Đâu là đòn bẩy cho xây dựng nông thôn mới?

10:35' - 13/07/2019
BNEWS Thủy lợi là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, là đòn bẩy trong thực hiện các tiêu chí khác về nâng cao thu nhập.
Nông dân huyện Bảo Thắng chăm sóc cây. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN 

Những năm qua, nhiều công trình thủy lợi, hồ chứa, hệ thống kênh mương được Lào Cai quan tâm đầu tư nâng cấp, sửa chữa, tạo điều kiện hoàn thành tiêu chí về thủy lợi cũng như các tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế vùng cao, vùng sâu Lào Cai.

Tuy nhiên, là nơi hằng năm đều chịu ảnh hưởng không nhỏ từ bão lũ thiên tai nên hệ thống thủy lợi của Lào Cai cũng vì thế mà dễ bị hư hỏng, xuống cấp khiến địa phương này thường xuyên phải chạy đua để nâng cấp sửa chữa nhằm giảm thiểu thiệt hại trong mùa mưa lũ.
*Đòn bẩy trong xây dựng nông thôn mới
Thủy lợi là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, là đòn bẩy trong thực hiện các tiêu chí khác về nâng cao thu nhập.
Năm 2000, toàn bộ hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng trên địa bàn huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai là kênh đất, năng lực tưới tiêu hạn chế vì nước bị thất thoát trong quá trình đến dẫn các khu sản xuất, khiến cây trồng sinh trưởng không đảm bảo, năng suất thấp.

Không những vậy, tất cả các đập thủy lợi đầu mối trên địa bàn huyện cũng chỉ được đắp tạm bằng đất, kè đá nên thường bị mưa lũ cuốn trôi.
Để khắc phục những hạn chế trên, những năm qua, huyện Si Ma Cai đã chủ động lồng ghép nhiều nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án như chương trình 135, 30a, xây dựng nông thôn mới... và sự ủng hộ của nhân dân để xây dựng kiên cố hệ thống thủy lợi, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Nhờ đó, đến nay, 13/13 xã của huyện đã hoàn thành tiêu chí thủy lợi, với tổng số 124 công trình đập đầu mối và 238 km kênh mương nội đồng được kiên cố hóa.

Người dân chủ động được nguồn nước cho gần 3.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích đất sản xuất lúa nước là 1.700 ha.
Ông Viên Đình Hiệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai cho biết, hệ thống thủy lợi được kiên cố đã giúp dẫn nước vượt qua nhiều đoạn địa hình bị chia cắt và không bị thất thoát, nên bà con khai hoang thêm khoảng 1.000 ha đất ruộng bậc thang để trồng lúa nước.

Qua đó, năng suất và sản lượng lương thực có hạt trên địa bàn huyện tăng nhanh; đồng thời, hạn chế được tình trạng xói mòn đất sản xuất khi vào mùa mưa.
Ông Tráng Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Cán Cấu chia sẻ, hệ thống thủy lợi được hoàn thiện đã phát huy hiệu quả giúp người dân thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất cây trồng và nâng cao thu nhập. Năm 2017, thu nhập bình quân của người dân xã Cán Cấu đạt gần 27 triệu đồng/năm.

Đó là cơ sở để xã đặt mục tiêu hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm 2019, với thu nhập bình quân đạt trên 30 triệu đồng/người/năm.
Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương và của người dân thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong xây dựng nông thôn mới, đến nay Lào Cai đã có 45/143 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Riêng đối với tiêu chí thủy lợi trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hiện nay Lào Cai đã có 100% số xã (143 xã) đạt tiêu chí này.
* Chạy đua trong mùa mưa lũ
Từ khảo sát thực tế cho thấy, mặc dù đã có 100% số xã hoàn thành tiêu chí thủy lợi, song với đặc điểm công trình thủy lợi tại Lào Cai đa số là công trình nhỏ, hệ thống khe rạch, sông, suối nhiều và thường xuyên chịu tác động từ thiên tai, mưa lũ mỗi năm, nên hàng năm các công trình thủy lợi dễ bị hư hỏng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, đến nay tỉnh có 1.590 công trình thủy lợi; trong đó, có 101 hồ chứa nước với tổng dung tích 13,2 triệu m3.

Trên thực tế, hiện có 62/101 hồ chứa thủy lợi này bị hư hỏng, xuống cấp (chiếm 60%); trong đó, có 12 hồ hiện đang được tiến hành sửa chữa, 15 hồ hư hỏng nặng cần phải sửa chữa cấp bách, 35 hồ hư hỏng các hạng mục như: cống, tràn, sạt lở mái và thân đập…

Đây là nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn trong mùa mưa bão, đồng thời ảnh hưởng đến nguồn nước tưới tiêu cho 657 ha lúa, hàng trăm ha nuôi trồng thủy sản.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, để đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa bão năm nay và phục vụ tốt nhất cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ an toàn cho người dân sống ở khu vực dưới các hồ chứa, ngành nông nghiệp tỉnh đã đề nghị các địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá các công trình thủy lợi xung yếu, nhất là đập hồ chứa để có phương án khắc phục, xử lý kịp thời.
Sở cũng yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình thủy lợi đang xây dựng trên địa bàn đảm bảo hoàn thành vượt lũ tiểu mãn và chống lũ an toàn, nhất là với các công trình hồ chứa đã được Chính phủ phê duyệt nguồn vốn cần xử lý cấp bách.

Đối với các hồ chứa nhỏ do nhân dân tự làm phải kiểm tra thường xuyên, khi có hiện tượng sạt lở mái đập cần được gia cố tạm thời bằng các biện pháp phù hợp nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ; chủ động theo dõi, có phương án khắc phục, xử lý hệ thống kênh mương bị nứt vỡ, rò rỉ gây mất nước.
Lào Cai xác định mục tiêu trong thời gian tới là duy trì kết quả đạt tiêu chí thủy lợi của các xã, và duy trì kết quả tiêu chí thủy lợi của các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí nâng cao của giai đoạn 2018-2020; đồng thời, đưa hệ thống công trình thủy lợi đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tái cơ cấu ngành thủy lợi đề ra như: công trình thủy lợi phục vụ đa mục tiêu trong phát triển kinh tế, đảm bảo yêu cầu về dân sinh, đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai.
Để đạt được mục tiêu trên, các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai đang nỗ lực thực hiện tốt phương án quy hoạch thủy lợi và phòng chống thiên tai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 để làm cơ sở hoạch định kế hoạch đầu tư.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Luật Thủy lợi và các văn bản hướng dẫn thi hành;đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, khai thác thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, từng bước thực hiện quản lý theo hướng chuyên môn hóa; đẩy mạnh xã hội hóa huy động tối đa nguồn lực từ trong dân để phục vụ việc khắc phục, sửa chữa kịp thời các hạng mục công trình hư hỏng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục