Để tiêu dùng xanh trở thành lối sống

09:17' - 02/09/2024
BNEWS Rất nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi mô hình kinh doanh và coi tiêu dùng xanh là xu hướng tất yếu của phát triển bền vững.

Sản xuất xanh thường yêu cầu nguồn lực, chi phí nhiều để sản xuất nên dẫn đến giá bán của sản phẩm xanh thường có xu hướng cao hơn so với sản phẩm thông thường. Hơn nữa, vẫn còn những “con sâu làm rầu nồi canh” lợi dụng thông tin của sản phẩm xanh đẩy giá lên cao khiến người tiêu dùng chần chừ khi lựa chọn sử dụng sản phẩm được gắn mác xanh.

Theo Bộ Công Thương, có 72% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh cho thấy nhận thức và sự quan tâm ngày càng tăng của người dân về bảo vệ môi trường. Trước xu thế đó, rất nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi mô hình kinh doanh và coi tiêu dùng xanh là xu hướng tất yếu của phát triển bền vững.

 

Khảo sát của Công ty Nielsen Việt Nam cho thấy, khoảng 31% người tiêu dùng chấp nhận mức giá cao hơn cho sản phẩm được đánh giá là thân thiện với môi trường, có chuỗi cung ứng bền vững so với sản phẩm cùng giá trị sử dụng nhưng kém xanh. Chẳng hạn thay vì trả 5 nghìn đồng, nhiều người tiêu dùng sẵn sàng trả 6 nghìn đồng để mua chai nước khoáng có vỏ được làm từ nhựa tái chế. Thế nhưng, nếu là giá 10 nghìn đồng/chai thì tỷ lệ người tiêu dùng chấp nhận mua chai nước khoáng tái chế ấy là bao nhiêu thì chưa khẳng định được.

Ông Bùi Thanh Thuỷ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chia sẻ: Hiện nay, người tiêu dùng vẫn chưa mặn mà với sản phẩm xanh, sản phẩm bền vững. Nguyên nhân bởi mặc dù sẵn sàng trả cao hơn giá sản phẩm thông thường, nhưng giá sản phẩm xanh cao hơn tới 40% nên chưa phù hợp với mức thu nhập của đại đa số người tiêu dùng. Hơn nữa, thói quen, nhận thức của tiêu dùng của người Việt Nam về sản phẩm xanh chưa sâu và chưa có chính sách cho người tiêu dùng tiêu thụ sản phẩm xanh.

Tương tự, ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc điều hành Hệ thống siêu thị Go – Big C vùng Hà Nội và miền Bắc cho biết: Tỷ lệ người tiêu dùng đến với hệ thống bán lẻ hiện đại đang có xu hướng tăng lên nhưng trên thực tế cũng chỉ mới chiếm khoảng 26%. Trong số đó, tỷ lệ ủng hộ sản phẩm xanh vẫn chỉ là thiểu số và sản phẩm xanh, thân thiện môi trường trên thực tế cũng chưa nhiều.

Theo ông Vijay Kumar Pandey, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH (Tập đoàn TH), để hướng tới chuỗi giá trị sản phẩm xanh hoàn thiện như sử dụng cỏ tự nhiên để chăn nuôi, sử dụng tối đa ánh sáng ban ngày nhằm tiết kiệm điện; chuyển sang sử dụng loại thìa có thể phân hủy sinh học, ngừng sử dụng các loại nguyên liệu có phát thải khí nhà kính, hạn chế túi nhựa 1 lần; tích cực làm việc với các tổ chức, đơn vị sản xuất bao bì đảm bảo tiêu chí xanh để chuyển sang túi có thể phân hủy được…đã khiến doanh nghiệp phải tăng thêm chi phí khoảng 50% so với thông thường.

Nhận định về vấn đề này, ông Hồ Tùng Bách- Phó Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Bộ Công Thương cho biết: Gần đây, thị trường đã ghi nhận rất rõ sự vào cuộc chủ động của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia thực hiện các cam kết về cắt giảm khí thải carbon tới năm 2050, đồng thời Chính phủ cũng đặt quyết tâm đến năm 2030 sẽ có những kết quả cụ thể đối với các hành động cắt giảm khí thải carbon.

Ngoài ra, nhiều hoạt động cụ thể đã được triển khai như quy định về dán nhãn năng lượng đối với sản phẩm để cung cấp thông tin cho người tiêu dùng; áp dụng nguồn năng lượng sạch trong quá trình sản xuất…Hơn nữa, cơ quan quản lý nhà nước cũng đã hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn, nguồn lực để giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền tới người tiêu dùng thông tin nhà sản xuất, sản phẩm xanh đáng tin cậy giúp tăng niềm tin khi sử dụng sản phẩm.

Giới phân tích cũng chỉ ra một vài mô hình đã thành công như việc Tập đoàn P&G đã có một chiến lược bền vững hóa sản phẩm khi đưa ra dòng bột giặt Tide có khả năng giặt sạch quần áo chỉ với nước lạnh. Nhờ đó, 2/3 dấu chân carbon của bột giặt Tide được xóa bỏ đến từ năng lượng tiết kiệm được khi không phải sử dụng chế độ nước nóng trong máy giặt. Người tiêu dùng cũng được hưởng lợi khi tiết kiệm được tiền điện dùng cho giặt quần áo, vì vậy sản phẩm bột giặt Tide cải tiến nhanh chóng được đón nhận trên thị trường.

Hay như chiến lược loại bỏ màng co nắp chai được các hãng nước giải khát áp dụng tại Việt Nam và một số thị trường khác. Giá sản phẩm không thay đổi nhưng các chai nước giải khát được cải tiến dạng khóa vặn cổ chai thay vì một màng nylon bọc kín như trước đây. Sáng kiến nhỏ này tác động tích cực đến môi trường và giá bán các chai nước cũng không thay đổi dù có thể thấy rõ rệt tính bền vững.

Để bắt kịp xu hướng tiêu dùng, sản xuất bền vững, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) chia sẻ, ý thức được vấn đề phát triển sản xuất và tiêu dùng bền vững, nên ngay từ đầu năm 2018 Vitas đã thành lập Ủy ban phát triển bền vững với mô hình: phát triển có lãi; nguồn lực bền vững và bảo vệ môi trường. Vitas cũng đã hợp tác với các tổ chức quốc tế tập huấn nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và cả người lao động về phát triển bền vững.

"Sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững là xu hướng tất yếu nên nếu phù hợp với khả năng và nguồn lực, doanh nghiệp có thể triển khai làm sớm giúp tăng thêm cơ hội khai thác thị trường đẳng cấp, khó tính và mở rộng thị trường", ông Trương Văn Cẩm nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, nhiều năm nay, những chiếc bút bi Thiên Long vẫn giữ giá bán 4 nghìn đồng nhờ loại bỏ chi tiết thừa để tiết kiệm tài nguyên và tăng cường tái chế, tái sử dụng. Do đó, điểm chung của những sáng kiến bền vững hóa sản phẩm là tạo ra được sự thuận tiện cho người tiêu dùng hoặc ít nhất là không làm ảnh hưởng tới trải nghiệm sử dụng sản phẩm. Đây cũng là giải pháp giúp người tiêu dùng tiếp cận được với sản phẩm, từ đó xây dựng văn hóa tiêu dùng bền vững.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục