Đề xuất bỏ quy định cho phép thương nhân kinh doanh xăng dầu chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài

10:53' - 08/04/2021
BNEWS Quy định "cho phép thương nhân kinh doanh xăng dầu nếu có hoạt động sản xuất được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài không quá 35%" cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thêm.
Bộ Công Thương vừa có tờ trình số 1688/TTr-BCT về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, Bộ Công Thương cho rằng, quy định "cho phép thương nhân kinh doanh xăng dầu nếu có hoạt động sản xuất được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài không quá 35%" cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thêm. Vì vậy, Bộ Công Thương kiến nghị, có thể loại bỏ quy định này khỏi dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP. 

Giải đáp vấn đề này, Bộ Công Thương cho hay, quy định trên là nội dung mới đưa vào Nghị định nhưng thực tế đã được thực hiện nhiều năm nay đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có vốn Nhà nước. Đơn cử như Petrolimex (đã bán cho nhà đầu tư nước ngoài 20%), PVOil (35%), BSR (49%),... và đến nay, các doanh nghiệp này vẫn đang kinh doanh, hoạt động bình thường.

Bộ Công Thương giải thích, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp phần cải thiện đáng kể công tác quản trị, giúp minh bạch hơn các báo cáo tài chính. Qua đó, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, đặc biệt là giúp cho giá trị các doanh nghiệp gia tăng thông qua giá trị cổ phiếu.  Bởi có thể thấy, các nhà đầu tư nước ngoài thời gian qua đã am hiểu và tuân thủ theo các quy định, pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

Tuy nhiên, do chưa có quy định chính thức và cụ thể về tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài nên các doanh nghiệp trong nước cũng như cơ quan quản lý rất lúng túng khi thương thảo với họ về việc đầu tư, phát hành tăng vốn. Đặc biệt là việc thiếu đồng nhất về tỷ lệ nắm giữ cổ phần của đối tượng này khi doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán.

Trên thực tế, còn nhiều doanh nghiệp tham gia kinh doanh xăng dầu đã niêm yết trên sàn chứng khoán có nhu cầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng quan tâm tới các cổ phiếu này nhưng đều gặp khó khăn vì thiếu quy định rõ ràng, cụ thể.

“Do vậy, việc rà soát, bổ sung nội dung cho phép doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được chuyển nhượng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài là phù hợp với thực tế đã phát sinh và nhu cầu phát triển của ngành xăng dầu trong nước. Mức giới hạn cổ phần 35% vừa giải quyết được vấn đề thu hút vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị doanh nghiệp song vẫn hạn chế mức độ can thiệp của nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước”, Bộ Công Thương nêu.

Bộ Công Thương khẳng định: Doanh nghiệp xăng dầu, dù thuộc thành phần kinh tế nào, khi kinh doanh tại thị trường Việt Nam cũng phải tuân thủ các điều kiện, quy định tại Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Do đó, doanh nghiệp hoàn toàn bị kiểm soát hoạt động để bảo đảm quản lý về an ninh năng lượng, chất lượng, an toàn cháy nổ,...

Về pháp lý,  Bộ Công Thương cho biết, đã rà soát các quy định hiện hành và cam kết quốc  tế cho thấy: Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia theo biểu cam kết dịch vụ khi gia nhập WTO, dịch vụ phân phối dầu thô và dầu đã qua chế biến được loại khỏi phạm vi cam kết nên Việt Nam có quyền chủ động cho phép hoặc không cho phép nhà đầu tư nước thực hiện quyền phân phối xăng dầu tại Việt Nam. 

Ngoài ra, theo pháp luật trong nước, Điều 22 Luật Đầu tư năm 2014 quy định không giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nói chung nếu không có quy định khác của pháp luật có liên quan... 

“Như vậy, việc cho phép doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ không quá 35% hiện không vi phạm cam kết quốc tế, không trái các Luật và Nghị định trong nước...Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương nhận thấy việc cho phép thương nhân kinh doanh xăng dầu chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài không quá 35% là phù hợp”, Bộ Công Thương nhấn mạnh. 

Theo Bộ Công Thương, đến nay, Nghị định này chưa được thông qua nên phải chờ Chính phủ nhiệm kỳ mới quyết định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục