Đầu tư 35 tỷ đồng phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế

11:28' - 26/07/2018
BNEWS Mục tiêu của đề án nhằm phát triển các mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế ở khu vực nông thôn của tỉnh Bến Tre.
Bưởi da xanh là một trong những loại trái cây đặc sản nổi tiếng của Bến Tre. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập vừa ký quyết định phê duyệt đề cương Đề án Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bến Tre (chương trình OCOP- BT) giai đoạn 2018-2020, với kinh phí thực hiện là 35 tỷ đồng, từ nguồn vốn sự nghiệp chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và các nguồn khác.

Theo đó, mục tiêu của đề án nhằm phát triển các mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế ở khu vực nông thôn của tỉnh Bến Tre. Đề án còn góp phần thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn để nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân nông thôn và thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Hữu Lập, đề án Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bến Tre giai đoạn 2018-2020 sẽ tập trung đánh giá lợi thế cạnh tranh và tiềm năng thị trường của các sản phẩm nông sản, các làng nghề nông thôn và lựa chọn sản phẩm chủ lực thí điểm cho chương trình OCOP- BT giai đoạn 2018-2020…

Đề án sau khi hoàn thành sẽ hướng đến tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng, miền, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi thế cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nội lực và gia tăng giá trị.

Để triển khai xây dựng đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm, Bến Tre đã điều tra, khảo sát số liệu về sản phẩm, các tổ chức kinh tế, quy hoạch định hướng phát triển sản phẩm trên địa bàn tỉnh.

Theo kết quả khảo sát bước đầu cho thấy, toàn tỉnh hiện có 26 sản phẩm thế mạnh thuộc 5 nhóm sản phẩm; trong đó, nhóm thực phẩm có 15 sản phẩm; nhóm đồ uống có 5 sản phẩm; nhóm lưu niệm, nội thất, trang trí có 2 sản phẩm; nhóm dịch vụ du lịch nông thôn có 1 sản phẩm, lĩnh vực khác 3 sản phẩm. Cùng với đó, đối tượng thực hiện là 144 chủ thể sản xuất sản phẩm của địa phương, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh.

Ngoài ra, tỉnh còn có 57 làng nghề được công nhận, trong đó có 39 làng nghề trên lĩnh vực nông nghiệp và 18 làng nghề trên lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp chủ yếu là sản xuất bánh tráng, bánh phồng, rượu, kẹo dừa, sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa.Thị trường tiêu thụ chính của các sản phẩm là trong tỉnh, một số siêu thị, cửa hàng trong nước và xuất khẩu sang nước ngoài.

Về lâu dài, để thực hiện Chương trình OCOP-BT có hiệu quả, tỉnh Bến Tre đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc thực hiện chương trình đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở và người sản xuất. Tỉnh tăng cường công tác xây dựng, quảng bá nhãn hiệu, hình ảnh về các sản phẩm được lựa chọn phát triển trong đề án của tỉnh…

Bến Tre là tỉnh có nền sản xuất nông nghiệp giữ vai trò trụ cột, với đa dạng các sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, các sản phẩm đặc trưng được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, do sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ nên các sản phẩm của tỉnh chưa thật sự trở thành hàng hóa có chất lượng cao cạnh tranh trên thị trường.

Do đó, việc thực hiện Chương trình OCOP-BT sẽ góp phần phát triển sản xuất, sản phẩm, dịch vụ có trọng tâm, trọng điểm, tạo sức bật mới cho ngành nông nghiệp tỉnh trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục