Gần 70% máy móc nông nghiệp phải nhập khẩu

15:07' - 22/09/2016
BNEWS Các sản phẩm máy công nghiệp nhập khẩu từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)…. chiếm tới gần 70%, trong khi đó sản phẩm sản xuất tại Việt Nam chỉ chiếm từ 15 – 20%.
Hội thảo "Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp và công nghệ chế tạo máy nông nghiệp" diễn ra ngày 22/9 tại Hà Nội. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Ngày 22/9, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối hợp với Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch tổ chức hội thảo “Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp và công nghệ chế tạo máy nông nghiệp”.

Qua dự án khảo sát của Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch tại 92 cơ sở chế tạo máy tại 15 tỉnh, thành phố đại diện cho cả 7 vùng kinh tế cả nước cho thấy, doanh nghiệp nhỏ chiếm chủ yếu 53%, doanh nghiệp siêu nhỏ là 36%, vừa là 4,5%, còn lại là các doanh nghiệp có số lao động trên 300 người, chiếm 6,5%.

Những năm vừa qua, do nhu cầu bức thiết của sản xuất, một phần được Nhà nước hỗ trợ, một phần nhờ sản xuất nông nghiệp bắt đầu phát triển theo hướng hàng hóa lớn nên cơ giới hóa nông nghiệp có bước tiến khá nhanh.

Tuy nhiên, theo ông Bạch Quốc Khang, Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, sự phát triển này chưa bền vững, chưa toàn diện, đồng bộ, mới chỉ tập trung vào cây lúa ở một số khâu, trình độ và hiệu quả còn thấp, tổn thất sau thu hoạch cao.

Ngành cơ khí trong nước chậm đáp ứng nhu cầu của sản xuất nông nghiệp, nhiều chủng loại máy nông nghiệp đang có nhu cầu lớn như máy cấy, liên hợp… phải nhập khẩu.

Hiện số lượng máy động lực sử dụng trong nông nghiệp tăng 1,6 lần trong 10 năm qua. Một số loại máy tăng rất nhanh như máy gặt lúa tăng 25,6 lần, máy phun thuốc bảo vệ thực vật tăng 6 lần, bơm nước tăng 1,2 lần. Mức độ cơ giới hóa nhiều khâu đạt khá cao như làm đất bằng máy đạt 90%, gieo trồng, cấy đạt 30%, chăm sóc đạt 60%...

Tỷ lệ cơ giới hóa còn chênh lệch giữa cây lúa và cây trồng khác. Mức độ trang bị cơ giới hóa không đồng đều giữa các vùng miền, địa bàn, khiến cho năng suất lao động, năng suất nông nghiệp chung của cả nước còn thấp. Tỷ lệ cơ giới một số khâu tuy cao nhưng nhiều loại máy móc còn kém phù hợp. Cơ giới hóa khâu sau thu hoạch còn thấp, tổn thấp giảm chưa nhiều.

Trong những năm qua, Nhà nước ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đầu tư máy móc phục vụ sản xuất, nhưng thiếu cơ chế vận hành chính sách, nhất là cơ chế tiếp cận nguồn vốn vay.

Quyết định 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp đã căn bản gỡ được nút thắt về chính sách, đáng ứng mong mỏi của nông dân, doanh nghiệp. Song đây cũng là bước thụt lùi trong việc phát huy nội lực để phục vụ nông nghiệp của ngành cơ khí trong nước.

Ông Chu Văn Thiện, Viện Cơ điện nông nghiêp và công nghệ sau thu hoạch, cần coi đầu tư vào lĩnh vực chế tạo cơ khí nói chung và chế tạo máy nông nghiệp nói riêng như đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế. Vì vậy, cần có chính sách đặc biệt ưu đãi, nhất là tài chính, cơ sở hậ tầng, khoa học công nghệ… Lấy thị trường sử dụng máy, thiết bị trong nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản làm trụ xoay để xác định lĩnh vực chế tạo cơ khí ưu tiên phát triển.

Theo ông Bạch Quốc Khang, cần tập trung thúc đẩy ứng dụng các nhóm máy, thiết bị trọng điểm nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa, giảm tổn thất ở các khâu. Gắn hỗ trợ trực tiếp người mua máy với hỗ trợ cơ sở chế tạo máy trong nước. Khuyến kích hỗ trợ liên liết giữa doanh nghiệp chế tạo máy với người mua/sử dụng máy; giữa doanh nghiệp tiêu thụ nông sản với nông dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục