Để cá ngừ đại dương tiếp tục vươn xa

07:05' - 05/03/2017
BNEWS Bình Định đang thực hiện Dự án Chuyển giao Công nghệ, Ngư cụ khai thác cá ngừ đại dương của Nhật Bản cho ngư dân tỉnh Bình Định nhằm hiện đại hóa nghề cá ngừ theo hướng hiệu quả và bền vững.
Ngư dân huyện Hoài Nhơn, Bình Định chuẩn bị chế biến cá ngừ đại dương sau chuyến đi biển khai thác xa bờ. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Bình Định có nhiều tàu thuyền khai thác xa bờ và khai thác cá ngừ đại dương trên biển. Sản lượng khai thác ngày càng tăng cao, năm sau cao hơn năm trước nhưng hiệu quả kinh tế chưa đạt như kỳ vọng.

Để tạo bước đột phá, từ năm 2015 đến nay, lãnh đạo tỉnh Bình Định phối hợp với Tập đoàn KATO Nhật Bản thực hiện Dự án Chuyển giao Công nghệ, Ngư cụ khai thác cá ngừ đại dương của Nhật Bản cho ngư dân tỉnh Bình Định nhằm hiện đại hóa nghề cá ngừ theo hướng hiệu quả và bền vững. 

Hiệu quả bước đầu 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh ông Phan Trọng Hổ cho biết, nội dung chính của Dự án là phía Nhật Bản chuyển giao công nghệ khai thác, sơ chế, bảo quản cá ngừ đại dương.

Đồng thời, dự án hỗ trợ tổ chức khai thác, sơ chế bảo quản trên biển, hậu cần vận chuyển vào bờ; hướng dẫn đánh giá phân loại chất lượng cá ngừ đại dương; xúc tiến thương mại; tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Thời gian thực hiện từ tháng 9/2015 - tháng 4/2017.

Tỉnh Bình Định đầu tư hơn 10,3 tỷ đồng và phía Nhật Bản hỗ trợ khoảng 17,28 tỷ đồng (gồm: 25 bộ ngư cụ và chi phí chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản, hỗ trợ xúc tiến thương mại để tiêu thụ cá ngừ tại Nhật Bản).

Các bên Liên danh là Công ty KATO-JAMADA Nhật Bản; UBND tỉnh Bình Định (Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định), chủ tàu và ngư dân 25 tàu câu cá ngừ tỉnh Bình Định và Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO). Đối tác Nhật Bản có 4 công ty tham gia gồm KATO, JAMADA, DAISUI và DAIKI.

Các công ty này liên kết để sản xuất, cung cấp thiết bị, ngư cụ khai thác cá ngừ, hướng dẫn sử dụng và kỹ thuật khai thác, bảo quản cá ngừ cho ngư dân và cán bộ; xúc tiến tiêu thụ mặt hàng cá ngừ đại dương của dự án tại Nhật Bản. Ngoài ra, phía Nhật còn có sự tham gia tư vấn kỹ thuật của Khoa Thủy sản trường Đại học Kagoshima.

Để khuyến khích ngư dân áp dụng ngư cụ và công nghệ Nhật Bản, tỉnh Bình Định hỗ trợ chủ tàu tham gia dự án kinh phí cải tạo, nâng cấp hầm bảo quản 30 triệu đồng/tàu.

Đồng thời hỗ trợ công sức lao động cho ngư dân các tàu tham gia dự án thực hiện đúng quy trình kỹ thuật là 50.000 đồng/kg đối với cá ngừ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tươi đi Nhật (loại A) và 10.000đ/kg đối với cá loại B. Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định hỗ trợ 3.000 đồng/kg cá đối với các tàu tham gia dự án và 20% giá cá đối với cá xuất qua Nhật Bản.

Kết quả, từ tháng 1/2016 đến nay, đội tàu dự án khai thác và được kiểm tra đánh giá chất lượng là 3.431 con. Bình quân sản lượng đánh bắt khoảng 900 kg/tàu/chuyến; trong đó, cá có thời gian khai thác dưới 9 ngày (loại cá đủ điều kiện được kiểm tra chất lượng đưa đi Nhật Bản) là 1.243 con (chiếm 36,2% tổng sản lượng khai thác).

Số lượng cá đạt tiêu chuẩn chất lượng và xuất tươi đi Nhật Bản là 1.595 kg, đạt tiêu chuẩn phi lê (loại B) là 43.469 kg. Công ty BIDIFISCO tổ chức thu mua, đánh giá chất lượng và xuất cá đi Nhật Bản với sự hỗ trợ kỹ thuật của liên danh KATO-JAMADA.

Cá xuất sang Nhật Bản được đấu giá với mức giá tương đương so với giá cá của các nước trong khu vực như Indonesia và Philippines. 

Ngư dân huyện Hoài Nhơn Bình Định trở về sau chuyến đi biển đánh bắt cá ngừ đại dương. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN
Còn nhiều khó khăn 

Theo bà Cao Kim Lan, Giám đốc Công ty Thuỷ sản Bình Định ( BIDIFISCO), mặt hàng và thị trường tiêu thụ còn hạn chế trong khi thực hiện xuất khẩu tươi trực tiếp sang thị trường Nhật Bản chưa mang lại lợi nhuận cho công ty.

Bởi sản lượng cá đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất tươi nguyên con còn khiêm tốn khiến phí trung bình trên 1kg cá xuất sang Nhật Bản là khá cao.

Trong khi đó, doanh nghiệp không có sự hỗ trợ, bù đắp từ phía Nhà nước. Mặt khác các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Việt Nam từ trước đến nay quen với việc mua cá thông qua các chủ nậu vựa nên còn thiếu kinh nghiệm trong thu mua cá trực tiếp từ ngư dân.

Ngư dân La Tình, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn cho rằng, kể từ khi áp dụng công nghệ khai thác cá ngừ theo quy trình công nghệ Nhật Bản, việc sử dụng thiết bị và công nghệ mới chưa thuần thục nên ảnh hưởng đến chất lượng cá.

Một số thiết bị được chế tạo không phù hợp với điều kiện khai thác của ngư dân Việt Nam khiến nhiều ngư dân không sử dụng. Thời gian ngâm hạ nhiệt cá trước khi đưa vào hầm bảo quản còn dài, ảnh hưởng đến chất lượng cá.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Trần Châu cho rằng, đ ây là dự án mang tính chất thử nghiệm, chuyển giao, hoàn thiện công nghệ mới nên thời gian tới cần triển khai một số giải pháp đ ồng bộ như: xem xét hướng dẫn ngư dân nắm chắc về vận hành thiết bị và quy trình kỹ thuật khai thác, sơ chế, bảo quản cá ngừ đại dương.

Đồng thời, việc nghiên cứu, hoàn thiện thiết bị và quy trình công nghệ khai thác bảo quản cá ngừ của Nhật Bản để phù hợp với đặc điểm ngư trường, ngư dân được tính tới.

Đặc biệt, cần có giải pháp hoàn thiện; khắc phục tình trạng thịt cá bị cháy và xây dựng giải pháp vận chuyển cá vào bờ sớm. Vấn đề thị trường được tính tới; theo đó, từ khâu thu mua, chế biến cần chủ động đa dạng hóa sản phẩm cá ngừ tươi và tìm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Các hoạt động tiếp thị, quảng cáo để xây dựng thị trường tiêu thụ nội địa cho sản phẩm cá ngừ tươi chất lượng cao được chú trọng.

Ngoài ra, theo ông Trần Châu, mô hình chuỗi liên kết giá trị sản phẩm cá ngừ đại dương phải được tính tới; trong đó, việc hình th ành các đại lý thu mua được coi là một mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết từ khai thác đến tiêu thụ sản phẩm thủy sản.

Đồng thời, các bên liên quan tiếp tục giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án và ki ến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất Chính Phủ, JICA hỗ trợ kéo dài thời gian hoạt động của dự án; xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ cá ngừ ở ngoài nước ./.

>>>VASEP kiến nghị giảm thuế nhập khẩu cá ngừ Việt Nam vào Nhật Bản

>>>Nghề câu cá ngừ đại dương: Ngư dân chưa hết “lênh đênh”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục