"Dậy sóng" tranh luận về bản quyền giữa các doanh nghiệp công nghệ và ngành báo chí

20:32' - 01/05/2024
BNEWS Ngày 30/4, 8 tờ báo ở Mỹ đã đệ đơn kiện OpenAI - công ty mẹ của ChatGPT, và "ông lớn" công nghệ Microsoft với cáo buộc vi phạm bản quyền.
Các báo tham gia khởi kiện lên tòa án liên bang ở New York gồm New York Daily News, Chicago Tribune, Denver Post, MediaNews Group’s Mercury News, Orange County Register, St. Paul Pioneer-Press, Tribune Publishing’s Orlando Sentinel, và South Florida Sun Sentinel. Tất cả các tờ báo này đều thuộc sở hữu của Tập đoàn Alden Global Capital.

 
Đơn kiện cáo buộc OpenAI và Microsoft đã đánh cắp hàng triệu tin bài có bản quyền hoặc không trả tiền sử dụng tin bài cho việc huấn luyện cho các chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) của những doanh nghiệp này. Các báo này cho biết họ đã phải chi hàng tỷ USD cho việc thu thập thông tin và đưa tin và sẽ không cho phép OpenAI và Microsoft tiếp tục đánh cắp nội dung nhằm phục vụ hoạt động của mình mà không phải trả tiền. 

Microsoft từ chối bình luận về thông tin trên, trong khi đó, OpenAI cho biết doanh nghiệp này trước đó chưa biết đến những mối quan ngại của Alden Global Capital và OpenAI đã tiếp xúc với nhiều tổ chức tin tức trên khắp thế giới để tìm kiếm cơ hội, thảo luận những mối quan ngại và đưa ra các giải pháp.

Ngoài các tờ báo trên, OpenAI và Microsoft cũng đang phải đối mặt với những vụ kiện vi phạm bản quyền từ tờ New York Times và một số tác giả nổi tiếng như John Grisham, Jodi Picoult và George R.R. Martin tại New York. Hai doanh nghiệp công nghệ này cũng đang bị kiện tại một tòa án liên bang ở San Francisco. 

Các doanh nghiệp công nghệ thường lập luận rằng việc lấy nội dung được công khai trên Internet để huấn luyện các hệ thống AI được bảo vệ bởi luật sở hữu trí tuệ Mỹ.

Trong một số trường hợp, những doanh nghiệp này tránh các thách thức pháp lý bằng việc trả tiền cho các hãng tin. 

Hãng tin AP của Mỹ năm ngoái đã đồng ý hợp tác với OpenAI qua đó OpenAI sẽ trả một khoản phí để được tiếp cận kho tin của AP. OpenAI cũng đã ký thỏa thuận với một số doanh nghiệp truyền thông khác bao gồm Axel Springer ở Đức và Prisa Media ở Tây Ban Nha, báo Le Monde của Pháp và mới đây nhất là tờ Financial Times có trụ sở ở London (Anh).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục