Để Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững - Bài 3: Pháp luật phải được thực thi nghiêm minh

10:37' - 28/09/2019
BNEWS Giải quyết quyền lợi chính đáng của người dân là cần thiết, tuy nhiên khi những hoạt động của họ đi ngược lại quyền lợi của đa số nhân dân thì pháp luật phải được thực thi nghiêm minh.
 Nhà thờ Cồn Dầu, Hòa Xuân, Cẩm Lệ sau khi chỉnh trang. Ảnh: Nguyễn Sơn - TTXVN

Trong khi đa số người dân Đà Nẵng đồng thuận chủ trương chỉnh trang, giải tỏa mở rộng không gian đô thị để cho thành phố phát triển thì đâu đó vẫn còn một số ít hộ dân cố chấp, cứ khư khư đòi hỏi quyền lợi một cách thái quá, không hòa chung vào sự phát triển của thành phố. 

Đó chính là số rất ít hộ dân tại dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân đã liên tục khiếu kiến vượt cấp nhiều năm nay. Giải quyết quyền lợi chính đáng của người dân là cần thiết, tuy nhiên khi những hoạt động của họ ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, đến quá trình phát triển của thành phố và đi ngược lại quyền lợi của đa số nhân dân thì pháp luật phải được thực thi nghiêm minh.

Số ít người dân khiếu nại vượt cấp kéo dài

Đến nay, tại Dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân đã bàn giao mặt bằng 6.876 hồ sơ (đạt 98%), chỉ còn 134 hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng, chiếm tỉ lệ 2%. Để có được con số 98% số hồ sơ đồng thuận, lãnh đạo thành phố cũng như chính quyền các cấp, hội đoàn thể tại địa phương đã nỗ lực bố trí tái định cư, vận động, giải thích chấp hành chủ trương và đến nhận đất tại địa điểm mới.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số rất ít hộ dân ở khu vực Cồn Dầu, Hòa Xuân liên tục khiếu nại vượt cấp kéo dài. Việc khiếu nại của người dân ở khu vực này tập trung vào 3 nội dung: Khiếu nại về thu hồi đất, giao đất; khiếu nại về tái định cư (yêu cầu bố trí tất cả các lô đất đều tái định cư tại chỗ); khiếu nại về cưỡng chế thu hồi đất.  

Sau khi đã được các cấp lãnh đạo quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng giải quyết khiếu nại theo quy định. Không đồng ý, các hộ dân trên khiếu nại lên Trung ương và được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm tra xác minh và đề xuất giải quyết.

Ngày 20/11/2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Báo cáo số 5141/BTNMT-TTr về kết quả thẩm tra xác minh, với nội dung: Việc thực hiện dự án khu đô thị sinh thái Hòa Xuân là phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt, việc thu hồi đất là đúng quy định tại Khoản 2 Điều 34 Nghị định số 84/2007; UBND thành phố Đà Nẵng thu hồi đất giao cho Công ty Quản lý và Khai thác đất là phù hợp quy định; việc xây dựng khu tái định cư tại khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ (khu E, F) của UBND thành phố là phù hợp quy định của Chính phủ. 

Việc các hộ yêu cầu bố trí tái định cư tại chỗ theo khoản 3 Điều 34 Nghị định 197 là không có cơ sở, vì không có khu tái định cư tại dự án; việc UBND quận Cẩm Lệ tổ chức cưỡng chế đối với người bị thu hồi đất không chấp hành bàn giao đất là đúng pháp luật và đúng thẩm quyền...

Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất với nội dung giải quyết của UBND thành phố Đà Nẵng đối với khiếu nại của các hộ liên quan đến thu hồi đất, giao đất để thực hiện dự án và yêu cầu bố trí tái định cư tại chỗ; giao UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo rà soát việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các hộ khiếu nại để giải quyết phù hợp; tiếp tục tuyên truyền, vận động nhận đất tái định cư và bàn giao đất để thực hiện dự án; trường hợp phải cưỡng chế, thực hiện theo đúng quy định tại Điều 71 Luật Đất đai 2013 và Điều 17 Nghị định số 43 của Chính phủ. 

Kiến nghị nêu trên được Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng Chính phủ) đồng ý tại Công văn số 2618/VPCP-VI ngày 16/4/2015 của Văn phòng Chính phủ. Như vậy, các nội dung khiếu nại của các hộ dân Cồn Dầu không Thủ tướng Chính phủ chấp nhận.

Ông Hồ Lâm (giáo dân, tổ trưởng tổ dân phố 73, Hòa Xuân) tâm sự: Gia đình tôi từ khu vực Cồn Dầu chuyển lên tái định cư tại khu E mở rộng. Phải nói rằng, hệ thống hạ tầng ở khu tái định cư tốt hơn rất nhiều so với nơi ở cũ. Nếu như trước đây nhà tôi cách nhà thờ Cồn Dầu khoảng 500 m nhưng nếu mùa mưa lũ về thì phải đi ghe mới đến nơi hành lễ được. 

Nay khu tái định cư cách nhà thờ khoảng 1 km, nhưng do giao thông tuận lợi thì tôi đi nhà thờ mất chưa đến 5 phút. Không hiểu sao, một số bà con vẫn chưa quyết định nhận đất tái định cư để sớm ổn định cuộc sống.

Pháp luật phải được thực thi nghiêm minh

Được biết, hiện các hồ sơ còn lại chưa bàn giao mặt bằng tại dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân làm ảnh hưởng đến việc khớp nối, làm đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật phục vụ khu dân cư…, không thể thực hiện trọn vẹn Quyết định điều chỉnh quy hoạch để thực hiện chủ trương chuyển đổi đất theo Thông báo số 288/TB-VPCP ngày 12/9/2016 và Thông báo số 03/TB-VPCP ngày 8/1/2018 của Văn phòng Chính phủ.

 Nhà người dân ở Hòa Xuân, Cẩm Lệ sau khi giải tỏa. Ảnh: Nguyễn Sơn - TTXVN

Việc các hộ không hợp tác để thực hiện chủ trương chuyển đổi đất, đồng thời yêu cầu chuyển tất cả các lô đất được bố trí từ khu tái định cư về khu điều chỉnh quy hoạch gần nhà thờ Cồn Dầu, trong khi đó khu điều chỉnh quy hoạch này chỉ có 142 lô đất đủ để giải quyết cho các hộ đang khiếu nại, chưa bàn giao mặt bằng và các hộ đã cưỡng chế trước đây mỗi hộ 1 lô; mặc dù đã được giải quyết hỗ trợ và tái định cư cao hơn so với quy định, tổng số tiền đã được hỗ trợ thêm là 2,225 tỉ đồng và tái định cư đã chuyển 41 trường hợp đã được điều chỉnh bố trí tái định cư từ đường nhỏ lên đường lớn và chuyển từ lô đất đường lớn xuống thành nhiều lô đường nhỏ hơn, nhưng còn tiếp tục yêu cầu bố trí thêm đất tái định cư, chuyển sang lô đất có mặt cắt đường lớn hơn…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh qua nhiều lần tiếp dân khu vực này khẳng định: Mặc dù việc bố trí tái định cư ở khu dân cư mới là đúng quy định (có nhiều trường hợp vượt hơn so với phương án), tốt hơn nhiều so với nơi ở cũ, nhưng xét nguyện vọng của bà con muốn sống gần Nhà thờ Cồn Dầu, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã có chủ trương chuyển đổi đất về khu vực gần Nhà thờ và thành phố cũng đã điều chỉnh quy hoạch, có văn bản triển khai cụ thể và đến nay có 31 trường hợp đã thực hiện chủ trương chuyển đổi đất từ đường 5,5 m ở khu tái định cư lên đường 7,5 m ở khu vực gần Nhà thờ và từ đường 7,5 m ở khu tái định cư lên đường 10,5 m ở khu vực gần Nhà thờ. Thành phố cũng mong muốn người dân chung tay cùng thành phố để xây dựng Đà Nẵng trở thành “thành phố đáng sống” như kỳ vọng của người dân.

Có thể thấy, trong vụ việc này, việc giải quyết của chính quyền địa phương và của Trung ương đã rất thấu tình, đạt lý; cả hệ thống chính trị của thành phố và quận Cẩm Lệ đã làm tất cả các phương án để tạo sự đồng thuận nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc. Việc dự án kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố, ảnh hưởng đến việc khớp nối hạ tầng đô thị và môi trường tại dự án nói chung, tại khu vực Cồn Dầu nói riêng.

Có thể nói dự án kéo dài thêm nữa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng, chưa nhận đất tái định cư và tiền bồi thường, hỗ trợ và ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân tại khu vực. Vì vậy, bên cạnh tiếp tục tuyên truyền, giải thích cho người dân trong khu vực Cồn Dầu thấu hiểu và sẻ chia với địa phương thì cũng đã đến lúc pháp luật cũng phải được thực thi một cách nghiêm minh./.

>> Bài 1: Chủ trương mở rộng không gian đô thị

>> Bài 2: Vận dụng linh hoạt hỗ trợ cho người dân

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục