Đấu thầu vàng có đủ sức “hạ nhiệt” thị trường?

06:10' - 02/05/2024
BNEWS Nhiều phiên tăng mạnh liên tiếp đã khiến giá vàng lập đỉnh, xô đổ các kỷ lục trước đó. Giải pháp đấu thầu vàng ngay lập tức được Ngân hàng Nhà nước triển khai nhằm tăng cung vàng miếng ra thị trường.

Động thái này được kỳ vọng có thể giảm chênh lệch giá vàng trong nước so với giá thế giới, thu hẹp khoảng cách giá mua – giá bán. Nhưng về lâu dài, đây có phải giải pháp căn cơ, đủ sức “hạ nhiệt” thị trường?

Phóng viên TTXVN đã trao đổi với các chuyên gia về vấn đề trên.

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu: Cần xem xét đến việc xóa độc quyền!

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu vàng nhằm đưa một lượng vàng lớn vào lưu thông, góp phần bình ổn lại cung cầu, thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới, giữa giá mua và giá bán.

Nhưng để ổn định được giá vàng, Ngân hàng Nhà nước có thể phải cần tổ chức rất nhiều phiên đấu thầu tương tự và những phiên đấu thầu đó phải có một lượng vàng lớn để đổ vào trong thị trường, đồng thời phải có nhiều nhà kinh doanh vàng tham gia đấu thầu và trúng thầu thay vì số lượng khiêm tốn như hiện tại.

Bên cạnh việc triển khai đấu thầu, Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cũng cần được sửa đổi. Nên bỏ độc quyền thương hiệu vàng quốc gia của SJC, tạo sự công bằng cho tất cả các sản phẩm trên thị trường.

 

Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét đến việc rút lại vai trò là đơn vị kinh tế duy nhất trong nền kinh tế có thể nhập khẩu vàng và trao lại quyền nhập khẩu cho các nhà kinh doanh vàng có uy tín và có năng lực tài chính. Dĩ nhiên, việc nhập khẩu nằm dưới sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước bởi lẽ nhập khẩu vàng sẽ cần đến một lượng ngoại tệ rất lớn và hoạt động này có thể ảnh hưởng tới dự trữ ngoại hối của quốc gia.

Trong bối cảnh tỷ giá đồng USD tăng mạnh như hiện nay, vai trò kiểm soát và điều hành của Ngân hàng Nhà nước lại càng cần được lưu tâm. Theo đó, từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD đã tăng vượt quá mức 3% như dự báo trước đó cho cả năm 2024. Và từ nay cho đến cuối năm, tỷ giá dự báo sẽ tiếp tục tăng, tối thiểu là 5%, thậm chí có thể còn cao hơn nữa.

Đối với các nhà đầu tư, cần phân bổ dòng vốn tùy theo khẩu vị rủi ro của mỗi người, phân bổ rủi ro, tránh “để trứng vào một giỏ”. Có thể thấy thị trường vàng từ đầu năm đến nay có xu hướng tăng giá mạnh nhưng những động thái can thiệp của cơ quan điều hành có thể sẽ làm giá vàng chững lại hoặc đi xuống. Bất động sản dự báo sẽ tăng giá trong thời gian tới, có thể là một kênh đầu tư hấp dẫn dành cho những khoản tiền nhàn rỗi. Trong khi đó, thị trường chứng khoán lại chịu tác động từ nhiều yếu tố như biến động của thị trường thế giới, lãi suất… nên các nhà đầu tư cần thận trọng khi tham gia kênh này.

Thêm nữa, các nhà đầu tư cũng cần theo dõi thị trường một cách chặt chẽ; không nên dùng tiền kinh doanh, tiền sinh hoạt thiết yếu hoặc vốn vay để đầu tư, tránh trường hợp thua lỗ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và chịu gánh nặng tài chính, áp lực trả nợ lớn.

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính - Học viện Tài chính: Tính cách điều hành giá vàng tương tự như điều hành tỷ giá

Việc Ngân hàng Nhà nước mở lại đấu thầu vàng miếng sẽ giúp nguồn cung tăng lên, thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Tuy nhiên, để ổn định thị trường cũng cần một thời gian và cần phải xem xét liệu Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu vàng miếng với khối lượng ra sao, trong một thời gian như thế nào?

Liên quan đến việc hao hụt dự trữ ngoại hối, điều này là chắc chắn xảy ra khi nhập khẩu vàng nguyên liệu. Tuy nhiên, mức sụt giảm bao nhiêu còn phụ thuộc vào phản ứng của thị trường. Hiện tại dự trữ ngoại hối đạt khoảng 100 tỷ USD hoàn toàn có thể có đủ khả năng để can thiệp bình ổn giá vàng.

Bên cạnh giải pháp trên, Ngân hàng Nhà nước có thể tính đến việc xác định một mức chênh lệch giá phù hợp. Chẳng hạn đặt biên độ chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới là +/-2%. Nếu giá vàng trong nước cao hơn thế giới 2%, Ngân hàng Nhà nước có thể nhập khẩu vàng về để bình ổn thị trường. Trong trường hợp ngược lại, Ngân hàng Nhà nước có thể mua vàng để chặn đà rơi. 

Phương án này tương tự như cách Ngân hàng Nhà nước đang điều hành tỷ giá với tỷ giá trung tâm công bố hàng ngày và quy định biên độ dao động.

Sau động thái của Ngân hàng Nhà nước, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới có thể sẽ thu hẹp lại. Mức độ thu hẹp đến đâu còn phụ thuộc vào quy mô nhập khẩu vàng nguyên liệu. Giá vàng trong nước thời gian tới sẽ tiếp tục biến động theo giá vàng thế giới và điều này rất khó đoán. Nhiều dự báo cho rằng giá vàng có thể tăng tiếp, nhưng cũng có dự đoán cho rằng  giá vàng có thể đạt đỉnh ít nhất trong ngắn hạn và sẽ giảm trong thời gian tới.

>> Thị trường vàng, tỷ giá - Bài 1: Điều hành trong “cơn lốc” tăng sốc

>>  Thị trường vàng, tỷ giá - Bài 3: Kinh nghiệm ngăn chặn "vàng hóa" của Ấn Độ

>> Thị trường vàng, tỷ giá - Bài cuối: Kìm đà tăng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục