Đến ngày 31/12, dự án BOT không áp dụng ETC sẽ bị dừng thu phí

18:10' - 17/07/2020
BNEWS Ngày 17/7, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đến thời điểm này dự án thu phí tự động không dừng (ETC) giai đoạn 1 đã lắp đặt vận hành được 37/44 trạm.

Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang tiến hành lắp đặt và dự kiến sẽ vận hành thu phí ETC ngay trong tháng 7 này.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Thắng cho hay, 5 tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, chỉ có tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình đã đưa vào vận hành; 4 tuyến còn lại chưa triển khai do vướng mắc về nguồn vốn.

Còn theo ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư – PPP (Bộ Giao thông Vận tải), đến thời điểm này, cơ bản các nhà đầu tư BOT đã ký phụ lục hợp đồng ETC giai đoạn 1.

“Đối với 33 trạm thuộc dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 2, số trạm đã ký phụ lục hợp đồng BOT là 17 trạm, 10 trạm đã đàm phán thống nhất với nhà đầu tư. Hiện vẫn còn 6 trạm đã đàm phán, nhưng còn nhiều vướng mắc do doanh thu tại trạm sụt giảm nên việc trích chi phí quản lý thu sẽ ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án”, ông Lê Kim Thành cho biết.

Cũng theo ông Lê Kim Thành, đối với việc ký hợp đồng dịch vụ giữa nhà đầu tư BOT và đơn vị cung cấp dịch vụ, hiện đã ký được 17 trạm.

Nguyên nhân các trạm còn lại chưa ký là do nhà đầu tư chưa đồng thuận tỷ lệ trích chi phí quản lý thu phí ETC, chi phí giám sát thu phí của nhà đầu tư BOT chưa được chấp thuận chính thức.

Đối với dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 2, ông Lê Kim Thành cho hay, nhà đầu tư là Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã đủ cơ sở đàm phán hợp đồng dịch vụ với nhà đầu tư BOT.

Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ dự án thu phí tự động không dừng do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức vào giữa tuần qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đánh giá, dự án thu phí tự động không dừng là chủ trương lớn của Chính phủ.

Sau nhiều năm thực hiện, dự án này gặp nhiều rủi ro không lường trước được, đơn cử như trong đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ giai đoạn 2 dự án kéo dài mất hơn 1 năm. Việc thực hiện dự án của các đơn vị đã có nhiều nỗ lực, nhưng tiến độ chưa đáp ứng yêu cầu.

Mặt khác, Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thu phí tự động không dừng sẽ có hiệu lực thi hành vào tháng 8 tới nên cần rà soát lại các thủ tục theo đúng quy định của Quyết định.

Liên quan những vướng mắc trong việc triển khai dự án thu phí tự động không dừng tại các dự án đường bộ cao tốc do VEC quản lý, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ báo cáo Chính phủ tháo gỡ nguồn vốn theo hướng xin Chính phủ lập dự án thu phí không dừng của VEC và trích doanh thu từ thu phí để thực hiện dự án.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, việc hoàn thành dự án thu phí tự động không dừng không chỉ đem lại lợi ích cho xã hội mà cả lợi ích cho các nhà cung cấp dịch vụ.

Đặc biệt, các trạm thu phí cửa ngõ hoàn thành việc triển khai thu phí ETC, phương tiện sử dụng nhiều, doanh thu sẽ tăng.

Để đảm bảo hiệu quả việc triển khai thu phí ETC, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục nghiên cứu ban hành các chế tài xử lý vi phạm đối với chủ xe theo hướng xe không dán thẻ sẽ không được đi vào làn thu phí không dừng.

Trước đó, ngày 17/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg thay thế Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg về thu phí tự động không dừng.

Theo Quyết định này, đến ngày 31/12/2020, dự án BOT nào không áp dụng thu phí không dừng sẽ bị dừng thu phí.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 có tổng số 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các Quốc lộ khác. Dự án này do Công ty TNHH thu phí tự động VETC triển khai thực hiện.

Dự án thu phí không dừng giai đoạn 2, gồm 33 trạm trên các tuyến Quốc lộ còn lại. Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế và đã lựa chọn được liên danh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) thực hiện dự án./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục