Đề xuất đầu tư công hơn 6.000 tỷ đồng xây dựng cao tốc Cao Lãnh - An Hữu

19:57' - 21/02/2022
BNEWS Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu.

Theo đó, dự án này được đề xuất đầu tư bằng hình thức đầu tư công với số tiền 6.000 tỷ đồng.

 

Theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, dự án có tổng chiều dài hơn 27 km. Trong đó, đoạn qua tỉnh Đồng Tháp dài khoảng 18,2 km; đoạn qua tỉnh Tiền Giang khoảng 9,23 km. Điểm đầu dự án giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (cách nút giao An Bình khoảng 4 km) thuộc xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Điểm cuối dự án giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (cách nút giao An Thái Trung khoảng 1,8 km) thuộc xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có quy mô là 4 làn xe, rộng 24,75m. Tuy nhiên trong giai đoạn phân kỳ, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị tiến hành xây dựng theo quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m. Vận tốc thiết kế 100 km/h, việc giải phóng mặt bằng được thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch.

Để thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến chia Dự án thành 2 dự án thành phần. Cụ thể, dự án thành phần 1 (Km0 đến khoảng Km18+200) từ xã An Bình, huyện Cao Lãnh, đến xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh với chiều dài khoảng 18,2 km trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 4.300 tỷ đồng.

Dự án thành phần 2 (khoảng Km18+200 đến khoảng Km27+430) xã Tân Hưng, huyện Cái Bè đến xã An Thái Trung, huyện Cái Bè với chiều dài khoảng 9,23 km trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 1.700 tỷ đồng.

Sơ bộ tổng mức đầu tư theo quy mô phân kỳ (4 làn xe hạn chế) là khoảng 6.029 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị ước hơn 4.100 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng 719 tỷ đồng.

Bộ Giao thông Vận tải đề xuất sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, giai đoạn 2026 - 2030 của Bộ Giao thông vận tải và vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Liên quan đến việc phân bổ vốn cho dự án, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, cần bố trí khoảng hơn 4.800 tỷ đồng (khoảng 80,2% tổng mức đầu tư). Phần còn lại khoảng gần 1.200 tỷ đồng (khoảng 19,8% tổng mức đầu tư) chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2026 - 2030.

“Theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua, dự kiến Bộ Giao thông Vận tải bố trí cho dự án hơn 2.282 tỷ đồng; giai đoạn 2022 - 2023 Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội bố trí cho dự án khoảng hơn 1.200 tỷ đồng.

Như vậy, giai đoạn 2021 - 2025, số vốn cần bổ sung cho dự án khoảng hơn 1.351 tỷ đồng, kiến nghị bố trí từ nguồn chưa phân bổ và nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của cả nước”, tờ trình Bộ Giao thông Vận tải nêu.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, do tầm quan trọng của dự án và được thực hiện theo các cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Bộ Giao thông Vận tải xác định sẽ cùng các địa phương triển khai thủ tục chuẩn bị dự án năm 2022; thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022 - 2023 cơ bản đạt 90% - 95%; thi công xây dựng công trình năm 2023 và cơ bản hoàn thành năm 2025, đưa dự án vào sử dụng từ năm 2026.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, việc hoàn thành đưa vào khai thác đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế trục ngang, kết nối các tuyến trục dọc như: Quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam phía Đông (cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau), cao tốc Bắc - Nam phía Tây (đường Hồ Chí Minh - Mỹ An - Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi) tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực…/. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục