp luật; thực hiện đúng chủ trương thu hút, quản lý và sử dụng hiệu quả lao động nước ngoài tại Việt Nam; hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/8/2023./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục