Dấu hiệu nhận biết bệnh tả lợn châu Phi

16:07' - 22/02/2019
BNEWS Bệnh tả lợn châu Phi có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, xảy ra ở mọi loại lợn, tỷ lệ chết 100%.
Chuồng trại luôn được vệ sinh sạch sẽ để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại của dịch tả lợn châu Phi có thể xảy ra. Ảnh: Đinh Tuấn - TTXVN

Theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm do một loại virus trong máu, dịch bài tiết từ lợn nhiễm bệnh gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, xảy ra ở mọi loại lợn, tỷ lệ chết 100%.
Ở dạng cấp tính, con lợn có thể bị sốt cao nhưng không có triệu chứng đáng chú ý nào trong vài ngày đầu. Sau đó, lợn dần mất đi sự thèm ăn và trở nên chán nản.
Với con lợn da trắng, các chi có thể chuyển sang màu xanh tím, xuất huyết trên tai và bụng. Chúng run rẩy, thở bất thường, đôi khi ho, đứng không vững. Trong vòng vài ngày sau khi nhiễm trùng, lợn bị hôn mê, sau đó chết.
Lợn nái mang thai khi nhiễm bệnh sẽ bị sảy thai. Lợn nhiễm trùng nhẹ hơn thì bị giảm cân, có các dấu hiệu viêm phổi, loét da và sưng khớp.
Không giống như cúm lợn, tả lợn châu Phi không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với sức khỏe con người.
Năm 1921, bệnh tả lợn lần đầu tiên xuất hiện tại Kenya, sau đó lây lan nhanh chóng trở thành dịch ở nhiều nước châu Phi. Năm 1957, lần đầu tiên tả lợn châu Phi được phát hiện và báo cáo tại châu Âu.
Đến năm 2007, loại bệnh này xuất hiện ở các nước châu Mỹ. Đến nay, bệnh tả lợn châu Phi xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Từ cuối năm 2017 đến nay có 12 quốc gia ghi nhận bùng phát dịch tả lợn châu Phi.
Tại Việt Nam, ngày 19/2/2019, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã chính thức thông báo ghi nhận 8 ổ dịch tả lợn châu Phi tại một số hộ chăn nuôi thuộc tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.
Do tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người nên người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.

>>> FAO hỗ trợ Việt Nam kiểm soát dịch tả lợn châu Phi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục