Đề xuất hơn 100 giải pháp tiết kiệm năng lượng

15:14' - 24/05/2019
BNEWS Với 108 giải pháp tiết kiệm năng lượng được đề xuất, các doanh nghiệp có tiềm năng tiết kiệm chi phí khoảng 78.000 USD.
Đề xuất hơn 100 giải pháp tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Sáng 24/5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo về phát triển các dự án tiết kiệm năng lượng trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam”.

Theo thông tin từ Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, thông qua việc đánh giá, tìm hiểu công nghệ tiết kiệm năng lượng của hơn 2.400 doanh nghiệp và sử dụng năng lượng trọng điểm, dự án đã lựa chọn 10 doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng dưới sự giám sát của các chuyên gia năng lượng Hàn Quốc. Các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau như giấy, bột giấy, thức ăn chăn nuôi, thép, xi măng, hóa chất, lọc hóa dầu, dệt may.

Kết quả, có 108 giải pháp tiết kiệm năng lượng được đề xuất. Thực hiện các giải pháp này, các doanh nghiệp có tiềm năng tiết kiệm chi phí khoảng 78.000 USD (tỷ lệ tiết kiệm 4,8% tổng tiêu thụ năng lượng). Với mức đầu tư dự kiến gần 200.000 USD, thời gian hoàn vốn 2,6 năm, cắt giảm 606.000 tấn CO2/năm.

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho biết, Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019. Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam” có ý nghĩa quan trọng giúp thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công nghiệp, góp phần đưa chương trình VNEEP đạt được các mục tiêu đề ra.

Dự án gồm 3 hợp phần chính gồm: Xây dựng năng lực phát triển dự án đầu tư tiết kiệm hiệu quả năng lượng trong công nghiệp; Xác định các dự án đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong công nghiệp; Hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong công nghiệp.

Đối tượng thụ hưởng chính của dự án gồm các trung tâm tiết kiệm năng lượng và các công ty dịch vụ năng lượng, các cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến việc quản lý lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm, những doanh nghiệp phải thực hiện kiểm toán năng lượng 3 năm/lần theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Theo ông Kim Jinoh, Giám đốc quốc gia Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam: “Chúng tôi với tư cách là cơ quan phụ trách viện trợ ODA của Chính phủ Hàn Quốc đã làm việc với Bộ Công Thương và các bên có liên quan, nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công chương trình VNEEP. Dự án Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam sẽ xây dựng những giải pháp kỹ thuật và tài chính, góp phần hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện cam kết của Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu".

Dự án tập trung vào hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho các đơn vị cung cấp dịch vụ năng lượng (gồm các Công ty dịch vụ năng lượng và các Trung tâm Tiết kiệm năng lượng, gọi tắt là ESCO) và các cán bộ quản ký nhà nước liên quan đến lĩnh vực tiêt kiệm và hiệu quả năng lượng. Thông qua các hình thức đào tạo, thực hành tại các dự án thí điểm, họ có cơ hội được triển khai tất cả các bước thực hiện dự án đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng theo mô hình kinh doanh ESCO, ông Kim Jinoh cho biết thêm.

Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Cơ quan Năng lượng Hàn Quốc và Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững – Bộ Công Thương đã phối hợp thực hiện.

Hội thảo lần này nhằm phổ biến các hoạt động, kết quả triển khai của Dự án tới cộng đồng các doanh nghiệp công nghiệp và toàn xã hội, qua đó thúc đẩy phát triển thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng ở Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục