Đâu là động lực bền vững cho đà tăng của giá vàng?

06:30' - 02/03/2022
BNEWS Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã đẩy giá vàng tăng lên mức cao nhất của một năm, trước khi đảo chiều giảm mạnh và nới rộng biên độ dao động.

Các ngân hàng như Goldman Sachs dự báo rằng với vị thế là “hầm trú ẩn an toàn”, vàng sẽ lập mức giá cao kỷ lục mới trong bối cảnh lạm phát cao và bất ổn toàn cầu. 

Tuy nhiên, các chuyên gia tại ngân hàng đầu tư UBS lại cho rằng triển vọng lãi suất tăng tại nhiều nền kinh tế sẽ làm giảm “độ bóng” của vàng, một tài sản vốn không tạo ra thu nhập.

Trong khi giới chuyên gia vẫn chưa thể đưa ra một nhận định đồng nhất, câu hỏi mà giới quan sát quan tâm nhất hiện nay là liệu giá vàng có quay trở về mốc 2.000 USD/ounce như đã được chứng kiến hồi tháng 8/2020 hay không?

* Địa chính trị không phải yếu tố tiên quyết

Điều này đã không xảy ra trong phiên ngày 24/2, bất chấp sự gia tăng căng thẳng đột biến trong quan hệ Nga-Ukraine sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố chính thức mở một chiến dịch quân sự đặc biệt đối với Ukraine. 

Giá vàng tương lai tại New York đã đạt đỉnh ở mức 1.977 USD/ounce, tương đương mức tăng hơn 2% trong vòng chưa đầy một ngày vào phiên 24/2. Tuy nhiên, giá kim loại quý này sau đó đã giảm xuống còn 1.889 USD/ounce trong phiên giao dịch cuối tuần trước. 

Điều này phản ánh nhận thức của giới đầu tư rằng các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các nước khác áp đặt lên Nga sẽ không gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế toàn cầu như lo ngại ban đầu. 

Mặc dù vậy, hành động mạnh mẽ hơn từ cộng đồng quốc tế trong những ngày qua đối với “xứ Bạch dương” đã báo động về nhiều biến động khác có thể sẽ xảy ra. Giá vàng đã tăng đến 6% so với tháng trước và vẫn ở gần mức cao nhất kể từ tháng 1/2021. Trong khi đó, đồng USD, vốn đã mạnh lên trong 9 tháng qua, nay lại tiếp tục “bay cao” hơn nữa vào tuần trước. 

Masayo Kondo, Chủ tịch cơ quan nghiên cứu Commodity Intelligence của Tokyo, cho biết: “Những bất ổn về tình hình địa chính trị hiện tại sẽ quyết định triển vọng giá vàng”.

Đồng quan điểm này, nhà phân tích thị trường vàng Koichiro Kamei thuộc Viện Chiến lược Thị trường Tokyo cho biết: “Thực tế là giá có thể tăng vượt ngưỡng 2.000 USD tùy thuộc vào tình hình căng thẳng ở Ukraine”.

Ngân hàng đầu tư TD Securities của Mỹ giải thích rằng xu hướng tăng giá của vàng ngay sau hành động quân sự của Nga có liên quan đến những lo ngại về nguồn cung hàng hóa.

Rich Kelly, người đứng đầu mảng chiến lược toàn cầu của TD Securities, đã viết trong một ghi chú nghiên cứu rằng: "Những lo ngại đáng kể về nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ một trong những nhà sản xuất công nghiệp nặng trên thế giới đã xuất hiện, khi Nga nắm giữ vị trí quyền lực với tư cách là nhà sản xuất palladium, bạch kim, vàng, dầu, khí đốt, nickel, lúa mỳ, nhôm, than và thậm chí là đồng.

Tuy nhiên, ông Rich Kelly không tin rằng xu hướng tăng giá này sẽ kéo dài. Ông nói: “Trong quá khứ, dòng chảy vốn vào những ‘nơi trú ẩn an toàn’ chỉ tạo ra một lực đẩy ngắn hạn đối với nhu cầu kim loại quý. Điều này cho thấy phần lớn các tác động đối với giá vàng và bạc sẽ đến từ những đánh giá của thị trường về triển vọng lãi suất".

* Động lực bền vững của giá vàng

Joni Teves, chiến lược gia trong lĩnh vực kim loại quý tại UBS, đã chia sẻ với CNBC vào tuần trước rằng sức mạnh gần đây của thị trường vàng sẽ chỉ "tồn tại trong thời gian ngắn" và thị trường có khả năng tập trung trở lại vào các yếu tố vĩ mô như việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được kỳ vọng sẽ nâng lãi suất trong năm nay.

Ngân hàng Morgan Stanley của Mỹ dự kiến Fed sẽ nâng lãi suất 6 lần trong năm 2022, với mức tăng tổng thể là 150 điểm cơ bản. Trong bối cảnh đó, UBS dự đoán giá vàng sẽ giảm về ngưỡng 1.600 USD/ounce vào cuối năm.

Mặc dù thị trường ban đầu dự đoán rằng xung đột ở Ukraine sẽ làm hạ nhiệt tham vọng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương, do những lo ngại về rủi ro đối với tăng trưởng toàn cầu, song quan điểm đó đã được xoa dịu bằng việc các nước công bố lệnh trừng phạt không liên quan đến lĩnh vực năng lượng.

Giá trị của vàng về mặt lý thuyết được liên kết với lãi suất thực (được tính bằng lãi suất hiện hành trừ đi lạm phát), do thu nhập tăng từ các tài sản khác như trái phiếu sẽ làm giảm sức hấp dẫn của một kim loại vốn không tạo ra thu nhập.

Chính vì vậy, triển vọng giá vàng thường có tương quan nghịch với lãi suất thực và trong bối cảnh hiện nay, lãi suất thực có lẽ sẽ tăng khi Fed và các ngân hàng trung ương khác chủ động thắt chặt chính sách tiền tệ để đối phó với môi trường lạm phát tăng cao.

Sự gián đoạn vận chuyển do hậu quả của đại dịch COVID-19, môi trường giá dầu cao do bất ổn địa chính trị, cam kết tăng lương do thiếu lao động - tất cả những yếu tố này đã khiến giá hàng hóa tăng vọt. Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 1/2022 đã tăng 7,5% so với một năm trước đó, lên mức cao nhất kể từ năm 1982.

Những người đầu cơ vàng cho rằng lo ngại về lạm phát có thể tạo ra nhu cầu đầu tư cho kim loại này. Tháng trước, Goldman Sachs đã nâng dự báo giá vàng trong 12 tháng tới lên mức 2.150 USD/ounce, một phần vì các nhà đầu tư thường coi vàng như một kênh phòng ngừa lạm phát.

Tuy nhiên, đã có dấu hiệu cho thấy các ngân hàng trung ương có thể kiểm soát lạm phát. Một cuộc khảo sát vào tháng 1/2022 cho thấy kỳ vọng lạm phát trong một năm và ba năm tới đã giảm xuống các mức lần lượt là 5,8% và 3,5%, từ 6,0% và 4,0% của tháng 12/2022.

Itsuo Toshima, chuyên gia phân tích thị trường tài chính tại Toshima & Associates, cho biết nhận định “lãi suất là động lực bền vững” của giá vàng hơn là các yếu tố địa chính trị. Chuyên gia dự đoán giá kim loại quý này có thể giảm xuống ngưỡng khoảng 1.700 USD/ounce vào cuối năm nay. 

"Các tài sản không mang lại lợi nhuận như vàng sẽ gặp nhiều khó khăn khi Fed chấm dứt chính sách lãi suất bằng 0", ông nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục