Để hương chè Thái Nguyên thơm mãi

11:05' - 02/02/2019
BNEWS Việc cải tạo giống chè trung du đang được các cấp, ngành chức năng của tỉnh Thái Nguyên quan tâm để sản xuất ra các loại trà hảo hạng, có giá trị thương mại cao.
Bảo tồn cây chè Thái Nguyên. Ảnh minh họa: Vũ Sinh - TTXVN

Chè trung du được ví như linh hồn hay nét văn hóa của người làng nghề chè. Tuy nhiên, do được trồng từ 20 - 70 năm về trước nên nhiều diện tích chè trung du có hiện tượng thoái hóa, năng suất, chất lượng không cao.

Việc cải tạo giống chè trung du đang được các cấp, ngành chức năng của tỉnh Thái Nguyên quan tâm để sản xuất ra các loại trà hảo hạng, có giá trị thương mại cao.

Xã Tân Cương là vùng chè đặc sản nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên với diện tích chè trung du lớn. Tuy nhiên, hiện nhiều diện tích chè bị thoái hóa, tỷ lệ ra búp kém, năng suất thấp.

Từ năm 2015, Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Thái Nguyên và Trạm Khuyến nông Thành phố Thái Nguyên triển khai các Dự án “Cải tạo nương chè giống trung du năng suất thấp tại vùng chè Tân Cương”, “Xây dựng mô hình cải tạo nương chè giống Trung du theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, bền vững tại vùng chè Tân Cương, thành phố Thái Nguyên”.

Anh Nguyễn Thanh Dương, Giám đốc HTX chè Trung du Tân Cương (Thành phố Thái Nguyên), một trong những hộ vẫn duy trì vườn chè trung du cổ trong khi nhiều hộ đã chặt bỏ để thay thế các loại chè lai cho biết, sản phẩm chính của Hợp tác xã là trà trung du với mức giá bán buôn từ 1 - 4 triệu đồng/kg, đặc biệt, chỉ giống chè này mới làm được sản phẩm trà đinh hảo hạng có giá 4 - 6 triệu đồng/kg, có thể cao hơn và trà matcha.

Anh Dương chia sẻ, giống chè trung du tạo nên thương hiệu của chè Tân Cương đến bây giờ. Thời điểm năm 2005 - 2007, một số giống chè lai được mang về Tân Cương trồng và có năng suất cao hơn, giống chè trung du bị phá nhiều.

Khi đó, anh Dương được một cán bộ Viện Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc tặng 2.000 cành giống chè trung du và anh quyết định trồng thử nghiệm.

Sau 3 năm trồng, chất lượng giống chè trung du mới trồng bằng cành vẫn giữ nguyên hương vị đặc trưng, màu nước đẹp. Hương vị của chè giống mới này thanh hơn giống cũ, mùa đông phát triển tốt, mật độ búp thoáng, thưa, dễ hái, năng suất tương đương giống chè cũ và có thể cao hơn.

Cùng chung niềm đam mê chè trung du như anh Dương, gia đình anh Trần Thái Lâm, xóm Hồng Thái 2 xã Tân Cương, Thành phố Thái Nguyên duy trì vườn chè trung du đã được trồng từ năm 1973. Gia đình anh Lâm có 1 mẫu chè; trong đó, 8 sào chè trung du. Những năm trước, chè có dấu hiệu cằn cỗi, năng suất giảm.

Từ tháng 2/2015, anh Lâm cải tạo nương chè trung du năng suất thấp, thực hiện kỹ thuật chăm sóc, bón phân theo quy trình, vườn chè như được dùng thuốc hồi xuân, cho sản lượng cao hơn. Hiện vườn chè của anh được chọn làm vườn chè bố mẹ để ươm giống cung cấp cho các hộ trong vùng.

Ông Phạm Tiến Sỹ, Chủ tịch UBND xã Tân Cương, Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên cho biết, cùng với việc phát triển giống chè mới cho năng suất, chất lượng cao, giống chè cũ vẫn phải được bảo tồn, phát triển.

Cách làm này vừa giữ được thương hiệu của cây chè bản địa ở vùng Tân Cương đồng thời kết hợp với giống chè mới góp phần đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, chè trung du phù hợp trồng trên đồi cao, không chủ động được nước tưới.

Giống chè trung du có gen bản địa quý cần được bảo tồn, làm cơ sở cho việc chọn tạo, nhân giống. Giống chè trung du gắn liền với người dân Thái Nguyên, các tỉnh trung du miền núi phía Bắc và mang tính chất lịch sử, truyền thống văn hóa lâu đời.

Hiện các nông hộ tại địa phương tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống, trồng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao hơn. Diện tích chè trung du già cỗi, thoái hóa, năng suất và chất lượng thấp sẽ tiến hành phục tráng nâng chất lượng.

Diện tích chè Thái Nguyên hiện gần 22.000 ha. Tuy nhiên, chè trung du chỉ khoảng 25 - 30% và tiếp tục có xu hướng giảm dần.

Do vậy, việc gìn giữ, bảo tồn giống chè trung du không chỉ đáp ứng mục tiêu thương mại, mà còn bảo tồn giống chè cổ, hương vị chè truyền thống đã được nhiều thế hệ người Việt Nam ưa chuộng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục