Đề xuất thêm 4 ngày nghỉ dịp Quốc khánh, TLĐLĐ Việt Nam lý giải ra sao?

11:09' - 04/12/2023
BNEWS Tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã báo cáo tổng hợp ý kiến của đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn với Đảng, Nhà nước.

Tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có báo cáo tổng hợp ý kiến của đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn đối với Đảng, Nhà nước.

Thông qua đại hội công đoàn các cấp, từ 445 ý kiến của công nhân, viên chức, lao động, cán bộ công đoàn cả nước bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, hiến kế kiến nghị với Đảng, Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã lựa chọn 8 vấn đề lớn.

Một trong những vấn đề kiến nghị của đoàn viên, người lao động đưa ra là sớm nghiên cứu, sửa đổi, điều chỉnh thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của công nhân, lao động.

Theo đó, Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (Nghị quyết số 101/2019/QH14) đã nêu rõ “Giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế-xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp.”

Người lao động đề xuất sớm thực hiện điều chỉnh thời giờ làm việc bình thường để công bằng giữa thời giờ làm việc của người lao động khu vực cơ quan, hành chính nhà nước (40 giờ/tuần) và khu vực doanh nghiệp (48 giờ/tuần); tạo điều kiện để người lao động nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động, chăm sóc con cái, đảm bảo hạnh phúc gia đình.

Ngoài ra, công đoàn viên, người lao động còn đề xuất nghiên cứu tăng ngày nghỉ lễ, Tết hàng năm vào thời điểm thích hợp vì số ngày nghỉ này của nước ta đang thấp hơn bình quân chung của các nước Đông Nam Á và thế giới từ 5-6 ngày.

Cụ thể, đề xuất nghiên cứu bổ sung tăng 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc Khánh (nghỉ từ ngày 2-5/9), tạo cơ hội cho công nhân được đưa con đến trường trong ngày khai giảng. Đây là nguyện vọng rất thiết tha của số đông công nhân có con đang tuổi đến trường.

 

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chia sẻ, qua những dịp đi thực tế, lấy ý kiến công nhân cho dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi, bổ sung), ông gặp những ý kiến giản dị nhưng rất xúc động của công nhân lao động. Không ít nữ công nhân đã chảy nước mắt và nói rằng mong ước của họ là trong ngày khai giảng, chính mình được đưa con đến trường.

Lao động nữ mỗi khi đi làm về rất vất vả, ít có thời gian dành cho con nên việc đưa con đi khai giảng họ cũng chưa thực hiện được. Với công nhân làm ca kíp, dây chuyền, nếu ngày khai giảng không vào thứ Bảy, Chủ Nhật hoặc ngày nghỉ thì họ không có cơ hội đưa con tới trường trong ngày đó.

Việc bổ sung ngày nghỉ cần được xem xét, bởi đây cũng là nguyện vọng rất thiết tha của số đông công nhân có con đang tuổi đến trường.

Khi chất lượng cuộc sống được nâng cao, đời sống tình thần và nghỉ ngơi của người lao động cũng nên được chú trọng. Việc cha mẹ đưa con đi khai giảng giúp trẻ nhỏ có nhiều ký ức cũng như gắn kết tình thương. Do đó tăng thêm ngày nghỉ lễ chính thức trong năm là cần thiết.

Ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, tổ chức Công đoàn sẽ kiên trì kiến nghị nguyện vọng này đến khi Bộ luật Lao động sửa đổi trong lần gần nhất tiếp theo, thậm chí là trong những lần chỉnh sửa bổ sung quy định về các chế độ khác. Đây là việc làm thể hiện sự nhân văn của tổ chức Công đoàn, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người lao động.

Theo Bộ luật Lao động 2019, nước ta có 11 ngày nghỉ lễ chính thức gồm Tết dương lịch (1 ngày), Tết Nguyên đán (5 ngày), giỗ Tổ Hùng Vương (1 ngày), Chiến thắng 30-4 và Quốc tế Lao động (2 ngày) và Quốc khánh 2-9 (2 ngày).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục