Để cơ chế một cửa đường hàng không triển khai thông suốt

16:51' - 23/08/2017
BNEWS Đến thời điểm này, việc triển khai thí điểm cơ chế hải quan một cửa qua sân bay Nội Bài khá suôn sẻ.
Kiểm tra hàng hóa nhập khẩu tại Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: TTXVN
Cơ chế hải quan một cửa quốc gia qua đường hàng không đã được triển khai thí điểm tại Sân bay quốc tế Nội Bài từ ngày 1/1/2017. Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Phạm Duyên Phương, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, Tổng cục Hải quan về những khó khăn khi triển khai và các giải pháp để cơ chế này có thể thực hiện thông suốt trong thời gian tới, đồng thời mang lại lợi ích cho cả hành khách, doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Phóng viên: Việc triển khai cơ chế hải quan một cửa qua đường hàng không đã được triển khai thí điểm tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) và tới đây là sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh). Xin ông cho biết đâu là khó khăn lớn nhất của việc triển khai cơ chế này ?

Ông Phạm Duyên Phương: Thực tế là đến thời điểm này, việc triển khai thí điểm cơ chế hải quan một cửa qua sân bay Nội Bài khá suôn sẻ.

Trong lúc chờ hoàn thiện mọi cơ sở pháp lý cho việc triển khai nay, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các hãng hàng không quốc tế để thử nghiệm và tích hợp thông tin theo đúng các yêu cầu. Đến thời điểm này, bên Hải quan không gặp phải bất cứ vấn đề kỹ thuật nào.

Tuy nhiên, khi thực hiện cơ chế này qua đường hàng không, Tổng cục Hải quan cũng dự báo một số vướng mắc có thể xảy ra.

Theo đó, khi Quyết định của Thủ tướng có hiệu lực, lưu lượng giao dịch sẽ tăng lên rất lớn. Vì vậy các sự cố trên hạ tầng mạng là có thể xảy ra. Cùng đó là việc đảm bảo an ninh an toàn cho hệ thống này.

Thêm vào đó, trong giai đoạn đầu tiên khi doanh nghiệp chưa quen thì việc khai báo trên hệ thống chắc chắn sẽ có trục trặc.

Về mặt pháp lý, trong Quyết định Thủ tướng có điểm rất mới là lần đầu tiên chúng ta đưa vào việc tiếp nhận các thông tin theo thông lệ quốc tế.

Trước đây, chúng ta tiếp nhận thông tin về hành khách, hành lý, chuyến bay, hàng hoá trên chuyến bay. Vừa rồi, chúng ta đưa thêm nội dung nữa là đặt chỗ hành khách theo khuyến nghị an ninh của các tổ chức an ninh lớn trên thế giới.

Phải khẳng định đây là vấn đề rất mới ở Việt Nam và các hãng hàng không vẫn chưa sẵn sàng. Vì vậy, trong giai đoạn đầu sẽ có thể xảy ra trục trặc và có thể có độ trễ nhất định.

Phóng viên: Vậy Tổng cục Hải quan có những giải pháp gì để đảm bảo triển khai thành công cơ chế hải quan một cửa qua đường hàng không, thưa ông ?

Ông Phạm Duyên Phương: Để xử lý các khó khăn như dự báo, Tổng cục Hải quan đã tổ chức rất nhiều hội thảo với các hãng hàng không quốc tế để các doanh nghiệp này nắm bắt được thông tin và có sự chuẩn bị về mặt kỹ thuật cho hệ thống công nghệ thông tin khi kết nối vào hệ thống của cơ chế một cửa quốc gia này.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng ký những thoả thuận trao đổi, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau với 2 nhà cung cấp dịch vụ lớn nhất trên thế giới để cung cấp toàn bộ dịch vụ cho các hãng hàng không trong việc khai báo thông tin.

Tổng cục hải quan đã thiết lập bộ phận trực hệ thống 24/7 và các đường dây nóng để doanh nghiệp gặp khó khăn vướng mắc có thể điện thoại hoặc gửi thư điện tử trực tiếp vào hệ thống hỗ trợ này để bên Hải quan có thể hỗ trợ thông tin.

Riêng đối với nội dung đặt chỗ hành khách, Tổng cục Hải quan sẽ triển khai theo lộ trình để đảm bảo cho các hãng hàng không có thời gian chuẩn bị và sẵn sàng kết nối khi triển khai.

Hiện Tổng cục Hải quan cũng đang dự thảo một loạt quy trình xử lý của cơ quan Hải quan, kết nối với các cơ quan để xử lý sự cố, các biện pháp ứng phó.

Tổng cục Hải quan tin tưởng với việc chủ động triển khai các giải pháp này, cộng với kinh nghiệm xử lý hệ thống lớn mà Tổng cục Hải quan đã tích luỹ được trong những năm qua, hệ thống hải quan một cửa qua đường hàng không sẽ hoạt động suôn sẻ.

Phóng viên: Vậy theo ông đâu là điểm mới và những lợi ích mang lại của cơ chế hải quan một cửa qua đường hàng không ?

Ông Phạm Duyên Phương: Điểm mới quan trọng nhất là các hãng hàng không cung cấp thông tin cho cơ quan Chính phủ trong việc quản lý phương tiện vận tải hàng không.

Thực tế là các văn bản quy định quản lý phương tiện vận tải hàng không trên các sân bay quốc tế đã có rồi nhưng vẫn nằm rải rác ở các đơn vị khác nhau.

Ví dụ như Tổng cục Hải quan đã có Nghị định yêu cầu, thông tư hướng dẫn các hãng hàng không cung cấp thông tin về hành khách, hàng hoá và hành lý, về chuyến bay. Cơ quan an ninh cửa khẩu và quản lý xuất nhập cảnh thì có các yêu cầu về cung cấp trước thông tin về hành khách.

Cơ quan cảng vụ hàng không cũng có những yêu cầu về cung cấp thông tin phục vụ quản lý chung. Trước đây, tất cả các thông tin này đều cung cấp bằng bản giấy, trừ thông tin về hành khách là bằng điện tử. Do vậy, việc chia sẻ và sử dụng các thông tin này rất hạn chế bởi không có tính kết nối.

Tới đây khi triển khai hệ thống một cửa hải quan qua đường hàng không này, toàn bộ các thông tin liên quan sẽ nộp qua dạng điện tử và được liên kết với tất cả các hệ thống quản lý của cơ quan an ninh cửa khẩu, cơ quan xuất nhập cảnh, cảng vụ hàng không và cơ quan Hải quan.

Điểm mới thứ hai là lần đầu tiên chúng ta yêu cầu cung cấp thông tin đặt chỗ hành khách. Đây là khuyến nghị của rất nhiều diễn đàn, tổ chức trên thế giới như tổ chức hải quan thế giới, diễn đàn APEC để đảm bảo an ninh hàng không, đảm bảo an ninh quốc gia, ngăn chặn khủng bố, buôn lậu ma tuý.

Điểm mới nữa là khi thông tin được gửi đến một địa chỉ thì lập tức được tự động chia sẻ cho tất cả các cơ quan liên quan, kết nối tất cả các khâu. Hiện giờ, khâu kết nối thông tin hàng không vẫn đang còn là khoảng trống.

Đăc biệt, cơ quan Hải quan còn thực hiện tiếp việc cung cấp thông tin giữa các cơ quan quản lý kho bãi hàng không phục vụ cho công tác giám sát hải quan, từ đó rút ngắn thời gian thông quan.

Hiện nay, các thông tin này vẫn đang được xử lý thủ công nên không thể phục vụ hiệu quả cho hệ thống thông quan hải quan. Thời gian tới, khi các cơ quan liên quan có các thông tin này sớm, vô hình chung sẽ rút ngắn thời gian thông quan và hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp logistic, doanh nghiệp vận tải và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Phóng viên: Hạ tầng công nghệ thông tin đóng vai trò rất quan trọng trong triển khai cơ chế hải quan một cửa. Là cơ quan thường trực quốc gia trong thực hiện cơ chế này, xin ông cho biết phương án tổng thể đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin sẽ theo hướng nào để đáp ứng được các yêu cầu về rút ngắn thời gian thông quan, tại thuận lợi hoá thương mại và kết nối với cơ chế một cửa ASEAN ?

Ông Phạm Duyên Phương: Hạ tầng công nghê thông tin là yếu tố cốt lõi và quyết định thành công của cơ chế một cửa quốc gia. Chính phủ đã xác định đây là công cụ để hiện thực hoá cam kết của Chính phủ trong việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Vì vậy, Chính phủ sẽ đầu tư cho hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin này.

Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả hiệu lực và khả năng lan toả trong cộng đồng, bên cạnh nguồn lực chính từ ngân sách, Chính phủ cũng định hướng một số dịch vụ công nghệ thông tin sẽ được thực hiện theo hình thức xã hội hoá hoặc đối tác công tư. Một số dịch vụ có thể thuê theo Quy định 80 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thuê dịch vụ thông tin.

Hiện Tổng cục Hải quan đang xây dựng tất cả vấn đề này thành đề án tổng thể với các quy trình và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục