Đề xuất tiếp tục hỗ trợ miễn, giảm các loại thuế, phí cho doanh nghiệp

16:23' - 11/11/2024
BNEWS Tổng giám đốc Vietnam Report Vũ Đăng Vinh cho biết: Các doanh nghiệp kỳ vọng, những chính sách hỗ trợ, gói kích thích, miễn giảm hoặc gia hạn nộp thuế tiếp tục được triển khai trong thời gian tới.
 

Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố báo cáo tổng hợp khảo sát ý kiến từ nhiều doanh nghiệp. Theo đó, đa số doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục hỗ trợ miễn, giảm các loại thuế, phí, hoặc gia hạn nộp thuế cho doanh nghiệp.

Cùng đó, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng logistics. Đồng thời, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại ở trong và ngoài nước. 

Tổng giám đốc Vietnam Report Vũ Đăng Vinh cho biết: Các doanh nghiệp kỳ vọng, những chính sách hỗ trợ, gói kích thích, miễn giảm hoặc gia hạn nộp thuế tiếp tục được triển khai trong thời gian tới. Cụ thể, không chỉ các chính sách,  chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu thiệt hại bởi bão Yagi được miễn giảm, gia hạn thuế từ 1-2 năm tùy từng trường hợp chịu ảnh hưởng mà cả những chính sách khác như: giảm 2% thuế giá trị gia tằng (VAT), các gói lãi suất ưu đãi.... được hy vọng sẽ tiếp tục triển khai.

Đây được coi là những giải pháp có tác động nhanh chóng để doanh nghiệp giảm bớt áp lực tài chính, có điều kiện đầu tư thêm vào nghiên cứu phát triển, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời kỳ nền kinh tế trên đà phục hồi.

Về vấn đề ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát cũng được đánh giá cao và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận đây là thành tựu mà Chính phủ Việt Nam đạt được trong bối cảnh kinh tế-chính trị thế giới có nhiều biến động. Sau đó là những chính sách điều hành và can thiệp nhanh chóng nhằm duy trì thị trường tài chính lành mạnh, tỷ giá ổn định và lạm phát trong tầm kiểm soát.

Các doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report kỳ vọng những giá trị tư tưởng luôn được phát huy, chính sách tiền tệ và tài khóa luôn được phối hợp để môi trường vĩ mô ổn định, tỷ giá, lạm phát được kiểm soát. Cùng với sự ổn định vĩ mô, doanh nghiệp tiếp tục mong muốn thủ tục hành chính và các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh được rà soát, cắt giảm.

Chiến lược triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ số theo Quyết định số 942/QĐ-TTg đã trải qua bốn năm thực thi, theo lộ trình 2021-2025, cùng với những chủ trương cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính... các doanh nghiệp cũng mong đợi những kết quả tích cực hơn nữa  để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong đăng ký kinh doanh cũng như các thủ tục hành chính đi kèm.

Riêng về yếu tố cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng logistics, các doanh nghiệp mong muốn có thêm những chính sách mang tính động lực để thúc đẩy việc hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng. Cụ thể như giải quyết những vấn đề liên quan như giải phóng mặt bằng, đền bù để di dời người dân sang khu tái định cư; đẩy nhanh tiến độ những dự án hạ tầng giao thông nổi bật như cao tốc, đường sắt Bắc Nam, sân bay Long Thành, mở rộng các đường vành đai khu vực trung tâm Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh..... Qua đó, tăng tốc triển khai cho kịp tiến độ, đồng bộ hóa hệ thống giao thông cho liền mạch, rút ngắn thời gian vận chuyển và ngày càng mở rộng khu công nghiệp xoay quanh các tuyến đường.

Cuối cùng là những kỳ vọng về tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại. Việc Việt Nam thu hút mạnh mẽ nguồn vốn FDI cũng như tham gia nhiều hơn vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đưa mức độ hợp tác lên đối tác chiến lược toàn diện với nhiều nền kinh tế phát triển đang là bước tiến quan trọng trong các nỗ lực xúc tiến thương mại, tăng cường xuất khẩu và hiện diện nhiều hơn nữa trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bởi lẽ, thị trường xuất khẩu là nơi các doanh nghiệp Việt luôn muốn hướng tới nhằm tận dụng lợi thế từ thuế quan FTA ưu đãi, cũng như lợi thế từ chênh lệch tỷ giá của tiền đồng so với những đồng tiền khác. Tìm được đầu ra tiềm năng sẽ là lời giải cuối cùng cho bài toán thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết, ông Vinh nhấn mạnh.

Cũng trong báo cáo lần này, Vietnam Report ghi nhận bình chọn của cộng đồng VNR500 - Top các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam cho rằng, công nghệ thông tin, viễn thông sẽ tiếp tục là ngành có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất trong 12 tháng tới, với tỷ lệ 64,7% doanh nghiệp bình chọn. Công cuộc chuyển đổi số, kỷ nguyên của Trí tuệ nhân tạo (AI) khai sáng và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt nền móng cho một giai đoạn phát triển mới; trong đó, kinh tế số được định hướng là trụ cột quan trọng của nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

Hiện tại, doanh thu từ ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam đạt khoảng 118 tỷ USD, tương đương mức tăng trên 17% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lĩnh vực phần mềm và dịch vụ công nghệ số đóng góp đáng kể với doanh thu 6,64 tỷ USD, tăng xấp xỉ 10%. Điều này phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng số vào mọi lĩnh vực, từ tài chính, bán lẻ đến giáo dục, y tế. Xu hướng này không chỉ thu hút đầu tư trong nước mà còn tạo sức hút lớn đối với các tập đoàn công nghệ quốc tế, thúc đẩy Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực.

Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, đặc biệt là các chính sách ưu đãi đầu tư và các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, đang tạo động lực lớn cho ngành này. Với tầm nhìn xây dựng Việt Nam trở thành một trung tâm công nghệ của khu vực ASEAN, ngành công nghệ thông tin/viễn thông được kỳ vọng sẽ tiếp tục là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế quốc gia.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục