ĐBSCL tạo đột phá về chỉ số PCI - Bài cuối: Những vấn đề cần cải thiện

14:25' - 01/07/2020
BNEWS Các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long trong thời gian tới sẽ có nhiều lợi thế để nâng cao chỉ số PCI, từ đó góp phần tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương
Phân tích môi trường kinh doanh của khu vực ĐBSCL qua kết quả PCI, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI nhận định, điểm số PCI trung vị của khu vực vẫn duy trì được xu hướng tăng dần qua các năm, cụ thể: Giai đoạn 2015 - 2019, điểm PCI trung vị đã tăng 10%, tương đương với 5,95 điểm, từ 59,04 điểm năm 2015 lên 64,99 điểm ở năm 2019.

Tuy nhiên, trong khi xu hướng hội tụ điểm số PCI giữa các tỉnh, thành của cả nước đang dần thu hẹp lại khoảng cách thì các tỉnh ĐBSCL lại có xu hướng hội tụ trong hai năm 2016 - 2017 và có xu hướng giãn ra khoảng cách trong điều hành kinh tế từ năm 2017- 2019.

Khoảng cách chênh lệch điểm số PCI giữa tỉnh đứng đầu và tỉnh đứng cuối bảng xếp hạng của cả nước vào năm 2015 là 19,35 điểm, năm 2016 là 17,01 điểm, đến năm 2019 chênh lệch điểm số giảm chỉ còn 13,45 điểm.

Ngược lại, đối với các tỉnh ĐBSCL khoảng cách chênh lệch điểm số PCI giữa tỉnh đứng đầu và tỉnh đứng cuối năm 2015 là 11,99 điểm, năm 2016 là 7,71 điểm, đến năm 2019 tăng lên 8,90 điểm.

Một mặt, điều này chỉ ra rằng trong xu hướng chung các tỉnh, thành cả nước nỗ lực cải thiện điểm số PCI, các tỉnh ĐBSCL cũng đã có sự bứt phá cải thiện điểm số PCI, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế từ trung bình lên khá, tốt và rất tốt. Mặt khác, điều này cũng ghi nhận sự cải thiện về điểm số PCI ở các tỉnh còn lại vẫn còn khá chậm và có dấu hiệu chững lại theo thời gian.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, bên cạnh kết quả đạt được, ĐBSCL vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Tăng trưởng kinh tế của khu vực luôn cao hơn bình quân cả nước qua một thập niên nhưng đang có dấu hiệu thiếu bền vững. Thực tế cho thấy, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực đang có xu hướng giảm dần và giãn cách ngày càng lớn so với cả nước.

Cụ thể, năm 2015 đóng góp kim ngạch xuất khẩu của ĐBSCL đối với cả nước chiếm 7,3% thì đến năm 2019 chỉ đạt 7%. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2015-2019 của cả nước đạt 15,8% thì ĐBSCL chỉ đạt 14%.

Ông Nguyễn Phương Lam băn khoăn, thu hút FDI của ĐBSCL cũng khác biệt so với cả nước. Theo thống kê, những quốc gia đứng đầu về đầu tư FDI của cả nước là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore; tại ĐBSCL, Trung Quốc và Thái Lan là 2 quốc gia đầu tư nhiều nhất.

Vốn bình quân dự án vào ĐBSCL năm 2019 là 6,85 triệu USD, cả nước là 11,8 triệu USD. Nghịch lý là vùng nông nghiệp nhưng ĐBSCL lại không có dự án FDI vào lĩnh vực này.

Ngoài ra, số doanh nghiệp của khu vực cũng ngày càng ít dần so với cả nước. Năm 2015, cả nước có 442,414 doanh nghiệp thì ĐBSCL có 32.588 doanh nghiệp; đến năm 2019 cả nước có 758.610 doanh nghiệp thì vùng chỉ có 55.089 doanh nghiệp. ĐBSCL hiện chỉ đạt 3,4 doanh nghiệp/1.000 dân, thấp hơn bình quân chung của cả nước là 7,9 doanh nghiệp/1.000 dân.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, kết quả PCI 2019 cho thấy khu vực ĐBSCL vẫn còn tồn tại những vấn đề cần cải thiện ở các cấp chính quyền địa phương như tăng cường gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp ở nhiều cấp độ chung của tỉnh, theo lĩnh vực từng sở ngành, theo nhóm doanh nghiệp với những vấn đề chung và cần có sự tham gia của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa.

Các tỉnh cần xây dựng lộ trình để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân siêu nhỏ, nhỏ và vừa trên địa bàn, chương trình thúc đẩy hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp.

Mặt khác, các cơ quan chính quyền địa phương cần tăng cường công khai minh bạch thông tin trên website cơ quan chính quyền, đặc biệt là việc đăng tải các thông tin như quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương, các dự án đầu tư công, đấu thầu, các dự án đối tác công tư.

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Võ Tân Thành đề nghị, các tỉnh ĐBSCL cần cải thiện về chi phí gia nhập thị trường, đặc biệt là các chi phí sau khi doanh nghiệp thành lập xong. Bên cạnh đó, các tỉnh trong khu vực hạn chế đến mức tối thiểu việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.

Dù đã có quy định mỗi năm doanh nghiệp tối đa chỉ tiếp một đoàn kiểm tra, tuy nhiên thực tế doanh nghiệp vẫn phải tiếp rất nhiều đoàn kiểm tra, đây được xem là gánh nặng của các doanh nghiệp hiện nay.

Ngoài ra, khu vực cần quan tâm nhiều hơn dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ; đồng thời, các địa phương cần giải quyết tốt điểm nghẽn về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kể cả việc đào tạo phổ thông, đại học, dạy nghề và giải quyết việc làm.

Ông Võ Tân Thành cho rằng, với tiềm năng, lợi thế sẵn có kết hợp với chính quyền năng động, quyết tâm cao, các tỉnh ĐBSCL trong thời gian tới sẽ có nhiều lợi thế để nâng cao chỉ số PCI, từ đó góp phần tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục