"Cú huých" khởi nghiệp từ đề án OCOP Lào Cai

10:22' - 08/05/2019
BNEWS Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2018-2020 định hướng đến 2030 đã trở thành "cú huých"giúp nông dân Lào Cai tham gia khởi nghiệp mà còn gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Sả đỏ phủ xanh đất đồi bạc màu ở Phong Niên, Bảo Thắng, Lào Cai. Ảnh: Hương Thu - TTXVN

Thực hiện chủ trương "Quốc gia khởi nghiệp", để thu hút sự tham gia khởi nghiệp của nông dân và cơ sở sản xuất, Lào Cai đã xây dựng đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2018-2020 định hướng đến 2030 nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đồng thời thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Hơn một năm thực hiện, đề án đã thực sự trở thành "cú huých" tạo động lực không chỉ giúp nông dân Lào Cai hăng hái tham gia khởi nghiệp mà còn gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp truyền thống địa phương.

* Phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, tỉnh Lào Cai phấn đấu xây dựng ở mỗi huyện có từ 1 đến 2 sản phẩm chủ lực, mỗi xã 1 sản phẩm chủ lực có thương hiệu, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị. Đây được xem là giải pháp để khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương.

Su su là một loại rau quả được trồng nhiều ở Sa Pa và ngon có tiếng trên nước. Khí hậu xứ lạnh vùng cao là điều kiện lý tưởng cho người trồng rau ở Sa Pa phát triển cây su su với các sản phẩm mang tính đặc trưng là quả su su và ngọn su su.

Năm 2013, 150 gia đình ở các tổ 12,13,14 của thị trấn Sa Pa, tự nguyện liên kết với nhau, thành lập Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Hoa Ðào sản xuất quả su su chất lượng cao, mang thương hiệu Sa Pa.

Các hộ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, bón phân hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng.

Ðể bảo đảm chất lượng quả su su, cứ ba năm một lần, các xã viên thay giống, trồng mới, dù chi phí tốn kém. HTX đầu tư cột chống bằng bê-tông; làm giàn bằng dây thép không gỉ; áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tiên tiến…

Mỗi năm HTX này cung ứng cho thị trường Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hải Phòng… khoảng 7.000 tấn quả su su tươi. Từ khi tham gia OCOP và được xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu sản phẩm quả su su Sa Pa, su su Sa Pa giá tăng 2.000 đồng/kg, thu lợi khoảng 14 tỷ đồng/năm.

Bà Đỗ Thị Liên, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hoa Đào cho biết, nhờ có thương hiệu, su su của HTX tiêu thụ tốt, được khách hàng tín nhiệm, trồng ra đến đâu tiêu thụ hết ngay đến đó.

Tương tự, mô hình liên kết sản xuất gạo Séng cù giữa nông dân xã Mường Vi (huyện Bát Xát) với Hợp tác xã Tiên Phong Mường Vi được thực hiện từ năm 2015. Theo đó, 160 ha đất ruộng 2 vụ lúa của xã gieo cấy 100% giống lúa đặc sản Séng cù.

Bình quân mỗi năm, xã Mường Vi cung cấp ra thị trường khoảng 1.600 tấn thóc, giá bán cao hơn các loại thóc thường, mang về cho người dân trong xã từ 20 đến 22 tỷ đồng/năm.

Mới đây, khi triển khai Chương trình OCOP, Hợp tác xã Tiên Phong Mường Vi đã cùng bà con xây dựng thành công “Mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gạo Séng cù an toàn”, từ đó giúp sản phẩm gạo Séng cù Mường Vi có giá trị cao hơn, thị trường tiêu thụ rộng và giá bán ổn định.

Sạp bán mận Tam Hoa, một sản phẩm đặc trưng của Lào Cai. Ảnh: Hương Thu/TTXVN

Đây là hai trong số 10 sản phẩm OCOP của 8 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Lào Cai vừa được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên (cùng với tương ớt Mường Khương, bưởi Múc, gạo Séng Cù Mường Khương, rượu men lá Na Lang, rượu thóc Thanh Kim, chè Shan Mường Khương, Phong Hải Danh Trà, rượu gạo Thanh Kim) dựa trên Bộ tiêu chí OCOP Quốc gia, được hoàn thiện áp dụng phù hợp với OCOP Lào Cai.

Điều đáng nói, các sản phẩm này đều đã có thương hiệu và chỗ đứng nhất định trên thị trường trước khi đề án OCOP Lào Cai ra đời. Tuy nhiên, trên thực tế, những sản phẩm này khi đó vẫn chưa thực sự phát huy tiềm năng, thế mạnh, chưa xây dựng được thương hiệu mạnh mang tầm quốc gia.

Thu nhập và đời sống người dân trong sản xuất các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp còn thấp, sản xuất nhỏ, năng suất lao động, giá trị canh tác trên đơn vị diện tích còn thấp, các sản phẩm chủ yếu là “xuất thô”, chưa được chế biến sâu, bao bì, mẫu mã sản phẩm đơn giản, chưa có thương hiệu, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại địa phương, số doanh nghiệp và HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn ít, lại chưa đạt điều kiện nhà sản xuất...

* Tập trung phát triển 6 nhóm ngành hàng

“Tiềm năng, lợi thế của nông sản địa phương Lào Cai sẽ được đánh thức, cải thiện rất lớn nếu các sản phẩm nông nghiệp, thủ công có chất lượng tốt được tham gia OCOP", ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, Chương trình OCOP Lào Cai ra đời với mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn một cách bài bản, có hệ thống, tạo ra giá trị trực tiếp, từ đó thu hẹp và cân bằng khoảng cách kinh tế giữa khu vực nông thôn và thành thị.

Bên cạnh đó, thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất và quản lý, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao.

Chương trình cũng hướng đến mục tiêu góp phần tạo ra các tổ chức kinh tế OCOP, dưới dạng các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ hợp tác sản xuất, hộ gia đình đăng ký kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển HTX và quốc gia khởi nghiệp, tạo ra luồng đầu tư của cộng đồng thông qua phát triển sản xuất và kinh doanh các sản phẩm OCOP.

Hơn thế, với tổng kinh phí xấp xỉ 280 tỷ đồng, thông qua dự án, Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2020 huy động từ 50-60% nguồn lao động nông thôn tham gia hệ thống OCOP, sản phẩm từ nông nghiệp, du lịch, dịch vụ nông thôn đóng góp từ 55-60% tổng sản phẩm hàng hóa trên toàn tỉnh.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Lào Cai tập trung phát triển 6 nhóm ngành hàng: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm - nội thất - trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng tham gia vào 9 nhóm dự án.

Các dự án bao gồm: nâng cấp/mở rộng/phát triển sản xuất các sản phẩm đã có và phát triển sản phẩm mới, xây dựng 8 Trung tâm, 8 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh, khai thác thế mạnh ngành nghề nông thôn gắn với du lịch với "Dự án trục du lịch văn hóa thảo dược Hoàng Liên Sơn gắn với OCOP" (thành phố Lào Cai, Tả Phìn, Thị trấn Sa Pa, Bản Khoang, Mường Vi, Y Tý, A Mú Sung, thành phố Lào Cai) và "Dự án trục du lịch gắn với OCOP: thành phố Lào Cai - Bắc Hà - Si Ma Cai - Mường Khương".

Trong đó, đối tượng thụ hưởng là tổ chức kinh tế hoặc tổ hợp tác/nhóm hộ, thuộc hệ thống OCOP, có đóng góp nhất định cho xã hội (chủ cơ sở là người địa phương, sử dụng nguyên liệu, tri thức địa phương)...

Trong tổng số 113 sản phẩm nông nghiệp thuộc 6 nhóm ngành hàng trên, khi tham gia OCOP, trong giai đoạn 1 từ nay đến năm 2020, Lào Cai sẽ nâng cấp, phát triển 60 sản phẩm thế mạnh của các địa phương.

Lào Cai sẽ thực hiện tiêu chuẩn hóa đối với 60 sản phẩm, phát triển mới 30 sản phẩm, củng cố 30 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm thế mạnh của địa phương, phát triển 15 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP.

Địa phương có cơ chế, chính sách và kinh phí hợp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, làng nghề, cá nhân phát triển sản xuất như xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã, bao bì, mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến…

Yêu cầu đặt ra là các địa phương, cơ sở, hộ gia đình sản xuất tự quyết định lựa chọn các sản phẩm có lợi thế để đầu tư phát triển sao cho các sản phẩm có năng suất, chất lượng tốt nhất, đảm bảo tăng thu nhập và đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, quốc tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục