Đề nghị tạm dừng phiên tòa xử vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1 do có nhiều tình tiết cần làm rõ

15:23' - 12/11/2024
BNEWS Viện Kiểm sát cấp cao cho rằng, vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát còn một số vấn đề chưa rõ nên đề nghị Hội đồng Xét xử trở lại phần xét hỏi bị cáo và các bên liên quan.

Ngày 12/11, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử phúc thẩm giai đoạn 1 vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB) với phần xét hỏi bổ sung bị cáo và các bên liên quan.

 

Theo dự kiến, tại phiên tòa sáng 12/11, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát biểu quan điểm giải quyết vụ án và luận tội đối với các bị cáo. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát cấp cao cho rằng còn một số vấn đề chưa rõ nên đề nghị Hội đồng Xét xử trở lại phần xét hỏi bị cáo và các bên liên quan.

Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) trình bày cụ thể phương án bồi thường khắc phục hậu quả vụ án của bị cáo. Bị cáo cam kết sẽ chịu trách nhiệm trả toàn bộ thiệt hại hơn 673.000 tỷ đồng do bị cáo cùng đồng phạm đã gây ra cho Ngân hàng SCB.

Trương Mỹ Lan khai, nguồn tiền bị cáo dùng để khắc phục dự kiến gồm 21.000 tỷ đồng từ các khoản nợ được thu hồi, 5.000 tỷ đồng đã chuyển vào Ngân hàng SCB để tăng vốn điều lệ và 658 tài sản không thế chấp bất kỳ khoản vay nào.

Trong số này có hai dự án lớn là dự án Cảng Sài Gòn và “siêu dự án” Amigo có thể mang lại trên 200.000 tỷ đồng nếu được đầu tư phát triển đúng thời điểm. Trước đó, sau phiên tòa sơ thẩm, Trương Mỹ Lan và gia đình đã nộp 580 tỷ đồng để góp phần khắc phục hậu quả vụ án.

Khi đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao hỏi về giá trị thực tế của 440 mã tài sản trong tổng số 1.121 mã tài sản đang bị kê biên của Trương Mỹ Lan (được sổ sách ghi nhận khoảng 620.000 tỷ đồng), bị cáo Lan ước tính giá trị thực tế của các tài sản này chỉ vào khoảng hơn 100.000 tỷ đồng.

Trương Mỹ Lan cũng đề nghị Hội đồng Xét xử yêu cầu Ngân hàng SCB trả lại cho bị cáo dự án 6A (huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) để sử dụng vào việc khắc phục hậu quả vụ án.

Dự án 6A rộng 26ha, thuộc sở hữu của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát từ hơn 10 năm trước và đã hoàn tất gần hết phần bồi thường, chỉ còn 3-4% chưa hoàn thành. Dự án này không liên quan đến Ngân hàng SCB và đề xuất Hội đồng Xét xử nhập dự án này vào danh sách 658 tài sản mà bị cáo dùng để khắc phục hậu quả. Bị cáo Lan cũng yêu cầu Ngân hàng SCB cung cấp tài liệu các khoản vay của bị cáo và căn cứ tính lãi suất.

Đại diện Ngân hàng SCB xác nhận tại phiên tòa rằng dự án 6A này không dùng để đảm bảo cho khoản vay nào của Trương Mỹ Lan hay Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Ngân hàng SCB đồng ý với nguyện vọng của Lan dùng tài sản này để khắc phục thiệt hại cho SCB.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đặt một số câu hỏi liên quan đến 5.000 tỷ đồng mà Trương Mỹ Lan khai đã chuyển vào Ngân hàng SCB để tăng vốn điều lệ; căn cứ để xác định các khoản vay của Ngân hàng SCB… Bị cáo cho biết, 5.000 tỷ đồng này có một phần là tài sản cá nhân, một phần của người khác và khẳng định đây là khoản tiền bị cáo tự nguyện nộp để khắc phục hậu quả.

Đại diện Ngân hàng SCB xác định ngân hàng đang sử dụng số tiền 5.000 tỷ đồng nói trên, tuy nhiên đây là số tiền mà ngân hàng nhận được từ nhiều cá nhân, pháp nhân khi tăng vốn nên hiện chưa xác định cụ thể. Ngân hàng xin phép sẽ cung cấp tài liệu về vấn đề này cho Hội đồng Xét xử vào ngày ngày 13/11.

Sau phần xét hỏi bổ sung, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận định rằng có nhiều tình tiết mới cần thời gian đánh giá, vì vậy đề nghị Hội đồng Xét xử tạm dừng phiên tòa để hoàn tất phần kết luận về vụ án trước khi chuyển sang phần nghị án và tranh luận. Sau khi hội ý, Hội đồng Xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa và sẽ tiếp tục vào ngày 15/11.

Theo nội dung vụ án, từ năm 2012 đến tháng 10/2022, Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ từ 85 - 91,5% cổ phần SCB, qua đó trở thành cổ đông quyền lực nhất, có thể chỉ đạo, điều hành, thao túng toàn bộ hoạt động nhằm phục vụ cho các mục đích khác nhau.

Cáo trạng giai đoạn 1 của vụ án cho thấy, bị cáo cùng đồng phạm đã thực hiện chuỗi hành vi tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín vào các vị trí chủ chốt tại SCB; thành lập một số đơn vị  trực thuộc chuyên cho vay, giải ngân theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan; thành lập, sử dụng hàng nghìn công ty “ma”; câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện hành vi phạm tội.

Trương Mỹ Lan và đồng phạm còn thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ Ngân hàng SCB; lập phương án rút tiền, “cắt đứt” dòng tiền sau giải ngân; bán nợ xấu, bán các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu, che giấu sai phạm; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước làm trái công vụ.

Hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm là nguyên nhân căn bản, cốt yếu dẫn đến Ngân hàng SCB đã hoàn toàn mất thanh khoản, dư nợ tín dụng rất lớn không có khả năng thu hồi, vốn chủ sở hữu âm 443.769 tỷ đồng.

Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; tử hình về tội tham ô tài sản; 20 năm tù về tội đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.

Về trách nhiệm dân sự, bản án sơ thẩm buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi thường cho Ngân hàng SCB dư nợ của 1.243 khoản vay còn lại tính đến ngày 17/10/2022, tương đương số tiền là 673.800 tỷ đồng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục