Để đảm bảo thực phẩm sạch tới tay người tiêu dùng trên cả nước

18:06' - 20/04/2018
BNEWS Hiện nay, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp được tự công bố và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm.
Kiểm tra an toàn thực phẩm ở một cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh mỳ ở quận Ninh Kiều (Cần Thơ). Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Tuy nhiên, tình trạng thực phẩm bẩn vẫn tràn lan trên thị trường cho thấy, trách nhiệm kiểm tra, giám sát của ngành chức năng cần phải được tăng cường, đặc biệt là trong khâu hậu kiểm, để đảm bảo thực phẩm sạch tới tay người tiêu dùng.
Tại hội nghị chuyên đề quản lý chất lượng an toàn thực phẩm và triển khai Nghị định 15/2018 (Nghị định 15) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm thay thế Nghị định 38/2012 (Nghị định 38) được tổ chức ở Tp.Hồ Chí Minh ngày 20/4, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Trong quý 1/2018, tỷ lệ mẫu thịt, rau, củ quả nhiễm kháng sinh và thuốc bảo vệ thực vật có giảm nhẹ so với cùng kì, nhưng tỷ lệ mẫu thủy sản vi phạm các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh vẫn còn cao.
Qua thanh tra đột xuất cơ sở, ngành chức năng xử phạt 5 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông thủy sản gần 201 triệu đồng và 16 doanh nghiệp trong lĩnh vực thú y lên tới gần 1,3 tỷ đồng.

Đây chỉ là phần nhỏ trong số những doanh nghiệp, cơ sở vi phạm bị phát hiện, bởi theo quy định mới, ngành chức năng chỉ được phép thanh kiểm tra doanh nghiệp 1 lần/năm.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, việc Nghị định 15 ra đời thay thế cho Nghị định 38 về quản lý an toàn thực phẩm, giúp tăng cường quản lý về chất lượng nông lâm thủy sản, giảm thủ tục hành chính, chi phí đối với sản phẩm xuất, nhập khẩu và trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong một năm các cơ quan nhà nước không kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp, cơ sở quá 1 lần/năm.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thực phẩm, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, ngành nông nghiệp sẽ tiếp cận theo hướng phân tích và quản lý theo mối nguy và kiểm soát, quản lý hệ thống theo chuỗi sản phẩm.

Nghĩa là ngành chức năng sẽ tăng cường các biện pháp hậu kiểm, để phát hiện và xử lý kịp thời cơ sở vi phạm. Điều này sẽ giải quyết được vấn đề bộ máy đơn giản nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu về kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm.


Đơn cử, các cơ sở chế biến nông sản trong ngành nông nghiệp hiện nay được phân chia làm 3 loại A, B và C. Loại C là loại có nguy cơ cao và không đảm bảo thì sẽ tăng cường tần suất kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh để đảm bảo an toàn.

Ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các cơ quan công an, trinh sát để phát hiện các cơ sở vi phạm, từ đó chuyển từ kiểm tra theo kế hoạch sang kiểm tra đột xuất.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ thông qua quần chúng, truyền thông và đường dây nóng để phát hiện. Từ đó, bộ máy quản lý ít nhưng vẫn giám sát chặt chẽ được.
Kinh doanh thực phẩm là ngành kinh doanh có điều kiện, để tăng tính răn đe, ngành chức năng sẽ mạnh tay xử lý bất kì cơ sở không đủ điều kiện, không có giấy phép đăng kí kinh doanh. Đây cũng là điểm mới trong Nghị định 15 về quản lý an toàn thực phẩm vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai.

Ngoài ra, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung quản lý chất lượng với mặt hàng xuất nhập khẩu, chuyển từ trọng tâm từ kiểm tra tại cửa khẩu, sang giám sát tại nguồn, từ nước xuất khẩu, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thực phẩm cả trong và ngoài nước.
Tuy vậy, việc quản lý an toàn thực phẩm vẫn còn tồn tại bất cập, khó khăn cho đơn vị thực hiện. Chẳng hạn như việc quản lý an toàn thực phẩm ở các cơ sở nhỏ lẻ, các kho bảo quản lạnh…
Theo đại diện Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Bình Dương, ngành nông nghiệp đang bỏ sót một đối tượng cần quản lý trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đó là các kho lạnh được xây dựng để cho thuê, bảo quản sản phẩm.

Nhiều đơn vị không sản xuất, kinh doanh nhưng chỉ xây dựng kho lạnh để cho thuê, bảo quản các sản phẩm từ nông sản, thủy hải sản đến các sản phẩm đóng hộp như sữa… Khi cơ quan chức năng đến kiểm tra, các đối tượng này lại không thuộc đối tượng quản lý nào.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, các kho lạnh bảo quản sản phẩm theo mùa, có thể là sản phẩm nông sản, cũng có thể là thủy hải sản hoặc thực phẩm chế biến…

Điều này có thể dẫn đến tình trạng chỉ một cái kho lạnh nhưng cả ba cơ quan là nông nghiệp, y tế và công thương đều không thể kiểm tra, quản lý được vấn đề an toàn thực phẩm tại kho lạnh.

Do vậy, phải xem kho lạnh như một đơn vị kinh doanh thực phẩm thì việc kiểm tra vấn đề an toàn thực phẩm tại đây mới đảm bảo chặt chẽ./.
Xem thêm:

>>>Thí điểm quản lý cửa hàng kinh doanh trái cây tại Hà Nội: Khó, nhưng vẫn phải làm
>>>Thu giữ thuốc chữa ung thư từ bột than tre của Vinaca

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục