Đẩy mạnh các dịch vụ thuế điện tử

08:17' - 03/04/2020
BNEWS Trong thời gian qua, ngành thuế đã triển khai mạnh mẽ các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong thu nộp thuế, nhằm giảm thời gian chi phí và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.

Cải cách thủ tục hành chính là một trong những yêu cầu quan trọng trong quá trình xây dựng thể chế của ngành thuế nhằm tạo thuận lợi và tăng hiệu quả quản lý, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người nộp thuế.

Hiện nay, cùng với việc nâng cao ứng dụng công nghê thông tin, tinh giảm bộ máy nhân lực, ngành thuế còn phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đạt mục tiêu trên.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong thời gian qua, ngành thuế đã triển khai mạnh mẽ các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong thu nộp thuế, nhằm cải cách thủ tục hành chính giảm thời gian chi phí và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp khi làm các thủ tục về thuế.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, đến nay, cơ bản các thủ tục hành chính về thuế của doanh nghiệp đã được thực hiện qua phương thức điện tử với 133/304 thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến đạt mức độ 3, mức độ 4.

Đã có trên 99% doanh nghiệp tham gia khai thuế điện tử; phối hợp với 54 ngân hàng thương mại triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử với trên 99% doanh nghiệp tham gia. Việc hoàn thuế điện tử cũng được trên 93% số doanh nghiệp hoàn thuế tham gia.
Tổng cục Thuế cũng vừa triển khai cung cấp dịch vụ cho người dân được nộp lệ phí trước bạ qua mạng trực tuyến đối với ô tô, xe máy ký tại địa bàn Hà Nội và  Thành phố Hồ Chí Minh kể từ ngày 12/03/2020.

Theo Tổng cục Thuế, đây là giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ điện tử hóa các thủ tục hành chính qua phương thức dịch vụ công trực tuyến cũng như tạo thuận lợi cho người nộp thuế dịch vụ được nộp lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy.
Trước mắt người nộp thuế đăng ký ô tô, xe máy tại hai thành phố này có thể nộp lệ phí trước bạ điện tử thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia của Chính phủ, các kênh thanh toán trực tuyến của Ngân hàng Vietcombank, VietinBank, Agribank, VPBank, MBbank, BIDV và Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (Napas, Momo) mà không cần sử dụng tiền mặt cũng như không cần đến trực tiếp ngân hàng hay kho bạc để nộp lệ phí trước bạ như trước đây.

Ngoài ra, với dịch vụ này, người nộp lệ phí trước bạ không phải sử dụng chứng từ giấy để làm thủ tục tại Cơ quan đăng ký xe.
Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, lại là tháng cao điểm quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân năm 2019, các cục thuế đã có nhiều hình thức hỗ trợ người nộp thuế, cũng như tiếp nhận hồ sơ quyết toán thuế thông qua bưu điện và qua mạng điện tử.
Ông Nguyễn Tiến Trường, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, nhằm giúp giảm thời gian chờ để thực hiện thủ tục hành chính, phục vụ tốt nhất cho người nộp thuế, đầu tháng 3 vừa qua, Cục Thuế Hà Nội triển khai thí điểm Hệ thống Tax Booking để nộp hồ sơ quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân trong Tháng đồng hành cùng người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2019. 
Theo đó, hệ thống Tax Booking cho phép người nộp thuế đặt trước lịch làm việc với cơ quan thuế, khai báo số lượng hồ sơ để cơ quan thuế có thể phục vụ tốt nhất yêu cầu của người nộp thuế.
Chị Nguyễn Thị Thu, kế toán một công ty chuyên về nông sản tại Hà Nội cho biết, công ty chị đã khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử. Công ty cũng đã đăng ký gửi hồ sơ quyết toán thuế bằng phương thức điện tử. Khi đến xác nhận nộp thuế, chị được giải quyết rất nhanh chóng, giảm rất nhiều thời gian so với trước kia.
Cùng với cải cách thủ tục hành chính, việc tổ chức bộ máy cơ quan thuế cũng được Bộ Tài chính chú trọng triển khai. Từ năm 2018, theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc phê duyệt kế hoạch sắp xếp, sáp nhập Chi cục Thuế quận, huyện, thị xã, thành phố thành Chi cục Thuế khu vực thuộc Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng cục Thuế đã xây dựng Đề án đến năm 2020 thực hiện sắp xếp, hợp nhất khoảng 548 chi cục thuế quận, huyện, thị xã, thành phố của 63 cục thuế thành 257 chi cục thuế khu vực; giảm 291 chi cục thuế còn 420 chi cục thuế cấp huyện trong hệ thống thuế.
Tuy nhiên, ngay từ tháng 2/2020, Tổng cục Thuế đã hoàn thành vượt thời gian trước 10 tháng kế hoạch này. Từ đó, toàn hệ thống thuế đã giảm số lượng chi cục thuế trong cả nước và số cán bộ công nhân viên. Cụ thể, giảm 62 trưởng phòng, 296 chi cục trưởng, 2.100 đội trưởng; số cán bộ thuế phục vụ gián tiếp (không trực tiếp tiếp xúc với người nộp thuế) giảm hơn 850 người.
Theo ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, các Chi cục Thuế khu vực đã ổn định tổ chức bộ máy, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu thu chi ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội của từng huyện, thị xã, thành phố theo dự toán ngân sách được giao, qua đó góp phần để 63/63 địa phương hoàn thành và hoàn thành dự toán thu thuế năm 2019.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng cho biết, việc luân chuyển, luân phiên, điều động, chuyển đổi vị trí công tác trong thời gian qua đã đáp ứng yêu cầu cải cách và hiện đại hoá  quản lý thuế, ngăn chặn phòng ngừa tham nhũng và đào tạo bồi dưỡng công chức nắm bắt nhiều lĩnh vực công tác, phục vụ công việc, tạo thuận lợi cho giảm bớt các thủ tục hành chính.
Theo Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới đánh giá năm 2020, thời gian nộp thuế của Việt Nam giảm 300 giờ so với năm 2014 và giảm 114 giờ so với năm 2019; xếp hạng về chỉ số nộp thuế trong 4 năm qua đã tăng 64 bậc (từ thứ 173 lên 109/190).
Tuy nhiên, thủ tục hành chính thuế vẫn còn hạn chế. Đó là có nơi vẫn còn phức tạp, gây khó khăn cho người nộp thuế và hoạt động kinh doanh; còn có tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, cán bộ vi phạm, phải xử lý; việc ứng dụng công nghệ thông tin còn chậm; xếp hạng quốc tế về chỉ số nộp thuế tuy đã được cải thiện nhưng vẫn thấp...
Do đó, trong thời gian tới, để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, Tổng cục Thuế cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, thủ tục về đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, miễn giảm thuế minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện phù hợp với định hướng cải cách thủ tục hành chính và các quy định chính sách cũng như thông lệ quốc tế hiện hành.
Đồng thời, Tổng cục Thuế triển khai áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế trên toàn quốc thông qua việc ban hành các bộ tiêu chí xác định, phân loại rủi ro và các quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý đăng ký thuế, khai thuế.
Tổng cục sẽ đẩy mạnh triển khai các dịch vụ thuế điện tử hướng đến mục tiêu tối thiểu 65% tổ chức, doanh nghiệp thực hiện đăng ký thuế điện tử, 95% doanh nghiệp khai thuế điện tử, 95% doanh nghiệp nộp thuế điện tử, các khoản thanh toán điện tử chiếm trên 75% giá trị của tổng số thu thuế đối với các sắc thuế chính, thực hiện hoàn thuế điện tử trong toàn quốc; áp dụng chế độ kế toán thuế nội địa trong toàn quốc.
Tổng cục Thuế cũng cho biết sẽ phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp thông qua việc đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ thuế điện tử, triển khai có hiệu quả hoá đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế, dịch vụ một cửa điện tử và hỗ trợ trực tuyến tập trung tại Tổng cục Thuế.
Theo đó, ngành thuế chú trọng phát triển các ứng dụng phục vụ quản lý rủi ro trong quản lý thuế và Kho cơ sở dữ liệu cũng như hệ thống khai thác dữ liệu, tổng hợp báo cáo phục vụ quản lý thuế theo hướng tập trung; xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng đối với từng vị trí cán bộ công nghệ thông tin và tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ sử dụng, khai thác ứng dụng công nghệ thông tin cho 100% cán bộ thuế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục