Đầu tư hạ tầng, "điểm nhấn" cho thương mại vùng biên

07:04' - 02/08/2022
BNEWS Để thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới trong thời gian tới, Lạng Sơn cần được hỗ trợ trong đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực biên giới nhằm đưa Lạng Sơn phát triển đúng với tiềm năng thế mạnh.

Sau hơn hai năm bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, hoạt động thương mại biên giới, xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu trọng điểm tại Lạng Sơn đã dần hồi phục.

Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế khu vực biên giới còn bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt là việc ùn ứ hàng hóa vẫn xảy ra không chỉ do nguyên nhân Trung Quốc tăng cường kiểm dịch, mà còn do yếu tố hạ tầng thương mại đòi hỏi địa phương cần có giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn Liễu Anh Minh để hiểu rõ thêm về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Ông có thể đánh giá khái quát về tình hình phát triển thương mại biên giới trên địa bàn sau 2 năm chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19?

Ông Liễu Anh Minh: Là cửa ngõ trong thông thương xuất nhập khẩu hàng hóa lớn của cả nước, hoạt động thương mại biên giới, xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu trọng điểm tại tỉnh Lạng Sơn trong 2 năm qua đã bị tác động phần nào bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19.

 

Thêm vào đó, Trung Quốc cũng thường xuyên thay đổi cơ chế chính sách như ban hành lệnh 248 và 249 về an toàn thực phẩm, kiểm soát về chất lượng hàng hóa an toàn thực phẩm và quy trình về truy xuất nguồn gốc hàng hóa đối với các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, khiến hoạt động thương mại qua tỉnh có giai đoạn rơi vào tình trạng ùn ứ hàng hóa lớn.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực của sở ban ngành và sự phối hợp của các tổ chức; doanh nghiệp, người dân tỉnh Lạng Sơn đã thành công trong thiết lập các “vùng đệm”, giữ vững các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị và Chi Ma là “vùng xanh”.

Đây là cơ sở để duy trì hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc. Qua đó, Trung Quốc đã nhất trí phương thức giao nhận hàng hóa theo hướng xe Trung Quốc vào thẳng bãi Xuân Cương tại cặp cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan để sang tải hàng hóa.

Phương thức này bước đầu thực hiện thí điểm từ 10/6/2022 – 20/6/2022 và ghi nhận lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tăng 30%. Bên cạnh đó, Lạng Sơn đang thực hiện thí điểm nền tảng Cửa khẩu số nhằm quản lý tổng thể và toàn diện hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu của tỉnh trên nền tảng công nghệ số.

Sau hơn hai năm bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình hình dịch bệnh COVID-19, hoạt động thương mại biên giới, xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu trọng điểm tại tỉnh Lạng Sơn đã dần hồi phục. Lượng xe xuất nhập khẩu qua tỉnh Lạng Sơn sang thị trường Trung Quốc hiện dao động từ khoảng 700 - 800 xe/ngày; trong đó lượng xe xuất khẩu nông sản khoảng tầm 400 xe.

Hoạt động thông quan hành hóa của tỉnh chủ yếu ở 4 cửa khẩu là Tân Thanh, Hữu Nghị, Đồng Đăng và Chi Ma. So với năm trước, số lượng xe hàng hóa xuất khẩu hiện đã tăng trên 50%, đáp ứng phần nào nhu cầu xuất khẩu hoa quả và nông sản lớn của các tỉnh, địa phương.

PV: Sản xuất ở các khu vực biên giới vẫn còn nhỏ lẻ, năng lực thông quan tại các cửa khẩu còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu chính ngạch. Theo ông, cần có giải pháp nào để khắc phục tình trạng này, nhất là trong bối cảnh nhiều nước thắt chặt các quy định về hàng hóa sau dịch COVID-19?

Ông Liễu Anh Minh: Từ năm 2021 đến nay, Trung Quốc đã triển khai áp dụng vận hành lệnh 248 và 249 định hướng dần xuất khẩu nông sản đến thị trường Trung Quốc; đồng thời chuyển sang xuất khẩu chính ngạch theo các thông lệ quốc tế và các quy chuẩn của Trung Quốc đặt ra.

Hiện nay, các sản phẩm nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đều qua các của khẩu lớn tại tỉnh Lạng Sơn như Tân Thanh, vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu về xuất khẩu chính ngạch.

Đối với vấn đề này, tỉnh Lạng Sơn đã tham mưu tới các bộ, ngành về việc triển khai đồng bộ các giải pháp xuất khẩu hàng hóa chính ngạch sang thị trường Trung Quốc để hỗ trợ các vấn đề liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, vùng trồng, sơ chế nông sản hàng hóa và hướng dẫn bảo quản đóng gói bao bì theo quy định của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng vào thông tin tuyên truyền, nâng cao năng lực, kiến thức và phương thức kinh doanh, để doanh nghiệp và người dân nhận thức được những lợi ích của việc xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

PVÔng có kiến nghị gì để thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới trên địa bàn?

Ông Liễu Anh Minh: Để thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới trong thời gian tới, đối với các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, tỉnh Lạng Sơn đã gửi văn bản khuyến nghị tới các đơn vị bộ ngành trung ương về việc hỗ trợ tỉnh trong đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực biên giới nhằm mục đích đưa tỉnh Lạng Sơn phát triển đúng với tiềm năng thế mạnh.

Ngoài ra, tỉnh có kiến nghị Việt Nam cần tích cực đàm phán với Trung Quốc nhằm mở cửa và mở rộng hơn các mặt hàng xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.

PVNgày 25/2/2021, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tình hình triển khai thực hiện Chương trình trên của địa phương như thế nào, thưa ông?

Ông Liễu Anh Minh: Về việc thực hiện Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Lạng Sơn vừa qua đã triển khai chỉ đạo triển khai một số giải pháp cụ thể. 

Tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TU ngày 25/06/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển thương mại, dịch vụ tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng năm 2030. Trong đó đề ra những mục tiêu, giải pháp về phát triển hạ tầng thương mại biên giời nói riêng và phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ tại tỉnh Lạng Sơn nói chung.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 192/KH-UBND ngày 27/09/2021 về phát triển thương mại, dịch vụ, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hiện nay, sở cũng đang tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án “Phát triển hạ tầng chợ biên giới, miền núi trên địa bản tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

PVĐể phát triển hạ tầng thương mại tại địa phương, ngoài nguồn vốn ngân sách Nhà nước vẫn cần nguồn vốn của địa phương, đặc biệt là nguồn vốn huy động xã hội hóa. Ông đề xuất giải pháp gì cho vấn đề này?

Ông Liễu Anh Minh: Để huy động nguồn vốn huy động xã hội hóa, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành nhiều chính sách thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư. Hiện nay, UBND tỉnh Lạng Sơn đang tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ đầu tư tại tỉnh; riêng đối với ngành công thương có tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ nông thôn.

Chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng chợ nông thôn đã được ban hành từ cuối năm 2017, tuy nhiên đến nay để phù hợp với tình hình thực tiễn, tỉnh Lạng Sơn đã có những sửa đổi và ban hành chính sách mới phù hợp hiệu quả hơn.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung làm tốt công tác quy hoạch, thu hút đầu tư, nhằm xã hội hóa và thu hút các dự án lớn, trọng điểm có tầm quan trọng trong phát triển thương mại biên giới của cả nước.

PVXin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục