Bộ Công Thương: Sẽ có khoảng 4-5 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị rút giấy phép

18:08' - 12/03/2021
BNEWS Bộ Công Thương vừa hoàn tất việc kiểm tra hoạt động đối với 10 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; trong đó dự kiến có khoảng 4-5 doanh nghiệp sẽ bị rút giấy phép vì vi phạm Nghị định 83.

Tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương diễn ra chiều 12/3, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, Bộ Công Thương vừa hoàn tất việc kiểm tra hoạt động đối với 10 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; trong đó dự kiến có khoảng 4-5 doanh nghiệp sẽ bị rút giấy phép vì vi phạm Nghị định 83.

Đối với những doanh nghiệp xăng dầu vi phạm Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cho biết sẽ xử lý nghiêm.

Theo lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, hoạt động kinh doanh xăng dầu chịu sự điều chỉnh của nhiều cơ quan có thẩm quyền như Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Hải quan, Cảnh sát biển và các quy định pháp luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Giá, Luật Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Nghị định 83….; trong đó, Bộ Công Thương quản lý chất lượng, số lượng và pha chế xăng dầu, đảm bảo nguồn cung cho sản xuất tiêu dùng, điều hành giá; còn các địa phương có trách nhiệm giám sát hoạt động kinh doanh và chất lượng xăng dầu trên địa bàn.

Việc quản lý liên quan đến xăng dầu trong thời gian vừa qua, theo ông Đông là cơ bản tốt, đáp ứng yêu cầu của Nghị định 83.

Tuy nhiên, vẫn có một số thương nhân xăng dầu có dấu hiệu, vi phạm theo Nghị định 83, liên quan đến việc duy trì điều kiện để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kinh doanh xăng dầu.

"Chúng tôi luôn chú trọng, quan tâm, đề nghị các thương nhân kinh doanh xăng dầu chấp hành, đảm bảo thực thi pháp luật đầy đủ trong việc kinh doanh xăng dầu; trong đó có vấn đề đầu tư kinh doanh, phục vụ cho tiêu dùng, sản xuất. Trong quá trình hậu kiểm thời gian vừa qua, kết thúc đợt 1 đã có kết quả ban đầu, sẽ báo cáo lãnh đạo bộ và các đơn vị có thẩm quyền trên tinh thần xử lý nghiêm những thương nhân kinh doanh xăng dầu vi phạm Nghị định 83, cũng như việc vi phạm pháp luật theo kiến nghị của cơ quan chuyên ngành", ông Đông nói.

Theo ông Đông, Vụ Thị trường trong nước đang hoàn thiện Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, sau nhiều lần chỉnh sửa, đang trong quá trình xin ý kiến của các thành viên Chính phủ.

"Tôi hi vọng đây là lần cuối cùng có thể được thông qua. Nghị định này chúng tôi đã tổng hợp tất cả bất cập về kinh doanh xăng dầu trong thời gian vừa qua để đưa vào sửa đổi, hi vọng xử lý được những vướng mắc bất cập trong vấn đề này", ông Đông chia sẻ tại họp báo.

Liên quan đến vấn đề tại sao phải đăng ký hạn mức nhập khẩu xăng dầu và hạn mức tối thiểu đối với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, việc đặt ra hạn mức đối với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, trực tiếp là vấn đề xuất khẩu và nhập khẩu kinh doanh xăng dầu đã được đặt ra từ lâu (Nghị định 84, Nghị định 83) là để đảm bảo an ninh năng lượng.

"Khi doanh nghiệp được cấp phép trở thành doanh nghiệp đầu mối, hàng năm họ phải đăng ký hạn mức nhập khẩu, nếu không đăng ký hạn mức nhập khẩu thì sẽ thiếu xăng dầu để cung cấp trong nước.

Còn đối với doanh nghiệp phân phối, đại lý họ có quyền lấy xăng dầu từ doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia, cho nên số hạn mức họ lấy của 1 doanh nghiệp, của một đầu mối có thể ít, nhưng tổng số của họ để tiêu thụ và trực tiếp vận hành trên thị trường lại nhiều hơn", ông Hải nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục