Đạo đức kinh doanh: Xây nền tảng cho doanh nghiệp phát triển bền vững

11:20' - 28/12/2024
BNEWS Những doanh nghiệp biết lựa chọn con đường kinh doanh bền vững với đạo đức sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn, tạo dựng được tín nhiệm lâu dài đối với khách hàng và các đối tác.

Dù ở bất cứ thời điểm hay bối cảnh nào, đạo đức kinh doanh luôn là vấn đề được quan tâm và chú trọng hàng đầu, bởi đó là cơ sở để xây dựng uy tín và niềm tin ở khách hàng đối với doanh nghiệp hay thương hiệu sản phẩm. Không chỉ đơn thuần là việc tuân thủ các quy định pháp luật, đạo đức kinh doanh còn bao hàm những giá trị như sự công bằng, minh bạch, có trách nhiệm xã hội và tôn trọng quyền lợi của khách hàng, đối tác và cộng đồng. Những doanh nghiệp biết lựa chọn con đường kinh doanh bền vững với đạo đức sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn, tạo dựng được tín nhiệm lâu dài đối với khách hàng và các đối tác.

Tại nhiều sự kiện luận bàn về đạo đức doanh nhân, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam luôn nhấn mạnh, dù đã có nhiều doanh nghiệp nhận thức rõ về tầm quan trọng của đạo đức kinh doanh nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra khá phổ biến. Những hình ảnh tiêu cực như gian lận về kế toán, lợi dụng nhân viên hay cố tình làm sai báo cáo tài chính, tận thu và khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức và gây hại đến môi trường... xảy ra ở không ít công ty với đủ mọi quy mô từ nhỏ đến lớn.

"Có cả những doanh nghiệp dù là mới khởi nghiệp nhưng thường áp dụng những chiến lược kinh doanh không minh bạch để tăng lợi nhuận nhanh chóng. Họ quên mất rằng, sự bền vững không chỉ đến từ lợi nhuận trước mắt, mà còn từ việc xây dựng một thương hiệu đáng tin cậy. Cái giá phải trả thường rất lâu dài và khách hàng có thể quay lưng với họ bất cứ lúc nào", ông Công nói.

 

Ông Công cho rằng, nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự vi phạm đạo đức kinh doanh được cho là áp lực từ môi trường cạnh tranh và tầm nhìn ngắn hạn, mong muốn hưởng lợi ích trong ngắn hạn. Nhiều doanh nghiệp cảm thấy buộc phải "chơi xấu" để không bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, họ không nhận ra rằng, phương pháp này có thể phá hỏng không chỉ thương hiệu của họ mà còn cả ngành nghề mà họ đang hoạt động. Thêm vào đó, là do thiếu những chuẩn mực, quy tắc nội bộ rõ ràng nên nhân viên sẽ rất khó có thể xác định được đúng, sai trong quá trình làm việc.

Trước thực trạng này và để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trong việc xây dựng các chuẩn mực về đạo đức kinh doanh, văn hóa kinh doanh nơi công sở, nhiều chuyên gia cho rằng, trước tiên, doanh nghiệp cần xây dựng một bộ quy tắc ứng xử rõ ràng cho nhân viên và lãnh đạo. Việc này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro trong các quyết định kinh doanh mà còn tạo dựng một nền tảng vững chắc cho văn hóa doanh nghiệp.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp nên áp dụng các chương trình đào tạo về đạo đức kinh doanh cho đội ngũ nhân viên. Đào tạo không chỉ giúp nâng cao nhận thức mà còn trang bị cho họ các kỹ năng cần thiết để đưa ra những quyết định chính xác, phù hợp với các giá trị đạo đức. Ngoài ra, doanh nghiệp không nên chỉ tập trung vào lợi nhuận mà còn phải có trách nhiệm xã hội. Bằng cách tham gia vào các hoạt động cộng đồng, doanh nghiệp không chỉ khẳng định được hình ảnh của mình mà còn thu hút được sự ủng hộ từ người tiêu dùng.

 

 

Bà Hồ Thị Nguyệt, chuyên gia tâm lý kinh doanh, Giảng viên Trường Đại học Công nghệ Đông Á, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển đầu tư Hoàng Hà cho hay,  đạo đức kinh doanh luôn là kim chỉ nam để doanh nghiệp hoạt động; qua đó, thể hiện ở việc thực hiện đúng pháp luật về thuế; thực hiện đủ vai trò chức năng nhiệm vụ nghĩa vụ và phúc lợi cho tất cả nhân viên ở mọi lĩnh vực và vị trí công tác; đồng thời, đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội cho công nhân, lao động. Với đạo đức kinh doanh, doanh nghiệp sẽ tuân thủ nguyên tắc cạnh tranh công bằng không làm hại, triệt hạ đối thủ để giữ môi trường kinh doanh thực sự trong sạch và lành mạnh.

Với đạo đức kinh doanh, doanh nghiệp cần đưa ra mức giá đúng với giá trị thực mà sản phẩm mang lại và định hướng đạo đức kinh doanh đến từng cán bộ, công nhiên viên để họ nắm được và cùng đồng hành với chủ doanh nghiệp. Đó là chưa kể, việc hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền các cấp từ phường, quận, thành phố đến chủ trương của Nhà nước trong các phong trào bảo vệ, phòng chống hay từ thiện....

Theo bà Nguyệt, đạo đức kinh doanh và văn hoá doanh nghiệp có sự kết nối và mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau nhưng đều là yếu tố vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp; qua đó, góp phần thu hút nhân sự, tạo động lực, cũng như có thể phá vỡ mô hình, nếu không được chú trọng dựng xây, kết thừa và phát triển. Việc chảy máu chất xám do thiếu yếu tố văn hoá doanh nghiệp có thể tạo nên những tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp. Quy mô doanh nghiệp càng lớn, đạo đức và văn hóa kinh doanh càng quan trọng.

Do đó, dù ở bất kỳ quy mô nào doanh nghiệp cần có sự đầu tư, quan tâm và phát triển 2 yếu tố này, nếu không muốn rơi vào vòng xoáy của sự phát triển tự phát, gây nên những lãng phí không nhỏ về tài nguyên, về nguồn lực mà doanh nghiệp đang có, bà Hồ Thị Nguyệt nhấn mạnh.

Cải thiện vấn đề đạo đức kinh doanh và xây dựng nền tảng bền vững giúp các doanh nghiệp, nhiều chuyên gia gợi ý, doanh nghiệp cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử rõ ràng cho toàn bộ nhân viên. Điều này không chỉ giúp nhanh chóng giải quyết các vấn đề phát sinh mà còn mang lại sự đồng thuận trong cách tiếp cận đến khách hàng và các bên liên quan.

Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo về đạo đức kinh doanh cho nhân viên; qua đó, giúp họ hiểu rõ hơn tầm quan trọng của những giá trị này và cách thức áp dụng trong công việc hàng ngày; vừa giúp từng nhân viên được nâng cao nhận thức, vừa thúc đẩy tinh thần trách nhiệm của từng cá nhân đối tới tập thể trong doanh nghiệp. Mỗi công ty cũng cần phát hành các báo cáo định kỳ công khai về các hoạt động; đặc biệt là hoạt động tài chính; đồng thời, cam kết về đạo đức kinh doanh của mình, để từ đó khách hàng và các bên liên quan có thể giám sát và đánh giá. Sự minh bạch giúp doanh nghiệp xây dựng lòng tin và tăng cường mối quan hệ với khách hàng.

Cuối cùng là sự tham gia tích cực vào các hoạt động từ thiện và bảo vệ môi trường, đó không chỉ là một cách thể hiện thương hiệu uy tín và hình ảnh tích cực của doanh nghiệp trong lòng công chúng, mà còn tạo dựng niềm tin với khách hàng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục