Đề nghị miễn giá dịch vụ phương tiện không kinh doanh vận tải qua Trạm thu phí Cai Lậy

11:03' - 14/08/2017
BNEWS Sáng 14/8, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải) đã làm việc với tỉnh Tiền Giang về những vấn đề liên quan Trạm thu phí Cai Lậy.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Nam Thái - TTXVN)

Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang được sự ủy nhiệm của lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành Trung ương một số vấn đề cụ thể.

Đó là xem xét mức giảm mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ của dự án hợp lý hơn, nhằm giảm chi phí vận tải để góp phần giảm chi phí hàng hóa lưu thông từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đến các khu vực khác và ngược lại.

Đồng thời, có chính sách miễn, giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho một số đối tượng khi qua trạm.

Cụ thể, ông Trần Văn Bon đề nghị miễn 100% giá dịch vụ sử dụng đường bộ qua trạm đối với đối tượng là phương tiện không kinh doanh vận tải và chủ phương tiện thường trú trên các địa bàn 4 xã Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An thuộc huyện Cai Lậy.

Giảm khoảng 50% phí dịch vụ qua trạm đối với các đối tượng là phương tiện có kinh doanh vận tải mà chủ phương tiện thường trú trên địa bàn 4 xã kể trên; giảm 50% phí dịch vụ qua trạm cho các phương tiện xe buýt có lộ trình qua trạm.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Mạnh Thắng tiếp thu và tổng hợp các ý kiến đóng góp trình các bộ ngành và cấp có thẩm quyền giải quyết.

Ông Thắng cho biết, dự án đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ 1, đoạn tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn km 1987 + 560 đến km 2014 + 000 theo hình thức BOT. Công trình có tổng vốn đầu tư gần 1.400 tỷ đồng.

Dự án gồm thi công 13 km đường tránh Quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy; tăng cường mặt đường bằng cách thảm nhựa nóng chiều dài 24,56 km Quốc lộ 1 và nâng cấp 14 cầu yếu trên Quốc lộ 1 trên đoạn qua các huyện thị phía Tây tỉnh Tiền Giang.

Khi dự án đưa vào sử dụng đã góp phần khắc phục ùn tắc giao thông nghiêm trọng qua địa bàn thị xã Cai Lậy trước đây.

Đồng thời, giảm nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông, tạo thuận lợi cho giao thương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với Đông Nam bộ và Tp. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, trước những vấn đề bức xúc nảy sinh khi đưa Trạm thu phí Cai Lậy vào hoạt động ông Nguyễn Mạnh Thắng khẳng định, việc đầu tư theo hình thức BOT của dự án đã được sự chấp thuận của các cấp thẩm quyền.

Vì vậy, trong thực hiện phải cần đảm bảo hài hòa các yếu tố: lợi ích nhà đầu tư, lợi ích của người dân hưởng lợi và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Do đó, những vấn đề gì chưa phù hợp sẽ kiến nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp và những vấn đề đã phù hợp, mang tính pháp lý phải nghiêm chỉnh chấp hành.

Trước mắt, các cấp, các ngành và địa phương cần tăng cường thông tin, tuyên truyền để nhân dân hiểu và đồng thuận, đưa chủ trương và chính sách nhà nước vào đời sống.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục