Danh mục cổ phiếu cần quan tâm hôm nay 7/7

08:32' - 07/07/2025
BNEWS Trong phiên hôm nay, các cổ phiếu được công ty chứng khoán khuyến nghị nên quan tâm gồm VCI, DXG và GEG.

Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) khuyến nghị nhà đầu tư mua VCI vì cổ phiếu thoát khỏi nhịp điều chỉnh.

Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường tại Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS). Ảnh: Văn Giáp/Bnews/vnanets/vn

Công ty TNHH Chứng khoán Shinhan Việt Nam khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DXG. CTCP Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG) là doanh nghiệp bất động sản niêm yết lớn trong phân khúc trung cấp và cao cấp. DXG đồng thời sở hữu mảng môi giới bất động sản sơ cấp chiếm thị phần đứng đầu cả nước (33%) trong năm 2024.

Dựa trên phương pháp RNAV (đánh giá lại tài sản), Chứng khoán Shinhan Việt Nam đưa ra khuyến nghị mua DXG với giá mục tiêu ở mức 19.500 đồng, với các luận điểm: Thành công trong việc mở bán dự án chung cư cao cấp The Privé sẽ mang lại doanh số ký bán tăng trưởng mạnh giai đoạn 2025-2027; kỳ vọng mảng môi giới khởi sắc nhờ lãi suất duy trì ổn định ở mức thấp kích thích nhu cầu thị trường bất động sản; quỹ đất lớn phân khúc trung cấp tại Bình Dương sẽ là tiền đề cho tăng trưởng dài hạn của DXG với quy mô quỹ đất lên đến hơn 100 ha.

Dựa trên phương pháp RNAV, Chứng khoán Shinhan Việt Nam đưa ra khuyến nghị mua DXG với giá mục tiêu 19.500 đồng. Định giá ở mức hấp dẫn tương đương với tiềm năng tăng giá 17,1%.

 

DXG đã mở booking cho dự án The Privé ngay trong quý II/2025 và nhận hơn 3.000 lượt booking cho 3.175 sản phẩm của dự án cho thấy nhu cầu lớn của thị trường và khả năng hấp thụ ấn tượng của dự án, dự kiến dự án sẽ mở bán trong nửa cuối 2025 sau khi hoàn thành xây dựng phần móng và nhận được giấy phép xây dựng (GPXD).

Trong quý I/2025, doanh thu thuần DXG đạt 925 tỷ đồng (giảm 13% so với cùng kỳ) và lợi nhuận ròng đạt 48 tỷ đồng (tăng 55%) phần lớn được đóng góp từ bàn giao các sản phẩm thấp tầng chưa được ghi nhận tại dự án Gem Sky World (GSW – dự án với nguồn cung 4.022 sản phẩm đã bán hơn 50% sản phẩm và bàn giao 40% trên tổng sản phẩm) và doanh thu mảng môi giới tiếp tục duy trì đà hồi phục đạt 196 tỷ (tăng 3%).

Phân khúc thấp tầng dự án GSW và mảng môi giới có biên lợi nhuận gộp cao hơn so với dự án Opal Skyline trong quý I/2024. Nhờ vậy, dù doanh thu DXG giảm 13% nhưng doanh thu ròng có sự tăng trưởng 55%.

Trong năm 2025, Chứng khoán Shinhan Việt Nam dự phóng doanh thu của DXG đạt 5.406 tỷ (tăng 14,2%) và doanh thu ròng công ty mẹ đạt 311 tỷ (tăng 23% so với năm trước) nhờ mở bán và bàn giao các sản phẩm giai đoạn tiếp theo của dự án Gem Sky World, mảng môi giới tiếp tục có sự hồi phục rõ ràng của công ty con DXS cùng với các dự án do DXS tự phát triển như dự án Regal Legend, dự án Cara River Park.

Chứng khoán Shinhan Việt Nam dự phóng dự án trọng điểm The Privé sẽ bắt đầu mở bán vào nửa cuối 2025 và sẽ đóng góp vào lợi nhuận của DXG từ năm 2027.

Bên cạnh đó, Chứng khoán Shinhan Việt Nam cũng khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu GEG. Công ty cổ phần Điện Gia Lai (mã  chứng khoán: GEG) là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và cung cấp điện từ các nguồn năng lượng tái tạo như thuỷ điện, điện gió và điện mặt trời.

Doanh nghiệp có kế hoạch và định hướng mở rộng hoạt động kinh doanh phù hợp với xu hướng phát triển điện tái tạo của chính phủ trong tương lai.

Dựa vào phương pháp SOTP (phương pháp định giá một công ty bằng cách đánh giá riêng giá trị của từng phân khúc kinh doanh hoặc công ty con và cộng chúng lại để có được tổng giá trị của công ty) và EV/EBITDA (được sử dụng như một thước đo định giá để so sánh giá trị tương đối của các doanh nghiệp khác nhau), Chứng khoán Shinhan Việt Nam đưa ra khuyến nghị mua đối với GEG ở mức giá 18.300 đồng/cổ phiếu.

Doanh thu và lợi nhuận của GEG dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới vì hưởng lợi với định hướng phát triển điện tái tạo phù hợp với Quy hoạch điện VIII điều chỉnh; sở hữu bộ sưu tập các nhà máy điện có lợi thế cạnh tranh vững chắc; kế hoạch và danh mục phát triển điện tái tạo nhiều tiềm năng trong tương lai.

GEG nằm trong nhóm những doanh nghiệp năng lượng tái tạo hàng đầu với tổng công suất 672 MWp và 21 nhà máy đang vận hành bao gồm: 87 MW thuỷ điện, 292 MWp điện mặt trời và áp mái và 230 MW điện gió.

Theo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, từ nay đến 2030, chính phủ sẽ tập trung phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió trên bờ và ngoài khơi sẽ được ưu tiên phát triển. Với vị thế là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư điện tái tạo, GEG còn rất nhiều dư địa để phát triển trong tương lai.

Với kinh nghiệm và chuyên môn cao, mỗi loại hình nguồn điện GEG đầu tư đều nắm giữ lợi thế cạnh tranh vững chắc. Cụ thể, với thủy điện, các nhà máy đều là thủy điện nhỏ nên được cam kết giá bán và mang lại dòng tiền ổn định khoảng 300 tỷ đồng cho công ty.

Với điện mặt trời, các nhà máy đều đạt được cơ chế giá FIT kịp thời với nhiều ưu điểm vượt trội. Với mảng điện gió, GEG là một trong những doanh nghiệp tiên phong hàng đầu trong lĩnh vực này; trong đó, nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 (100 MW) đã đạt được giá bán chính thức cao hơn gần gấp đôi, khiến lợi nhuận của GEG tăng lên mức nền cao hơn từ năm 2025 trở đi.

Trong ngắn hạn, doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội mua bán sáp nhập các dự án thủy điện nhỏ, như dự án Ea Tih (8,6 MW) được kỳ vọng sẽ vận hành vào quý IV/2025 và tiếp tục thực hiện hai dự án điện mặt trời Đức Huệ 2 và điện gió V.P.L 2. Đến 2030, GEG đang có kế hoạch phát triển khoảng 3.000 MW điện tái tạo trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh gồm nhiều loại như: Điện gió, điện mặt trời, thủy điện và các loại hình điện khác.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục