Đầu tư vào nông nghiệp: Vẫn là cơ chế

15:29' - 19/02/2016
BNEWS Ngày 19/2, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức cuộc họp nhóm công tác thu hút đầu tư nông nghiệp nông thôn.
Tháo gỡ khó khăn trực tiếp cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Để tháo gỡ khó khăn trực tiếp cho doanh nghiệp hàng đầu đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, ngày 19/2, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức cuộc họp nhóm công tác thu hút đầu tư nông nghiệp nông thôn.

Làm chủ 12 nhà máy chế biến cà phê, gạo, tiêu, điều nhưng ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex cho rằng doanh nghiệp mình chủ yếu vẫn là chế biến thô.

Khi xuất khẩu vào các thị trường chính như EU, Mỹ… đối với hàng chế biến phải đóng thuế cao dù Việt Nam đã tham gia TPP, FTA thì chi phí này sẽ giảm.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Hà Nam, để đầu tư chế biến tinh, sâu thì chi phí để đầu tư khá lớn, khoảng 20 triệu USD/nhà máy. Nghịch lý ở chỗ doanh nghiệp Việt Nam quá yếu lại sợ không dám đầu tư.

Khi có doanh nghiệp dám đầu tư mạnh thì những công ty nước ngoài sẵn sàng mua lại ngay với giá cao nên các doanh nghiệp cũng sẵn sàng bán ngay.

Ông Đỗ Hà Nam kiến nghị, muốn làm lớn nên bắt đầu từ cái nhỏ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xây dựng mô hình mẫu, đầu tư vào khu vực, sản phẩm cụ thể để tạo nên được sản phẩm giá trị, thế mạnh cho sản phẩm Việt Nam.

Chẳng hạn như cà phê đạt tiêu chuẩn 4C, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng mua và trả giá cao. Doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất đi bàn với nông dân thì được, nhưng đến chính quyền thì gây khó khăn, đòi phí nọ, chi phí kia, cuối cùng không làm được.

Đầu tư gần 10.000 tỷ đồng cho hai nhà máy sản xuất giấy, nhưng Công ty cổ phần Giấy An Hòa đi vào hoạt động vẫn hàng ngày phải “ăn đong”.

Được quy hoạch 700 ha cho vùng nguyên liệu, nhưng đến khi công ty hoạt động còn hơn 100 ha, diện tích có rừng thực sự chỉ còn được 25.000 – 30.000 ha.

“Trở đi trở lại vẫn chỉ là cơ chế. Đồng hành với doanh nghiệp phải có chính sách thực sự vào cuộc”, đại diện Công ty giấy An Hòa nhấn mạnh.

Đồng tình quan điểm trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Nafood Group cho rằng, cơ chế rất quan trọng. Doanh nghiệp lớn có quan hệ tốt thì được, còn doanh nghiệp nhỏ thì chưa được gì.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, ngành nông nghiệp cần quy hoạch những cây có thị trường, tiềm năng gắn với những doanh nghiệp và tập trung giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Có quy hoạch, chiến lược để định hướng cho các doanh nghiệp, địa phương.

Xuất khẩu sản phẩm tôm sang thị trường Nhật Bản chiếm 25% sản lượng của công ty và cũng là thị trường lớn thứ hai, nhưng Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú lại bị vấp phải khó khăn trong kiểm soát về an toàn thực phẩm của thị trường này do doanh nghiệp khác gây ra.

Bởi trước đây, doanh nghiệp không phải chịu sự kiểm tra của Nhật Bản, nhưng sau khi có một số doanh nghiệp đưa những mặt hàng có chứa kháng sinh và bị phát hiện (có 9/13 doanh nghiệp Việt Nam) nên doanh nghiệp cũng bị kiểm soát theo.

Nhật Bản đánh giá sản phẩm trên cương vị quốc gia chứ không đánh giá theo doanh nghiệp. Do đó, những doanh nghiệp kinh doanh minh bạch bị ảnh hưởng lớn bởi những doanh nghiệp kinh doanh trục lợi.

Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần làm việc với Nhật Bản để có những chính sách riêng cho những doanh nghiệp minh bạch, kinh doanh chân chính, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú kiến nghị.

Tại cuộc họp, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương đánh giá, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiều sáng kiến hay mà không làm được vì phụ thuộc nhiều bộ, ngành khác.

Tư duy trong bộ máy không phải nông nghiệp đi xin ngân hàng, tài chính… mà phải xác định đây là trách nhiệm chung.

Trước những khó khăn của từng doanh nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chỉ đạo trực tiếp các cục, vụ liên quan xử lý nghiêm túc, triệt để có hiệu quả những vấn đề được phân công, từ đó có thể sửa đổi cơ chế chính sách cho ngành ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục