Đề thi minh họa THPT quốc gia: Gần với thực tiễn và tăng số lượng câu hỏi thực hành

16:30' - 30/01/2018
BNEWS Đề thi minh họa kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia vừa công bố được xem như cẩm nang cho cả thầy và trò trong chặng đường ôn tập, chuẩn bị cho thí sinh vững bước vào kỳ thi sắp tới.
Đề thi minh họa kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 được đánh giá khá gần với thực tiễn. Ảnh minh họa: TTXVN

Với đề thi minh họa năm nay, nhiều thầy cô đánh giá, nội dung các câu hỏi trong đề đã bám sát thực tiễn đời sống và tăng số lượng câu hỏi thực hành kỹ năng cho học sinh. Đây là hướng đi đúng nhằm phát triển phẩm chất và năng lực cần có của học sinh.

Môn Giáo dục công dân: Bám sát thực tiễn đời sống

Giáo dục công dân là một môn thi chính thức của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia từ năm 2017. Năm nay, đề thi minh họa môn Giáo dục công dân đã có một số đổi mới theo hướng hay và bám sát thực tiễn đời sống hơn nữa.

Nhận xét về đề minh họa môn Giáo dục công dân, Thạc sĩ Đào Thị Hà, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, cấu trúc đề thi không thay đổi so với năm 2017, đề thi hay, có nhiều câu hỏi liên hệ thực tiễn đời sống xã hội, đáp ứng được yêu cầu phát triển năng lực của học sinh.

Nội dung các câu hỏi đều nằm trong chương trình Giáo dục công dân lớp 11, 12 hiện hành, kiến thức đảm bảo tính chính xác, khoa học. Đề tham khảo mang tính giáo dục cao, đáp ứng được yêu cầu phân hóa năng lực của từng đối tượng học sinh. Số lượng câu hỏi vận dụng cao nhiều hơn đề thi năm 2017, nên học sinh buộc phải vận dụng nhiều kiến thức, kĩ năng để giải quyết vấn đề, lựa chọn phương án đúng bằng suy luận, tư duy logic.

Các câu hỏi trong đề thi được sắp xếp theo trình tự từ dễ đến khó giúp học sinh phân chia thời gian hợp lí; đồng thời, tạo tâm lí hứng thú, sự tự tin cho học sinh trong quá trình làm bài. Mỗi câu hỏi chỉ có duy nhất một đáp án đúng, các phương án nhiễu đảm bảo sự tương đồng về độ khó nên không gây sự tranh cãi, hoặc đánh đố học sinh. Lời dẫn và các phương án trả lời hay, rõ ràng, mạch lạc là một trong những đặc trưng của đề thi tham khảo môn Giáo dục công dân năm nay.

Theo cô Đoàn Thị Thủy Chung, giáo viên Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An), đề thi có nhiều tình huống mang tính giáo dục, yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức thực tiễn để giải quyết. Vì vậy, để đạt điểm giỏi, ngoài việc nắm chắc kiến thức cơ bản, học sinh phải có tư duy logic, khoa học, đặc biệt ở các câu 113, 114, 115, 116, 117.

Cô Thủy Chung cũng cho rằng: Ở đề thi năm nay, câu nhận biết ngắn gọn, dễ hiểu; câu vận dụng thấp yêu cầu học sinh phải vận dụng kiến thức để nhận xét, đánh giá, từ đó tìm ra phương án đúng. Câu hỏi vận dụng cao có độ nhiễu cao hơn, khó hơn góp phần phân hóa các đối tượng học sinh một cách chính xác. Đặc biệt, nội dung phần dẫn không lặp lại thuật ngữ nhiều lần, diễn đạt rõ ràng, đủ thông tin giúp học sinh hiểu và biết rõ nhiệm vụ phải hoàn thành.

Môn Địa lí: Tránh ghi nhớ kiến thức máy móc

Nhận xét về đề thi minh họa môn Địa lí, các giáo viên cho rằng, đề thi đã hạn chế tối đa việc yêu cầu, sử dụng các số liệu và tránh những nội dung không phù hợp giữa sách giáo khoa và thực tiễn.

Cô Nguyễn Lệ Phương, giáo viên Trường Trung học phổ thông Xuân Đỉnh (Hà Nội) đánh giá, đề thi tham khảo môn Địa lí đã đảm bảo việc kiểm tra đánh giá kiến thức của học sinh theo đặc thù môn Địa lí với hai phần kiến thức lí thuyết (25 câu) và kiến thức thực hành 15 câu (với các kĩ năng đọc, hiểu át lát và kĩ năng nhận xét bảng số liệu, biểu đồ).

So với đề thi năm 2017, phần thực hành các kĩ năng Địa lí đã nâng lên số lượng câu hỏi (15 câu). Cấu trúc nội dung các phần thực hành không thay đổi gồm: Kĩ năng đọc át lát Địa lí Việt Nam, kĩ năng xử lí, tính toán số liệu, nhận xét bảng số liệu và biểu đồ. Các loại biểu đồ đưa vào đề thi, đảm bảo sự đa dạng (biểu đồ miền, kết hợp, cột, đường) giúp học sinh không nhàm chán khi quan sát và nhận xét.

Thầy Trần Văn Thành, Trường Trung học phổ thông Nam Phù Cừ (Hưng Yên) nhận định: Các câu hỏi liên quan đến sử dụng biểu đồ và bảng số liệu ở đề tham khảo môn Địa lí kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 đa dạng và nâng cao hơn so với đề chính thức năm 2017. Các số liệu sử dụng trong đề thi chính xác, được lấy từ Niên giám thống kê Việt Nam 2016, do Nhà xuất bản Thống kê phát hành năm 2017. Tất cả các biểu đồ và bảng số liệu đều có ghi nguồn gốc của số liệu. Điều này đã tăng tính chính xác của các số liệu và tạo ra sự thống nhất cho cả đề thi.

So với đề thi năm 2017, đề thi tham khảo năm 2018 tăng tỉ lệ các câu hỏi liên quan đến rèn luyện kĩ năng cho học sinh (từ 25% lên 37,5%), giảm các câu hỏi lý thuyết. Điều này sẽ tăng cường việc rèn luyện các kĩ năng Địa lí cho học sinh, tránh việc ghi nhớ kiến thức một cách máy móc, tăng hứng thú đối với người học./.

>>> Công bố đề thi minh họa kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục