Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho phát triển nhà máy điện mặt trời

21:05' - 22/03/2021
BNEWS Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) vừa có báo cáo gửi Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) về ảnh hưởng của điện mặt trời đến công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải của đơn vị.

Theo báo cáo này, để giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo trong khu vực và xử lý tình trạng vận hành đầy tải, quá tải lưới điện, PTC3 đã đề nghị Tổng Công ty sớm đưa vào vận hành máy biến áp AT2 225/115/23kV, công suất 250/250/50 MVA nhằm giải quyết tình trạng vận hành đầy tải trạm 220kV Phan Rí.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đóng điện đường dây 220kV Nha Trang – Krông Buk mạch 2, Krông Buk – Pleiku 2 mạch 2 trong năm 2021 để giải quyết tình trạng vận hành đầy tải, quá tải các đường dây 220kV khu vực Phú Yên, Khánh Hòa.

Bên cạnh đó, Tổng Công ty đóng điện, đưa vào vận hành đường dây 220kV 273 Phù Mỹ - 275 Quảng Ngãi để giải quyết tình trạng vận hành đầy tải, quá tải khu vực Bình Định, Gia Lai; Đầu tư xây dựng sớm, đóng điện các đường dây 220kV mạch kép Đa Nhim - Đức Trọng - Di Linh để giải quyết tình trạng vận hành đầy tải, quá tải các đường dây 220kV khu vực Lâm Đồng, Ninh Thuận.

Mặt khác, Tổng Công ty cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đóng điện công trình đường dây 220kV Nha Trang – Tháp Chàm mạch 2 và công trình treo dây mạch 2 đường dây 220kV Nha Trang – Tháp Chàm mạch 2.

Ông Đinh Văn Cường, Phó Giám đốc PTC3 cho biết, trong hai năm 2019 - 2020, tổng công suất điện mặt trời (ĐMT) đấu nối vào lưới điện truyền tải PTC3 và lưới điện phân phối của 9 Công ty điện lực khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên lên tới 8.499 MW, chiếm 42% tổng công suất đặt nguồn điện khu vực.

Trong đó, cấp điện áp 500kV là 1.050 MW (2 Nhà máy ĐMT), cấp điện áp 220kV là 2.336 MW (23 Nhà máy ĐMT), cấp điện áp 110kV là 2.308 MW (61 Nhà máy ĐMT), điện mặt trời trang trại và áp mái đấu nối ở cấp điện áp dưới 22kV là 2.755 MW.

Với cơ cấu nguồn điện mặt trời trên lưới điện phân phối và lưới truyền tải rất lớn như vậy, nên PTC3 đã gặp một số khó khăn.

Trước tiên về quản lý vận hành lưới điện, do tốc độ phát triển rất nhanh của các Nhà máy ĐMT, ĐMT trang trại, ĐMT áp mái, trong thời gian ngắn làm cho một số đường dây 220kV, máy biến áp 220kV khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai vận hành đầy tải, có khi quá tải.

Hiện nay, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) và Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Nam (A2) đang phải áp dụng biện pháp thay đổi về kỹ thuật như kết dây, tách thanh cái, mở vòng lưới điện, tận dụng tối đa khả năng tải các đường dây 220kV còn non tải.

Tuy nhiên, sau khi thay đổi kết dây vẫn còn xảy ra đầy tải, có khi quá tải các đường dây 220kV.

Đặc biệt, theo tính toán của Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Trung (A3) khi đánh giá sự cố ngẫu nhiên N-1 hoặc cắt điện đường dây 220kV 277 Pleiku 2 – 277 Phước An, một cung đoạn đường dây trên đường trục 271 Pleiku – Nhà máy điện sinh khối An Khê – Nhà máy thủy điện An Khê –273 Quy Nhơn cũng gây quá tải các đường dây 220kV.

Trước thực tế này, PTC3 đã yêu cầu các đơn vị Truyền tải điện tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát thiết bị, máy biến áp, đo nhiệt độ tiếp xúc lèo, mối nối và hành lang tuyến đường dây để kịp thời khắc phục, xử lý hiện tượng bất thường.

Ngoài ra, với một số việc sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên, bảo dưỡng, thí nghiệm định kỳ cần cắt điện phải bố trí vào ban đêm khi ĐMT ngừng phát nên rất khó khăn trong thi công, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Về sản lượng điện nguồn năng lượng tái tạo dư thừa phát ngược lên lưới truyền tải, theo PTC3, trong năm 2020, sản lượng điện thương phẩm của 9 Công ty điện lực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đạt gần 13,5 tỷ kWh.

Riêng sản lượng điện của nguồn năng lượng tái tạo ngoài việc cung cấp điện cho 9 Công ty Điện lực, dư thừa phát ngược lên lưới điện truyền tải qua các máy biến áp 220kV đạt hơn 2,2 tỷ kWh, chiếm khoảng 16,52% điện thương phẩm.

Trong 2 tháng đầu năm 2021, sản lượng điện thương phẩm 9 Công ty điện lực đạt 2,1 tỷ kWh, giảm 5,24% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng sản lượng nguồn năng lượng tái tạo phát ngược lên lưới truyền tải là gần 850,4 triệu kWh, chiếm khoảng 40,10% điện thương phẩm. Ước tính năm 2021 có thể lên tới hơn 5,4 tỷ kWh.

Như vậy, lưới điện truyền tải ngoài việc nhận điện hệ thống 500kV và các nhà máy điện 220kV trong khu vực cung cấp cho phụ tải, nay còn tiếp nhận sản lượng lớn dư thừa từ lưới điện phân phối dưới 110kV qua các máy biến áp 220kV hòa vào lưới điện Quốc gia gây ra đầy tải, quá tải lưới điện 220kV. Ông Đinh Văn Cường cho hay.

Cũng theo PTC3, trong năm 2020, sản lượng điện truyền tải PTC3 giao cho 9 Công ty Điện lực thuộc EVNCPC và EVNSPC và các nhà máy điện đạt gần 8,6 tỷ kWh, chiếm 63,47% điện thương phẩm. Trong 2 tháng đầu năm 2021, sản lượng điện truyền tải đạt gần 917,5 triệu kWh, giảm 45,39% so với cùng kỳ 2020 và chỉ chiếm 43,27% điện thương phẩm.

Báo cáo này cũng cho thấy với giả thiết phụ tải không tăng do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, điều kiện khí tượng thủy văn tương tự năm 2020, nguồn điện mặt trời được huy động với mức 90% công suất định mức, PTC3 tính toán, sản lượng điện truyền tải giao cho 9 Công ty Điện lực thuộc EVNCPC và EVNSPC và các nhà máy điện trong năm 2021 ước tính chỉ đạt hơn 6,6 tỷ kWh, giảm mạnh so với kế hoạch Tổng Công ty giao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục