Đề xuất cơ chế cho Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Phú Quốc

14:40' - 15/07/2017
BNEWS Nếu cơ chế đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế thì sẽ tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh hết sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến với Phú Quốc.
Đề xuất cơ chế cho Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc. Ảnh: TTXVN

Ngày 15/7, tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Hội thảo khoa học “Đề xuất cơ chế, chính sách, mô hình tổ chức bộ máy nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh tạo bước phát triển đột phá, bền vững cho Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc” đã được tổ chức nhằm thảo luận giúp xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, giảm thiểu các đơn vị chức năng, áp dụng các công cụ chính phủ điện tử..., tạo nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của Phú Quốc.
PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc phải có lợi thế kết nối bên ngoài. Quyền lực độc lập của chính quyền phải được xác định rõ ràng, có cơ chế vận hành thông suốt và được đảm bảo bằng Luật.

Trên thực tế, các đặc khu ở mỗi nước, tùy theo điều kiện cụ thể và các yêu cầu phát triển đặc thù được trao các quyền lập quy không hoàn toàn giống nhau, các mẫu hình đều có sẵn.

Đây là điều mà Phú Quốc cần tổ chức nghiên cứu để đề xuất áp dụng cho phù hợp. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc phải cạnh tranh - liên kết phát triển.

Đó là cạnh tranh - liên kết quốc tế với các đặc khu khác của thế giới và trong khu vực. Phải xây dựng năng lực cạnh tranh vượt trội cho Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc ở đẳng cấp cao nhất.
Theo GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, hiện thực hóa và phát triển Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc trong bối cảnh hiện nay cần tính đến thực tế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên thế giới.

Trên cơ sở phân tích nội hàm, tác động, triển vọng, thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và phân tích thực tế huyện đảo Phú Quốc, cần định hướng, giải pháp trên các khía cạnh như: tầm nhìn phát triển, tạo lập thể chế vượt trội, nâng cao cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối, chính sách ưu đãi mang tính cạnh tranh khu vực và quốc tế, bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả, cơ chế đãi ngộ phù hợp…
Cùng với đó, nhiều ý kiến tham luận nhấn mạnh, cần quy định cụ thể các chính sách quản lý trên một số lĩnh vực liên quan trực tiếp tới hoạt động đầu tư kinh doanh và triển khai thực hiện dự án đầu tư tại Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc như: quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đất đai, xây dựng, đấu thầu, môi trường, thương mại, mở cửa thị trường, lao động… theo hướng đơn giản tối đa về thủ tục và tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.

Các chính sách về phát triển kết cấu hạ tầng; miễn giảm các loại thuế, phí lệ phí; miễn giảm tiền thuê đất, mặt nước, sử dụng đất; tiền tệ ngân hàng, quản lý ngoại hối; xuất nhập cảnh, đi lại, cư trú… đối với Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc được quy định cao hơn, vượt trội và thuận lợi hơn so với quy định hiện hành, không trái với Hiến pháp và phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và đảm bảo cạnh tranh với một số đặc khu trên thế giới.
Ngoài ra, một số tham luận cũng đề xuất mô hình quản lý và chính sách đặc thù phát triển du lịch Phú Quốc trở thành ngành kinh tế chủ lực; phát triển nông nghiệp sạch - nông nghiệp công nghệ cao phục vụ cho du lịch; cơ chế, chính sách đặc biệt về đất đai, bất động sản, nguồn lực tài chính, thuế áp dụng cho Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc; xây dựng môi trường kinh doanh đầu tư đặc biệt để thu hút đầu tư; thu hút và phát triển nguồn nhân lực.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng nhấn mạnh, cơ chế chính sách đặc biệt là vấn đề hết sức quan trọng, tác động trực tiếp đến sự thành công trong phát triển kinh tế của Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc.

Nếu cơ chế, chính sách đủ mạnh, thật sự “khác biệt”, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế thì sẽ tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh hết sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến với Phú Quốc; đồng thời là nơi ươm mầm cho các ý tưởng và hiện thực hóa các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao để Phú Quốc trở thành một khu vực kinh tế năng động, hiệu quả.
Mặc dù có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế, nhưng Phú Quốc thực sự được “đánh thức” sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020” tại Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg, ngày 5/10/2004, với mục tiêu xây dựng đảo Phú Quốc thành “Thành phố biển đảo, trung tâm nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái cao cấp, nghiên cứu khoa học công nghệ… của quốc gia và khu vực”.
Hiện nay, tỉnh Kiên Giang đang hoàn thiện đề án xây dựng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc với các ngành trụ cột chính là công nghiệp giải trí, nghỉ dưỡng; dịch vụ tài chính ngân hàng; kinh tế biển.

Theo đó, đề xuất các cơ chế chính sách theo hướng mở có tính cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới; xây dựng tổ chức bộ máy chính quyền đa ngành, đa lĩnh vực, nhất thể hóa cơ quan chuyên môn của cấp ủy Đảng với chính quyền; thu hút và phát triển nguồn nhân lực...

>>>Giải pháp nào đảm bảo an toàn cho vận tải bằng tàu phà ra đảo Phú Quốc?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục