Đánh thức tiềm năng du lịch Bến Tre - Bài 1: Phát triển du lịch gắn với tài nguyên bản địa

07:53' - 31/07/2022
BNEWS Phong cảnh hữu tình, không khí mát mẻ với những vạt dừa xanh bạt ngàn đã trở thành tiềm năng, lợi thế cho "ngành công nghiệp không khói" ở Bến Tre.

Nằm ở hạ nguồn Mekong, Bến Tre - nơi được mệnh danh "Ba đảo dừa xanh", có bốn bề sông nước mênh mông, được hình thành bởi cù lao An Hóa, cù lao Bảo, cù lao Minh và do phù sa bốn nhánh sông Cửu Long (sông Tiền, sông Ba Lai, sông Cổ Chiên và sông Hàm Luông) bồi tụ.

Phong cảnh hữu tình, không khí mát mẻ với những vạt dừa xanh bạt ngàn đã trở thành tiềm năng, lợi thế cho "ngành công nghiệp không khói".

Hiện địa phương đã và đang tập trung, chú trọng phát triển du lịch với định hướng phát triển du lịch sớm trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2025 và là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.

Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 2 bài viết phản ánh xứ Dừa Bến Tre đang phát huy nội lực, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương để ngành du lịch bứt phá trong thời gian tới.

Bài 1: Phát triển du lịch gắn với tài nguyên bản địa

Trong 7 tháng năm 2022, Bến Tre đón và phục vụ hơn 670 nghìn lượt khách du lịch (tăng 185,47% so cùng kỳ năm 2021), tổng thu từ khách du lịch ước đạt 821 tỷ đồng, cao gấp 3,4 lần so cùng kỳ năm 2021. Các sản phẩm du lịch được nhiều du khách lựa chọn sau thời gian dài ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 chủ yếu tập ở các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với tài nguyên bản địa, gắn với môi trường, gần gũi với thiên nhiên.

* Khai thác lợi thế tiềm năng

Sau đại dịch COVID-19, xu hướng du lịch của du khách có nhiều thay đổi. Theo đó, phần lớn du khách quan tâm nhiều tới những chuyến đi ngắn ngày, về với thiên nhiên và cuộc sống yên bình chốn làng quê. Nắm bắt xu hướng này, chàng trai trẻ Quách Duy Thịnh (xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) đã làm "say lòng người" khi đưa du khách trở về miền quê thôn dã bằng những ký ức tuổi thơ cùng những món ăn đậm đà bản sắc quê hương tại homestay Maison du Pays de Bến Tre (tạm dịch: Ngôi nhà xứ sở quê hương).

Trong căn nhà cấp bốn nằm cách trung tâm thành phố Bến Tre 15 Km, anh Thịnh đã khéo léo tạo những ấn tượng với khách du lịch bằng nét đẹp mộc mạc, bình dị nhưng không kém phần chỉnh chu trong từng chi tiết. Anh Quách Duy Thịnh cho hay, ngoài nghỉ ngơi trong không gian miệt vườn, đi bộ thong dong dưới những rừng dừa, homestay Maison du Pays de Bến Tre còn mang đến những trải nghiệm thú vị và thân tình chỉ Bến Tre mới có.

Theo đó, khách có thể tham quan làng bánh phồng Sơn Đốc, nhà thờ La Mã, đi hái bưởi, hái dừa, thưởng thức dừa tươi tại chỗ, dừng chân ở những cánh đồng rau sạch để mua rau tự làm cơm. Đặc biệt, Maison du Pays de Bến Tre cũng "thiết đãi" khách du lịch những đặc sản địa phương như làm bánh khọt nước cốt dừa nhân tép đậu xanh, làm bánh cúng lá dứa, bánh chuối mì quết bốc, nấu cơm nếp ăn kèm tép rang dừa hay muối mè,…

Anh Thịnh nói thêm, khách đến homestay thường có độ tuổi 35-55, đi theo nhóm, gia đình hay bạn bè. Tất cả những hành trình anh Thịnh thiết kế và món ăn nơi đây đều làm cho du khách thích thú và hài lòng với những trải nghiệm tuyệt vời với chi phí bình dân từ  900.000 -1.500.000 đồng/khách/đêm. Sau thời gian ảnh hưởng của dịch COVID-19, hiện tại, homestay của anh Thịnh đã đón khách quay trở lại với số lượng khá nhiều, trung bình mỗi tháng anh tiếp từ 15 - 20 đoàn khách (mỗi đoàn từ 15 -20 khách). Mặc dù chỉ mới tháng 7, nhưng anh đã có khách đặt lịch đến tháng 9/2022.

 

Không chỉ nổi tiếng là "Xứ Dừa", những vườn trái cây Bến Tre cũng rất hấp dẫn du khách gần xa bởi hương vị thơm ngon, sự đa dạng về chủng loại theo đúng kiểu "Mùa nào thức nấy". Tại xã Tân Phú, huyện Châu Thành, men theo các bảng chỉ dẫn, du khách có thể dừng chân tha hồ dạo quanh vườn để ngắm nhìn chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, bòn bon,…

Được hướng dẫn của chủ vườn, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung - du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh tự tay hái những trái sầu riêng, chùm chôm chôm chín mọng và thưởng thức tại chỗ. Chị Nhung cho biết, thích nhất là cảm giác được tìm hiểu quy trình sản xuất các loại trái cây, lại được trải nghiệm thu hoạch và thưởng thức sản phẩm tại vườn, tạo sự an tâm về an toàn thực phẩm. Mặt khác, từng vườn cây ăn trái cũng hình thành các lều che bằng tấm bạt nhựa, bố trí bàn ghế, võng để khách ngã lưng; đặc biệt, giá bán ổn định và không cao hơn so với bên ngoài, tạo tâm lý thoải mái cho du khách khi tham quan...

 

Ông Trần Đức Thắng, chủ vườn trái cây Quê Ta ở ấp Tân Qui, xã Tân Phú chia sẻ, dịp lễ, ngày nghỉ cuối tuần, nhà vườn phục vụ tới 300 - 400 lượt khách/ngày, ngày thường cũng bình quân khoảng 50 - 60 khách/ngày. Không chỉ làm du lịch một mình, các nhà vườn liên kết, cùng nhau làm mô hình du lịch sinh thái, để du khách có thể lựa chọn, thưởng thức được nhiều loại trái cây khác nhau trên cùng một tour tuyến, tránh sự nhàm chán.

* Tạo sức bật mới

Qua đánh giá của các chuyên gia du lịch, thế mạnh của du lịch của Bến Tre là cảnh sắc thiên nhiên mang nét nguyên sơ phong phú, đa dạng với những vườn dừa xanh bạc ngàn, những vườn cây ăn trái sum suê trĩu quả được phù sa bồi tụ quanh năm cùng khí hậu nắng ấm, mát mẻ. Đặc biệt, Bến Tre còn có môi trường sinh thái trong lành, là vùng đất vẫn còn lưu giữ được những nét sông nước miệt vườn với sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nguồn thủy hải sản dồi dào,… và nếp sống bình dị cũng như sự gần gũi, chan hòa của người dân gắn liền với thiên nhiên.

Không chỉ có thiên nhiên đẹp yên bình, mảnh đất ba dải cù lao còn là tỉnh có bề dày truyền thống văn hóa với các làng nghề truyền thống: sản xuất kẹo dừa, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, làng nghề sản xuất cây giống và hoa kiểng, dệt chiếu,… Cùng với đó là các làn điệu dân ca mang đậm sắc thái vùng sông nước Nam Bộ: đờn ca tài tử, hát sắc bùa, hát bội, múa bóng rỗi…

Theo ông Nguyễn Văn Bàn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre, với tài nguyên du lịch tự nhiên và bề dày truyền thống văn hóa phong phú, du lịch Bến Tre tập trung phát triển một số loại hình du lịch chủ yếu như: du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn; tham quan di tích lịch sử - văn hóa; du lịch cộng đồng; du lịch biển kết hợp với tham quan, tìm hiểu hệ sinh thái rừng ngập mặn; du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí; du lịch nông nghiệp kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ cao, du lịch MICE,...

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre cho biết, ngoài các sản phẩm du lịch truyền thống vốn có trước đây, Bến Tre với thế mạnh là cây dừa. Tỉnh đang tập trung vận động các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, sông nước và trải nghiệm văn hóa gắn với "cây dừa Bến Tre".

Tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư các dự án phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ven sông, nghỉ dưỡng giải trí ven biển, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch MICE,… để tạo sự độc đáo, khác biệt riêng của du lịch Bến Tre so với các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước đến Bến Tre ngày càng nhiều hơn.

Không chỉ quan tâm về các sản phẩm du lịch, Bến Tre còn tập trung thu hút nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông phục vụ hoặc kết hợp phục vụ du lịch; nâng cao khả năng kết nối giao thông tới các khu, điểm du lịch, từ đó tạo đột phá phát triển du lịch. Bởi, giao thông là 1 trong 3 lĩnh vực chính của du lịch. Giao thông chính là "sợi dây" kết nối mọi hoạt động của du lịch; giao thông thuận lợi là "đòn bẩy" để du lịch phát triển. Một điểm đến dù có hấp dẫn nhưng giao thông không thuận lợi, kết nối không tốt cũng sẽ khó khăn trong thu hút được khách hàng.

Theo ông Cao Minh Đức, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bến Tre, tỉnh vừa có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy để kết nối với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam rất thuận lợi cho việc phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là ngành Du lịch.

Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre đã ban hành và triển khai Đề án số 05-ĐA/TU ngày 29/01/2021 của Tỉnh ủy về đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, Bến Tre chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại trên cơ sở sử dụng hợp lý các nguồn lực; ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm như: Cầu Rạch Miễu 2; Đê bao ngăn mặn kết hợp với đường giao thông nối liền các huyện biển Bình Đại - Ba Tri - Thạnh Phú (giai đoạn 2)…

Ngoài ra, Bến Tre kết nối giao thông tuyến hành lang kinh tế ven biển, thúc đẩy liên kết vùng, nâng cao hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển cho địa phương, kích phát tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn 3 huyện ven biển (Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú), với lợi thế sẵn có phù hợp loại hình du lịch sinh thái biển. (Còn nữa)

Bài Cuối: Xây dựng thương hiệu du lịch xứ Dừa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục