Đẩy mạnh sử dụng hồ sơ điện tử khi giải quyết thủ tục hành chính

14:51' - 20/01/2025
BNEWS Sử dụng các hồ sơ điện tử để thay thế giấy tờ khi thực hiện các thủ tục hành chính đang trở thành xu hướng tất yếu.
Các sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện giải pháp cho phép sử dụng các hồ sơ điện tử để thay thế giấy tờ khi thực hiện các thủ tục hành chính, tránh yêu cầu người dân phải đính kèm thêm nhiều loại thủ tục giấy tờ không cần thiết. Đây là chỉ đạo của ông Đồng Văn Thanh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang tại Hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính; dân vận chính quyền và thực hiện Đề án 06/CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh năm 2024 do UBND tỉnh tổ chức, chiều 19/1.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị, các sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, cho phép sử dụng các hồ sơ điện tử tích hợp trên bảng định danh điện tử để thay thế giấy tờ khi thực hiện các thủ tục hành chính. Đồng thời, có phương án cắt giảm các thành phần hồ sơ khi dữ liệu đã được số hóa, tránh yêu cầu người dân phải đính kèm thêm nhiều loại thủ tục giấy tờ không cần thiết khi dữ liệu đã được số hóa và hoàn thành tối thiểu 50% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết; có phương án tái cấu trúc quy trình giải quyết thủ tục hành chính hoàn thành trong quý II năm 2025.

Các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp Công an tỉnh làm sạch các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đảm bảo đồng bộ, hiệu quả với các dữ liệu tham gia theo hướng dẫn của Trung ương. Công an tỉnh phối hợp các cơ quan liên quan chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án 06/CP năm 2025, nội dung công việc phải thể hiện rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm.

 
Trong thực hiện công tác cải cách hành chính, dân vận chính quyền, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ; triển khai nhân rộng các mô hình, sáng kiến, cách làm hay để mang lại hiệu quả thiết thực phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng ứng dụng chuyển đổi số trong cải cách hành chính; tập trung phát triển hạ tầng số, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời việc công bố công khai thủ tục hành chính và kết quả giải quyết hồ sơ trên cổng dịch vụ công; có giải pháp nâng chất hoạt động bộ phận một cửa, hoàn thành kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính, giảm thiểu tỷ lệ trễ hạn trong giải quyết thủ tục.

Các cấp, ngành tiếp tục có giải pháp thực hiện hiệu quả công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân và giải quyết kịp thời, dứt điểm những vấn đề liên quan đến quyền lợi của nhân dân; tạo điều kiện để Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tiếp tục triển khai thực hiện các mô hình “Dân vận khéo”. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện công tác dân vận.

Năm 2024, tỉnh Hậu Giang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuẩn hóa bộ thủ tục, kịp thời cập nhật, sửa đổi, bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp. Chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật được nâng lên; thủ tục hành chính được niêm yết công khai đầy đủ và đúng quy định tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tra cứu. Trong năm, các cấp trong tỉnh tiếp nhận trên 374.160 hồ sơ, đã giải quyết 371.185 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 99,26%.

Tỉnh đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại 100% cơ quan cấp tỉnh, huyện, xã; hệ thống triển khai tập trung, đồng bộ; hệ thống đã liên thông và cập nhật thủ tục hành chính của tỉnh lên Cổng dịch vụ công Quốc gia.Trong năm, các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh Hậu Giang triển khai thực hiện tốt các nội dung công tác dân vận chính quyền, mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và chính quyền ngày càng được thắt chặt, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố. Từ đó đã tác động tích cực, tạo ra chuyển biến tốt về cách nghĩ, cách làm, cũng như phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên và người lãnh đạo theo hướng gần dân, tôn trọng dân và có trách nhiệm với dân, góp phần hạn chế quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác.

Các cấp trong tỉnh đã tổ chức được 155 cuộc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân với 12.318 đại biểu tham dự và xử lý trên 20.290 ý kiến phản ánh, kiến nghị. Các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn quan tâm triển khai, tuyên truyền về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, không tín ngưỡng tôn giáo, đảm bảo nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, phát huy dân chủ trong mọi tầng lớp nhân dân; triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong thực hiện Đề án 06/CP, UBND tỉnh xác định 43 nhiệm vụ cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện liên quan đến công tác tuyên truyền, làm sạch dữ liệu dân cư; cấp, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, triển khai các tiện ích của thẻ căn cước gắn chíp, ứng dụng VNeID; các dịch vụ công thiết yếu; bố trí kinh phí, nguồn nhân lực; đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; rà soát, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; triển khai các nhiệm vụ được giao về xây dựng Trung tâm dữ liệu Quốc gia; không dùng tiền mặt; cấp phiếu lý lịch tư pháp, triển khai sổ sức khỏe điện tử trên VNeID; làm sạch các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đảm bảo theo tiến độ kế hoạch đề ra.

Đến nay, tỉnh đã hoàn thành 23 nhiệm vụ, 8 nhiệm vụ thực hiện thường xuyên, 12 nhiệm vụ đang thực hiện theo tiến độ của Đề án 06/CP, không có nhiệm vụ chưa hoàn thành.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục