Đề nghị phê bình 11 địa phương chậm thanh toán kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

19:21' - 21/10/2019
BNEWS Hiện, còn 518,389 tỷ đồng của 11 tỉnh, thành phố tạm thời chưa được thanh toán. Số còn lại các địa phương không sử dụng hết được thu hồi chuyển về Bảo hiểm xã hội Việt Nam để nộp về quỹ dự phòng.
 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 21/10, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ về việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015; Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước; Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

* Đề nghị phê bình 11 địa phương chậm thanh toán

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Năm 2015 có 38 tỉnh, thành phố và Bộ Quốc phòng có kết dư Quỹ khám chữa bệnh tổng số là 5.838 tỷ đồng; phần 20% để lại cho địa phương sử dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Luật Bảo hiểm y tế là 1.167 tỷ đồng.

Căn cứ số kinh phí được sử dụng tại địa phương, UBND cấp tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương xây dựng kế hoạch sử dụng kinh phí trình UBND cấp tỉnh phê duyệt và báo cáo HĐND cấp tỉnh theo thứ tự ưu tiên. Cụ thể, hỗ trợ quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo là 109,043 tỷ đồng; hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho một số nhóm đối tượng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương là 294,555 tỷ đồng. Khoản tiền còn lại 763,497 tỷ đồng được sử dụng cho mục đích mua trang thiết bị y tế phù hợp với năng lực, trình độ của cán bộ y tế; mua phương tiện vận chuyển người bệnh ở tuyến huyện.

Tuy nhiên, sau khi triển khai, chỉ có 230 tỷ đồng trong tổng số 763,497 tỷ đồng này đã được thanh toán đối với các trường hợp có đủ hồ sơ, thủ tục thanh toán, thời hạn thanh toán theo quy định. Hiện, còn 518,389 tỷ đồng của 11 tỉnh, thành phố tạm thời chưa được thanh toán. Số còn lại các địa phương không sử dụng hết được thu hồi chuyển về Bảo hiểm xã hội Việt Nam để nộp về quỹ dự phòng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ, trên cơ sở đề nghị của các địa phương, Chính phủ trình Quốc hội cho phép 11 tỉnh, thành phố được kéo dài thời gian thanh toán các khoản mua trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển người bệnh từ nguồn 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015 đến hết ngày 30/6/2020, tổng số tiền là 518,389 tỷ đồng.

Sau thời điểm này, phần kinh phí chưa sử dụng hết được hạch toán vào Quỹ dự phòng để điều tiết chung theo quy định của Luật Bảo hiểm Y tế. Đồng thời, Chính phủ tổ chức thực hiện, phê bình nghiêm túc 11 địa phương chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015 theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, khoản kinh phí kết dư 20% từ Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế phát sinh từ năm 2015 được Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam trình thông qua ngày 29/12/2016. Theo quy định, khoản kinh phí kết dư này được sử dụng trong vòng 12 tháng kể từ ngày ghi trong thông báo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 34 Luật Bảo hiểm y tế  năm 2014 quy định: “Hàng năm, Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế”. Đến nay Chính phủ mới báo cáo vấn đề này là quá chậm so với quy định. Đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan và địa phương liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm về ý thức chấp hành pháp luật.

Về số tiền 518,389 tỷ đồng chưa thanh toán, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, về nguyên tắc, sau 12 tháng các địa phương không sử dụng hết sẽ phải chuyển về quỹ dự phòng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, 2017 là năm đầu tiên được sử dụng khoản kết dư này nên các địa phương chưa "bắt nhịp" với quy định mới, dẫn đến có 11 địa phương chưa hoàn tất việc thanh toán đúng thời hạn.

Theo báo cáo của Chính phủ, về cơ bản, các địa phương này đã ký hợp đồng mua sắm, nhiều địa phương đã hoàn thành việc lắp đặt, bàn giao trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển người bệnh và các tài sản này đã được đưa vào sử dụng phục vụ cho khám, chữa bệnh.

Trong ảnh: Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Căn cứ vào tình hình thực tiễn và các lý do xin cho phép kéo dài thời gian thanh toán số kết dư của Quỹ khám chữa bệnh cho 11 địa phương theo đề nghị của Chính phủ, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, một số địa phương trên là các tỉnh khó khăn và một số thành phố lớn có nhu cầu cao về trang, thiết bị y tế, vì vậy, đồng ý với đề nghị của Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn thanh toán đối với số tiền 518,389 tỷ đồng đến hết 30/6/2020.

Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, địa phương có liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Trong quá trình quản lý, nếu tiếp tục phát sinh khoản kinh phí còn dư không sử dụng, đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định là thu hồi, nộp về quỹ dự phòng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để điều tiết chung. Vấn đề này cần trình Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

* Thiệt hại tới 5.000 tỷ đồng nếu cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước

Theo Tờ trình 437/TTr-CP ngày 4/10/2019 của Chính phủ, Luật Khoáng sản (có hiệu lực thi hành từ 1/7/2011) , Luật Tài nguyên nước (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2013) đều quy định về tiền cấp quyền khai thác đối với các loại khoáng sản và tài nguyên nước.

Tuy nhiên, đến ngày 28/11/2013, Chính phủ mới ban hành Nghị định 203/2013/NĐ-CP về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản có hiệu lực thi hành từ 20/1/2014, chậm hơn 2 năm 6 tháng kể từ ngày Luật Khoáng sản có hiệu lực. Đến ngày 17/7/2017, Chính phủ mới ban hành Nghị định 82/2017/NĐ-CP về mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước có hiệu lực thi hành từ 1/9/2017, chậm 4 năm 8 tháng kể từ ngày Luật Tài nguyên nước có hiệu lực.

Do đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và đưa vào Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV với nội dung: Việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản quy định tại khoản 1 Điều 77 và quy định tại khoản 3 Điều 84 của Luật Khoáng sản được thực hiện kể từ ngày 1/1/2014; việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định tại khoản 1 Điều 65 và theo quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật Tài nguyên nước được thực hiện kể từ ngày 1/9/2017.

Thẩm tra báo cáo này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Tờ trình của Chính phủ mới chỉ đề cập đến những khó khăn, vướng mắc dẫn đến việc chậm ban hành Nghị định nên chưa thu được tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của luật. Do đó, đề nghị Chính phủ cần bổ sung nội dung đánh giá việc lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước ảnh hưởng như thế nào đến việc thu ngân sách nhà nước.

Về kiến nghị Quốc hội cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước từ thời điểm Luật có hiệu lực đến thời điểm Nghị định có hiệu lực, đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế đồng ý với đề xuất của Chính phủ và cho rằng việc truy thu số tiền nêu trên là khó khả thi do các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, tài nguyên nước đã quyết toán, công bố lỗ, lãi, nộp các khoản thuế và phân chia lợi nhuận.

Có những tổ chức đã giải thể, phá sản; các dự án, công trình đã được cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước trước đây đến nay có thể không còn hoạt động, sử dụng hoặc đã chuyển cho tổ chức, cá nhân khác. Mặt khác, để thu được số tiền của hai lĩnh vực nêu trên, Nhà nước có thể sẽ phải bỏ số tiền không nhỏ cho nguồn nhân lực, thủ tục hành chính, công tác thẩm định, công tác thu, xử lý khiếu nại...

Bên cạnh đó, một số ý kiến khác không tán thành với việc lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước, đồng thời cho rằng, việc chậm ban hành Nghị định hướng dẫn Luật dẫn đến những khó khăn vướng mắc như nêu tại Tờ trình là trách nhiệm của Chính phủ. Các lý do nêu ra tại Tờ trình dẫn đến chậm ban hành Nghị định cũng không hợp lý; để bảo đảm kỷ cương pháp luật, cần thực hiện triệt để, nghiêm minh các quy định của Luật Khoáng sản và Luật Tài nguyên nước.

"Việc chậm ban hành 2 Nghị định nêu trên cũng đã làm cho các tổ chức, cá nhân được cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước không tính được số tiền để thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, sẽ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 5.000 tỷ đồng nếu Quốc hội cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước. Đây là số tiền không nhỏ trong điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Do đó, Ủy ban Kinh tế kiến nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân trong việc chậm ban hành hai Nghị định nêu trên theo quy định tại Điều 7 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật  và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5-6/2020).

* Cần thiết xây dựng Đề án

Cũng trong phiên làm việc chiều, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, mục tiêu Đề án nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển; giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh biên giới quốc gia; củng cố tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước...

Đề án sẽ thực hiện ở địa bàn các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (không bao gồm xã thuộc vùng bãi ngang ven biển, hải đảo) giai đoạn 2021 - 2030.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho biết, Hội đồng Dân tộc tán thành với sự cần thiết xây dựng Đề án. Về phạm vi thực hiện, Đề án xác định phạm vi thực hiện ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn 5.266 đơn vị hành chính cấp xã, của 548 huyện, thị xã, thành phố, thuộc 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hội đồng Dân tộc cho rằng, trong tổng số 5.266 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, có 1.957 xã đặc biệt khó khăn, 20.176 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Do vậy, Hội đồng Dân tộc đề nghị Chính phủ cần xác định phạm vi ưu tiên của Đề án theo hướng tập trung vào “vùng đặc biệt khó khăn” của vùng dân tộc thiểu số, miền núi để ưu tiên nguồn lực đầu tư, khắc phục tình trạng dàn trải, cào bằng, thiếu trọng tâm, trọng điểm như hiện nay.

Hội đồng Dân tộc nhất trí cho rằng, Đề án đưa ra 11 nhóm giải pháp, trong đó đề xuất 8 dự án thành phần, gồm nhiều tiểu Dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã cơ bản bao phủ toàn diện các lĩnh vực đời sống xã hội.

Nhiều ý kiến đề nghị, chương trình mục tiêu quốc gia mới cần ưu tiên tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bức thiết nhất hiện nay của vùng dân tộc thiểu số và miền núi, như: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí lại dân cư; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống (đường giao thông, điện sinh hoạt và sản xuất, trường học, trạm y tế, nhà ở…); phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Hội đồng Dân tộc thấy rằng, khoảng cách giới còn rất lớn và tồn tại ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, Hội đồng đề nghị đưa các vấn đề về giới, nguyên tắc lồng ghép giới xuyên suốt trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án; cần đưa ra các chỉ tiêu cụ thể về thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục